Câu chuyện về vết sẹo dài trên cơ thể người kéo chuông cuối cùng ở Nhà thờ lớn Hà Nội

MINH NHÂN - ẢNH: VIỆT ANH |

Tiếng chuông đầu tiên ông Tiến kéo, năm 50 tuổi, còn hơi bỡ ngỡ vì chưa quen. Tiếng chuông cuối cùng ông Tiến kéo, 22 năm sau, giòn giã, thiêng liêng, bỏ tay ra vẫn còn ngân 5, 6 hồi mới dứt. Kể từ ngày đó, sự nghiệp của người thợ kéo chuông lâu đời nhất nhà thờ lớn Hà Nội kết thúc.

Nhà thờ lớn Hà Nội vốn rất rực rỡ và huy hoàng dưới nắng chiều. Từ xa bước tới, sự đồ sộ và nguy nga của khối công trình này cứ thế mà tăng lên theo cấp số, hớp hồn khách du lịch, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

18h, tiếng chuông vang đầy thánh thót. Nhiều giáo dân men theo con đường nhỏ vào bên trong. Khung cảnh nguy nga, choáng ngợp. Những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Ánh sáng trong lòng nhà thờ huyền ảo biết mấy khi chiếu qua những bức tranh Thánh bằng kính màu trên mỗi ô cửa sổ.

Nhà thờ còn có một bộ chuông Tây, gồm bốn quả chuông nhỏ và một quả chuông boòng lớn, trị giá 20.000 franc Pháp thời đó. Đặc biệt là chiếc đồng hồ lớn gắn giữa mặt tiền, có báo khắc, báo giờ, hệ thống chuông báo được liên kết với 5 quả chuông treo trên hai tháp.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, ai là người "đứng sau" những âm vang trong trẻo của tiếng chuông nhà thờ mỗi ngày?

Câu chuyện về vết sẹo dài trên cơ thể người kéo chuông cuối cùng ở Nhà thờ lớn Hà Nội - Ảnh 1.

Nhà thờ lớn - một trong những biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Người kéo chuông ở nhà thờ lớn

Dọc con đường Lý Quốc Sư, trước cửa hàng bán bánh ngọt đặc trưng của khu phố, người đàn ông 70 tuổi ngồi một mình lặng lẽ. Ánh mắt xa xăm, vô định Bước chân chập chững, liêu xiêu. Ở tuổi xế chiều, ông Đào Mạnh Tiến vừa nghỉ hưu tầm cách đây nửa tháng. Ông làm một nghề đặc biệt, mà nếu nói ra, nhiều người sẽ vô cùng bất ngờ.

22 năm qua, ông Tiến vốn là người kéo chuông nhà thờ lớn.

Ông Tiến kể, không phải ai cũng được Cha Xứ chọn làm công việc cao quý ấy. Cái chính là phải có duyên, thật sự có duyên!

"Người kéo chuông cuối cùng ở nhà thờ lớn chính là tôi. Trước tôi có 4 người khác nữa, nhưng họ làm ít năm thôi. Trong số đó có ông Đạt điếc ở Nhà Chung, đến ông Bình, rồi mới đến tôi. Tôi là người thứ 5" - ông Tiến nói.

Thời trẻ, ông Tiến là công nhân xây dựng, cũng hai mươi mấy năm. Năm 14 - 15 tuổi, ông bắt đầu đi làm. Công việc vô cùng vất vả, mà như ông nói, nhiều người không tưởng tượng được đâu. Ví như đi dựng cột đèn cao 11 mét rưỡi.

Ông Tiến từng tham gia xây dựng nhiều công trình lớn ở Hà Nội, phải kể đến như Chợ Hôm, nhà tù Hoả Lò (Cầu Diễn).

Đến năm 1994, ông nghỉ hưu.

Câu chuyện về vết sẹo dài trên cơ thể người kéo chuông cuối cùng ở Nhà thờ lớn Hà Nội - Ảnh 2.

Ông Đào Văn Tiến - người kéo chuông cuối cùng của nhà thờ lớn Hà Nội.

Hai năm sau, ông Tiến được cha già gọi đi kéo chuông nhà thờ. "Tôi ở đây cũng 4, 5 đời cha rồi. Phải có duyên lắm mới được cha chọn làm người kéo chuông. Bề trên gọi, tôi lại ở gần nhà thờ, phải có trách nhiệm".

