Giống như những ngôn ngữ khác, Tiếng Việt cũng có từ đồng âm - từ đồng nghĩa - từ trái nghĩa. Điều này vừa làm phong phú thêm Tiếng Việt mà cũng giúp tạo thành những câu đố mẹo khiến cả người bản địa cũng phải "vắt óc" suy nghĩ.
Như một tập phát sóng chương trình Nhanh Như Chớp, một câu hỏi liên quan đến Tiếng Việt đã làm khó ca sĩ Ưng Hoàng Phúc: "Chín hạt gạo bằng mấy hạt cơm?".
Nhiều khán giả cũng phải bó tay trước câu đố mẹo này, liên tục đoán bừa rằng: "Random từ 9 - 18 nhé vì gạo nhà mình lúc nấu có hạt nở, hạt vỡ. Mà sao nấu được 9 hạt mới tài?", "Đố gì khó thế, hỏi nồi cơm điện chứ sao hỏi chúng tôi?", "Còn tùy vào mình có bấm nút nồi cơm điện không. Không bấm thì không có hạt cơm nào hết"...
Thực ra đáp án của câu này dễ hơn bạn nghĩ. Từ quan trọng nhất ở đây là "Chín".
"Chín" ở đây mang nghĩa chín (nhiệt độ), không phải 9 (số lượng). Vậy nên câu này sẽ được giải nghĩa rằng: "(Nấu) chín hạt gạo sẽ tạo thành mấy hạt cơm?" => Đáp án đúng là "1 hạt cơm".
Có mỗi việc "nấu chín cơm" cũng có thể gây tranh cãi (Ảnh minh họa)
Và liệu bạn có biết, từ "chín" trong Tiếng Việt còn có rất nhiều nghĩa khác dưới đây:
Chín => Dùng để chỉ sâu tằm ở giai đoạn phát triển đầy đủ, sắp làm kén, hóa nhộng.
Ví dụ: Lứa tằm vừa chín.
Chín => Kỹ lưỡng, thấu đáo, đầy đủ mọi khía cạnh.
Ví dụ: Phải suy nghĩ cho thật chín rồi hãy làm.
Chín => (màu da mặt, môi) đỏ ửng lên.
Ví dụ: Ngượng chín cả mặt.
Bạn đã thấy sự thú vị của Tiếng Việt chưa!