"War Pig – Lợn chiến" là từ dùng để gọi những con lợn bị sử dụng làm vũ khí chiến tranh ở thời cổ đại. Còn "Pig War – Chiến tranh Con lợn" thì là từ dùng để gọi cuộc chiến khôi hài nhất lịch sử, xảy ra vào năm 1895.
Nhưng chúng ta hãy thư thả một chút, để sơ lược về con vật được gọi là lợn.
Đông đến hàng tỷ con, được nuôi khắp thế giới
Lợn là một chi của động vật móng guốc, có danh pháp khoa học chung là Sus. Chúng là loài sinh trưởng mạnh, và dù thường hay bị người Việt gán với một vài từ không mấy tích cực về trí tuệ, nhưng thực chất chúng lại hết sức thông minh.
Với số lượng rơi vào khoảng 1 tỷ cá thể ở bất kỳ thời điểm nào, lợn chưa bao giờ được con người quan tâm về vấn đề tuyệt chủng. Ngay cả phải sinh tồn giữa tự nhiên khắc nghiệt, chúng vẫn sinh sôi mạnh mẽ. Nhờ ăn tạp và sinh sản tốt, chúng sớm chinh phục toàn cầu, trở thành một trong những loài phát triển thịnh vượng nhất.
Theo phát hiện của khảo cổ học thì từ khoảng năm 13.000-12.700 TCN, con người đã biết nuôi dưỡng lợn sau khi thuần hóa lợn rừng. Chúng được nuôi ở khắp nơi trên thế giới, nhưng với mỗi nền văn hóa lại giữ một vai trò khác nhau.
War Pig - những con lợn có thể đánh bại cả voi
Lịch sử nhân loại gắn liền với lịch sử chiến tranh. Kể từ khi biết đến cái gọi là tư hữu, con người không ngừng tham lam, phân chia giai cấp và cướp bóc. Từ Đông chí Tây, chiến tranh nổ ra liên miên.
Vào những năm TCN, thì voi chiến chính là những "cỗ xe tăng sống". Chúng đi đến đâu tàn phá đến đó, gây nên nỗi khiếp hãi không kém gì khi xe tăng bọc thép lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường Thế chiến I.
Vốn dĩ, voi là loài động vật to lớn nhất trên đất liền. Qua sự điều khiển của quản tượng, chúng dũng mãnh xông thẳng vào hàng ngũ quân địch, giày xéo, giẫm nát mọi thứ dưới chân. Suốt nhiều năm, voi chiến đi đến đâu là thắng lớn đến đó. Chúng hiệu quả cả trong tấn công lẫn phòng thủ. Đến năm 400 TCN, người ta còn biết mặc giáp cho voi trước khi đưa ra trận nữa.
Voi chiến là thứ vũ khí hùng mạnh trong chiến tranh cổ đại
Thế nhưng vào năm 266 TCN, lần đầu tiên đã có người chặn đứng được voi chiến. Thành tựu này thuộc về người dân của thành Megara, Hy Lạp. Và họ làm được là nhờ... những con lợn.
Trong thời kỳ cổ đại của Châu Âu thì Alexander Đại đế là vị quốc vương nổi tiếng nhất. Ông ôm tham vọng chinh phục toàn cầu và đã thực hiện rất nhiều cuộc xâm lược. Nhưng dù có dã tâm lớn, Alexander Đại đế cũng không thắng nổi tuổi tác.
Để giúp Đại đế hoàn thành ước nguyện, Antigonus II Gonatus, cháu nội của tướng Antigonos đã tiếp tục dẫn binh chinh phạt. Ông thắng trận ở nhiều nơi, song khi đến thành Megara thì lại thất bại cay đắng.
Thực chất, việc công thành Megara không phải chuyện khó. Với lực lượng quân binh tinh nhuệ và voi chiến hùng hậu, ông tự tin sẽ sớm chiếm được thành. Qua những đợt tấn công như vũ bão, thành Megara cũng nhận ra sự yếu thế và rơi vào tuyệt vọng.
Những con lợn có thể quật ngã cả voi, dù là nhiệm vụ tự sát
Nhưng ngay lúc đó, họ lại thấy quanh quẩn trong thành là cả một bầy heo. Thường thì lợn sợ voi chứ voi không sợ lợn. Có điều dân thành Megara lại nảy ra ý tưởng tẩm dầu đốt cháy những con lợn đang sống rồi lùa chúng ra khỏi cổng thành.
Trước đám "đuốc" lợn cháy ngùn ngụt, voi chiến phát hoảng. Chúng bất chấp mệnh lệnh của quản tượng, tháo chạy tứ tung, vô tình giẫm đạp, phá nát hàng ngũ quân mình. Megara đã không đánh mà thắng giòn giã.
Và Pig War: Chỉ một con lợn đen mà suýt gây ra chiến tranh
Nghe có vẻ vô lý, nhưng chuyện khôi hài nhất lịch sử này lại thật sự xảy ra vào năm 1895, trên đảo San Juan, Mỹ.
San Juan là hòn đảo có diện tích rơi vào tầm 142 km2, thuộc quyền sở hữu của Mỹ. Tuy nhiên trước năm 1895, nó vẫn chưa được xác định chủ quyền. Lý do là bởi hòn đảo này vừa nằm trên đường ranh giới, lại vừa sở hữu vị trí chiến lược quân sự tuyệt vời.
Thế nên cả Anh lẫn Mỹ đều không có ý định nhường đối phương. Họ cứ lý sự tranh chấp chủ quyền trong suốt 13 năm, cho đến ngày 15/6/1859 lịch sử.
Vào hôm ấy, một nông dân Mỹ tên là Lyman Cutlar thấy có một con lợn đen thui, to lớn đang phá vườn rau của mình. Đây cũng không phải lần đầu Cutlar thấy vườn rau bị phá, nên ông điên tiết vác súng ra bắn chết nó. Ai dè con lợn ấy lại là của một người Ireland tên là Charles Griffin.
Biết mình làm chuyện không phải, Cutlar liền đề nghị bồi thường Griffin 10 dollar. Nhưng Griffin lại giở trò ăn vạ, đòi Cutlar phải đền hẳn 100 dollar. Cutlar cãi rằng con lợn ấy đã phá vườn rau của ông, nên ông không thể đền hơn được nữa. Còn Griffin thì cùn: "Lẽ ra lão phải lo mà giữ cái mớ rau ấy khỏi con lợn của thằng này,"
Hay tin có tranh chấp, chính quyền Anh liền bước vào giải quyết. Nhưng thay vì hòa giải giữa hai bên, họ đòi bắt Cutlar. Thế là chính quyền Mỹ cũng vào cuộc. Tướng William Harney còn hiếu chiến cử hẳn một đại đội đến. Thấy vậy, phía Anh cũng cho luôn một chiến thuyền tiếp.
Trên bờ, 400 lính Mỹ hầm hè. Dưới biển, 1000 thủy quân Anh cũng sẵn sàng đổ bộ. Cứ ngỡ chiến tranh đến nơi, nào ngờ các sĩ quan hải quân Anh lại cãi lệnh, không chịu đưa một binh một tốt nào lên đảo. Còn Mỹ thì cũng sợ "chuyện bé xé ra to", lập tức cử tham mưu trưởng đến giảng hòa.
Dẫu sao cũng thật may vì mọi chuyện đã kết thúc ở đó. Chứ cả 2 cường quốc mà lao vào ẩu đả nhau chỉ vì một con lợn, thì cũng thật không còn gì để nói!