Ông Tiến bảo, muốn kéo được tiếng chuông có hồn là điều không phải ai cũng làm được. Sau khi kéo nhịp, tiếng chuông vang lên từng hồi "dịu dàng", người kéo phải tiếp tục miết mạnh tay để đập được 2 bên thành chuông.

Đến khi nào, tiếng binh boong của 5 quả chuông ngân vang khắp khu phố cổ, lúc ấy mới thực sự là tiếng chuông nhà thờ đúng nghĩa.

Tiếng chuông đại diện cho tiếng Chúa gọi, nên khi chuông vang lên, mọi người đều phải lắng nghe và cùng nhau hướng về nhà thờ.

Ngày bình thường sẽ có 4 lần kéo chuông, 5h (chuông lễ sáng), 12h (chuông nguyện), 18h (chuông lễ chiều) và 19h (chuông "tắt lửa"). Riêng ngày Chủ nhật có đến 9 lần kéo chuông do có nhiều buổi lễ. Kéo trước lễ chừng nửa tiếng.

Câu chuyện về vết sẹo dài trên cơ thể người kéo chuông cuối cùng ở Nhà thờ lớn Hà Nội - Ảnh 3.

Ông Tiến đã làm công việc này suốt 22 năm.

Đều đặn mỗi ngày, ông Tiến lên xuống cầu thang 16 lần, mỗi lần khoảng 40 bậc. Ông hầu như ở nhà thờ, về nhà chỉ để xem vô tuyến một lúc.

"Tôi làm ở nhà thờ không phải mỗi kéo chuông, nhiều việc lắm. Ví dụ như ngày thứ 7 lau nhà thờ, hoặc trước đại lễ phải treo cờ, trang hoàng toà chính điện. Nói chung Chúa cũng ban cho tôi sức khoẻ tốt đấy chứ, tôi khoẻ người, ăn được ngủ được".

Mỗi sáng, ông Tiến dậy từ 4h30. Uống nước xong, ông vào nhà thờ, mở cửa rồi kéo chuông. "Có những người ở xa tới, mình mở cửa sớm cho họ vào, nhỡ đâu mưa gió gì còn cho họ trú chẳng hạn", ông nói.

Với người kéo chuông, làm việc phải có trách nhiệm, thành thử muốn đi đâu khó lắm. "Đây tôi về quê có 18km mà còn không dám về, sợ nhỡ công việc thì rất áy náy".

Câu chuyện về vết sẹo dài trên cơ thể người kéo chuông cuối cùng ở Nhà thờ lớn Hà Nội - Ảnh 4.

Khung cảnh nên thơ một ngày đông Hà Nội bên ngoài nhà thờ lớn.

Câu chuyện về vết sẹo dài trên cơ thể người kéo chuông cuối cùng ở Nhà thờ lớn Hà Nội - Ảnh 5.
Câu chuyện về vết sẹo dài trên cơ thể người kéo chuông cuối cùng ở Nhà thờ lớn Hà Nội - Ảnh 6.
Câu chuyện về vết sẹo dài trên cơ thể người kéo chuông cuối cùng ở Nhà thờ lớn Hà Nội - Ảnh 7.

Bên trong uy nghi, tráng lệ, hài hoà ánh sáng.

Vết sẹo dài in hằn trên bụng người thợ kéo chuông

Nói ông Tiến là người kéo chuông cuối cùng ở nhà thờ lớn không phải vì sau ông không còn người kế nhiệm. Mà lẽ rằng, chuông ở nhà thờ đã được thay thế bằng hệ thống chuông điện vào ngày người thợ kéo chuông ốm nặng.

"Với tôi, đấy cũng là một sự đột ngột" - ông Tiến nhớ lại, hôm đó, sau khi kéo chuông lễ, tiếng bing boong vang lên giòn giã, con gái ông tới trước cửa nhà thờ gọi cha. "Nó chở tôi xuống khám bệnh. Họ bảo tôi có khối u phải mổ luôn".

Thế là, ngay đầu giờ chiều, Cha Xứ gọi thợ tới lắp chuông điện, cực gấp rút và phải hoàn thành cho kịp lễ Giáng Sinh.

Giáng Sinh 2018, lần đầu tiên sau hàng trăm năm, tiếng chuông ở nhà thờ lớn được vang lên bởi hệ thống chuông hiện đại.

"Đó là ngày làm việc cuối cùng của tôi, tôi cũng không nghĩ là mình sẽ nghỉ bất ngờ như thế. Tôi lại về hưu một lần nữa. Tôi tính, hay chắc một tháng sau khi xuất viện quay lại nhà thờ làm việc. Nhưng vết thương chỉ mới liền bên ngoài, bên trong vẫn còn đau".

Vết sẹo dài in hằn trên bụng người thợ kéo chuông.

Câu chuyện về vết sẹo dài trên cơ thể người kéo chuông cuối cùng ở Nhà thờ lớn Hà Nội - Ảnh 9.

Vết sẹo dài sau mổ của ông Tiến.

Gắn bó với nhà thờ từ khi sinh ra, ông Tiến cảm giác giữa mình và nơi ấy có một sợi dây liên kết vô hình, khó diễn tả và chỉ "2 bên" mới hiểu. Nghỉ việc cũng gần nửa tháng, ông bỗng thấy nhớ nhớ.

Hôm mới nghỉ, ông vẫn ngồi vỉa hè uống nước chờ vào kéo chuông. Bất giác, ông chợt tỉnh ra: Thôi, có chuông điện rồi!

Tiếc nuối và nhớ nhiều.

"Làm ở nhà thờ trước hết phải có cái tâm, sau là trách nhiệm thì mới làm được. Tưởng là đơn giản nhưng không đơn giản. Đến giờ đóng cửa là đóng cửa, đến giờ mở cửa là mở cửa. Phải đúng giờ, để giáo dân đến không phải chờ đợi.

Tôi biết, trước buổi lễ, ai cũng chờ một tiếng chuông. Có lúc tôi nghĩ, giá như có ai đó thay mình làm công việc này. Nhưng bây giờ, công nghệ hiện đại quá...".

Tiếng chuông đầu tiên ông Tiến kéo, còn hơi bỡ ngỡ vì chưa quen.

Tiếng chuông cuối cùng ông Tiến kéo, giòn giã, thiêng liêng, bỏ tay ra vẫn còn ngân 5, 6 hồi mới dứt.

Câu chuyện về vết sẹo dài trên cơ thể người kéo chuông cuối cùng ở Nhà thờ lớn Hà Nội - Ảnh 10.

Ngày ngày ông ngồi ở góc vỉa hè ngay cạnh nhà, nhớ về công việc cũ.

Chuông điện không thể hay bằng chuông tay, bởi âm sắc của nó không đồng đều. Lần đầu tiên nghe tiếng chuông điện hoạt động, ông Tiến bồi hồi, xúc động, bởi tiếng chuông xưa đâu rồi.

"Tiếng chuông không có hồn, không còn rõ và đều. Hôm Giáng Sinh, tôi ngồi ở nhà nghe, âm thanh ấy không còn giòn giã như lúc tôi kéo tay. Phải đủ người mới đủ lực, dùng tay kéo nghe nó sướng hơn, mạnh hơn, tiếng vang gấp đôi".

Ông Tiến tâm sự, kéo chuông không phải một mình ông nghe, mà mọi người xung quanh đều nghe hết, kể cả những lương dân. Nhất là đêm 24/12 hằng năm, họ mong chờ một tiếng chuông thánh thiêng.

Ông vẫn muốn gắn bó với nhà thờ, muốn ngày ngày vẫn leo lên leo xuống 40 bậc thang, nhưng con cháu không đồng ý. Ông nói với con gái, "Thôi, qua Tết tao lại kéo chuông". Cô con gái khóc lóc: "Vất vả quá, bố còn ham hố gì".

"Ơ tao làm, tao tập thể dục cho khoẻ mà..."

Câu chuyện về vết sẹo dài trên cơ thể người kéo chuông cuối cùng ở Nhà thờ lớn Hà Nội - Ảnh 11.

Ông Tiến mang nhiều tâm sự về công việc kéo chuông nhà thờ.

Chiều chiều, ông Tiến ngồi chơi trước cửa nhà, ăn cái bánh ngọt, uống cốc nước chè. Chốc chốc, đúng 5h, ông vào nhà thờ đi lễ. Nhiều giáo dân nghe tiếng chuông điện vang lên, bỗng thấy sao có chút khác lạ.

Thế mới biết ông Tiến kéo chuông tay nghe vẫn sướng hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại