TP.HCM chưa phê duyệt dự án cầu Cần Giờ
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, bản báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án xây dựng cầu Cần Giờ đã được gửi đến Hội đồng thẩm định của Thành phố thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tưtừ tháng 12 năm 2023.
Sở GTVT TP.HCM đã cung cấp tư vấn cho UBND TP và Ban Cán sự Đảng của UBND TP để chuẩn bị báo cáo cho Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM.
Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu rằng không nên vì mục tiêu khởi công dự án vào dịp 30/4/2025 mà thiếu sót các thủ tục pháp lý cần thiết và các điều kiện khởi công, để tránh phát sinh những rắc rối, trở ngại và rủi ro pháp lý sau này, có thể làm chậm tiến độ dự án.
Hiện tại, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đang tham mưu cho UBND Thành phố về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM cho đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060.
Sau khi đồ án quy hoạch này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở GTVT TP.HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình lên cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án.
Trước đó, TP.HCM đã đề ra mục tiêu khởi công cầu Cần Giờ vào kỷ niệm ngày 30/4/2025 và hoàn thành ào năm 2028.
Cầu Cần Giờ có gì đặc biệt?
Theo phương án được đề xuất, cầu Cần Giờ có điểm đầu nằm trên đường 15B (huyện Nhà Bè), cách rạch Mương Ngang khoảng 500 m về phía Bắc, điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác, cách phà Bình Khánh khoảng 2,5 km về phía Nam, tổng chiều dài dự án là 7,3 km. Ngoài cầu chính, dự án còn một số cầu nhỏ vượt sông Chà, Tắc Sông Chà và cầu rạch Mương Ngang.
Quy mô mặt cắt ngang của cầu là 6 làn xe (4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp), vận tốc thiết kế 60km/h. Dự án sẽ xây dựng hệ thống thoát nước, công trình phụ trợ gồm hệ thống an toàn giao thông; đèn chiếu sáng, chiếu sáng mỹ thuật; xây dựng hệ thống trạm thu phí, camera quan sát....
Cầu Cần Giờ có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 11.087 tỷ đồng (bao gồm lãi vay), trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.228 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2028. Khi đó, cầu này sẽ soán ngôi cầu Phú Mỹ (nối TP.Thủ Đức và Quận 7) hay cầu Bình Khánh, trở thành cầu dây văng có quy mô lớn nhất Tp.HCM.
Cầu Cần Giờ sẽ là cầu dây văng một trụ tháp với ý tưởng phác họa hình tượng cây đước đặc trưng của huyện Cần Giờ (khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận năm 2000). Cầu có lan can hình sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua.
Khi cây cầu này đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa giữa huyện Cần Giờ với các địa phương lân cận, rút ngắn thời gian di chuyển từ Cần Giờ đi Nhơn Trạch từ 1,5 giờ xuống còn 30 phút.
Hơn thế nữa, cầu Cần Giờ được xây dựng sẽ mở cánh cửa cho "siêu" cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sớm đi vào hoạt động, kết nối thông thương vào nội thành TP.HCM và các tỉnh thành khác.
Cảng này được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ là “mỏ vàng” giúp TP.HCM - đô thị giàu top đầu Việt Nam tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực và châu Á như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore.
“Khi hình thành cầu Cần Giờ sẽ góp phần đi tiên phong, hình thành tuyến kết nối giao thông trực tiếp với khu vực ven biển phía Nam TP.HCM và làm sáng bừng dậy sức sống của khu vực này", ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM nói tại lễ công bố kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ.