"Đập đập, trói trói/ Bỏ đói một ngày/ Hôm sau đi đày/ Đặt cho tên khác" - Thử nghĩ xem, bạn đã từng thấy hoạt động gì mà bao gồm rất nhiều hành vi... bạo lực thế này không? Bật mí đây là một câu đố mẹo, vậy nên nếu nghĩ theo hướng quá nghiêm túc, hẳn bạn sẽ tốn thời gian vô ích nhưng kết quả vẫn là "xôi hỏng bỏng không".
Câu đố nghe thì có vẻ phức tạp thật đấy, nhưng đáp án để chỉ một hoạt động vô cùng thân quen. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng được nghe, được chứng kiến, thậm chí còn đã từng bắt tay vào làm. Phổ biến nhất là ở thôn quê, liên quan đến bữa ăn hàng ngày của chúng ta, cụ thể là... cơm. Đến đây thì câu trả lời đã khá rõ ràng, bạn đã nghĩ ra chưa?
Đáp án chính là Nhổ mạ và Cấy lúa. Trong nghề trồng lúa nước, việc việc nhổ cây mạ đem cấy sẽ giúp cây mạ phát triển nhanh hơn so với việc gieo thẳng.
Ảnh minh họa: ST
Nhổ mạ là dùng tay lấy cây mạ đang mọc trong ruộng mạ lên khỏi đất gieo. Khi nhổ mạ tay nghịch giữ ngọn cây mạ, tay thuận cầm sát gốc mạ, dùng lực của cơ thể để nhổ cây mạ lên. Sau khi nhổ, đất còn dính ở rễ mạ, phải rửa sạch đất ở rễ của các cây mạ bằng cách cầm cả nắm mạ, giũ phần gốc xuống nước, rồi lấy tay thuận cầm nắm cây mạ đó đập vào chân để loại bỏ đất ở gốc mạ. Cứ làm vài lần như vậy cho đến khi sạch hết đất ở gốc mạ. Vậy nên mới có hành động "Đập đập, trói trói".
Cấy lúa là lấy cây mạ cắm (đặt) xuống ruộng đã được chuẩn bị sẵn sao cho gốc và rễ mạ được vùi vào trong đất bùn của ruộng để cây mạ đứng vững và bén rễ, hồi xanh, rồi sinh trưởng, phát triển cho đến khi thu hoạch. Sau khi bén rễ hồi xanh, qua quá trình sinh trưởng, phát triển, ruộng lúa đã ở giai đoạn bắt đầu trỗ.
Giai đoạn lúa chín bắt đầu từ lúc trổ bông đến lúc thu hoạch. Giai đoạn này trung bình khoảng 30 ngày đối với hầu hết các giống lúa ở vùng nhiệt đới. Tuy nhiên, nếu đất ruộng có nhiều nước, thiếu lân, thừa đạm, trời mưa ẩm, ít nắng trong thời gian này thì giai đoạn chín sẽ kéo dài hơn và ngược lại.