Người chiến sĩ Xô viết đứng chống nạnh hai tay, hiên ngang nhìn thẳng vào mặt lũ phát xít đang điên cuồng tức giận, giơ tay xỉa xói. Chỉ ít phút nữa thôi, anh và một đồng đội nữa sẽ bị quân Đức xử bắn, sau những ngày chiến đấu ác liệt bảo vệ cao điểm 122.
Khí phách của chiến sĩ Hồng quân này chính là khí phách của một quân đội, một dân tộc anh hùng, thà chết chứ không chịu sống quỳ. Đó không phải là bức ảnh dàn dựng để tuyên truyền, mà là bức ảnh do chính quân Đức chụp để gửi cùng báo cáo về Sở chỉ huy.
Những bức ảnh chết chóc
Bức ảnh này, cùng với các bức ảnh khác, sau đó đã được in trong một cuốn sách ở phương Tây về cuộc chiến trên bán đảo Kolsk. Các tác giả cuốn sách cho biết các bức ảnh này được một cựu quân nhân Đức từng chứng kiến cuộc hành hình này cung cấp.
Cuốn sách này, may mắn thay, đã đến tay trung tá Dmitry Dulich ở Murmansk và ông bắt đầu tìm hiểu lịch sử các bức ảnh này.
Trong cuốn sách, dựa vào lời kể lại của các cựu binh sĩ Đức, Dmitry Dulich biết bức ảnh được chụp vào cuối tháng 6/1941, sau khi quân Đức phải chịu rất nhiều thương vong mới chiếm lĩnh được cao điểm 122 trên bán đảo Kolsk.
Chỉ huy quân Đức quyết định xử bắn tất cả các tù binh Liên Xô ngay tại trận địa để trả thù. Y ra lệnh chụp ảnh và lập biên bản xử bắn để gửi báo cáo Sở chỉ huy.
Phát hiện bất ngờ
Mùa hè 2013, các thành viên Câu lạc bộ yêu thích lịch sử chiến tranh "Zapolyarnyj Rubezh" với các vị khách mời từ nhiều địa phương của Nga đã tiến hành tái hiện lại trận đánh năm xưa trên trận địa cao điểm 122 ở bán đảo Kolsk.
Quang cảnh cuộc hành hình các chiến sĩ Liên Xô trên cao điểm 122.
Ít lâu sau, hai thành viên CLB là Aleksandr Poruchikov và Nikolai Grishenko quay lại nơi này, cùng với các tấm ảnh cũ trong cuốn sách. Dựa vào vị trí các tảng đá trong bức ảnh chụp 6/1941, họ đã định vị được nơi 2 chiến sĩ Hồng quân năm xưa đã ngã xuống.
Và sau rất nhiều cố gắng, họ đã tìm được 2 bộ hài cốt, nằm ở độ sâu 30 cm, dưới lớp rêu. Điều này phù hợp với lời kể của các cựu binh Đức đã tham gia cuộc hành hình: 2 chiến sĩ Nga đã tự bới đất đề làm huyệt cho mình trước khi ngã xuống.
Dưới lớp rêu, bên cạnh 2 bộ hài cốt là các di vật của các chiến sĩ như thắt lưng, một số mảnh vải chưa mục hết, thẻ công đoàn. Trong một chiếc túi áo khoác, họ tìm thấy một chiếc lọ nhựa màu đen.
Trong chiến tranh, các chiến sĩ Hồng quân đã mang những chiếc lọ nhựa nhỏ như vật bất ly thân, bởi trong đó có ghi đầy đủ họ tên và địa chỉ.
Di vật còn sót lại của các chiến sĩ.
Gọi tên người anh hùng
Mảnh giấy chưa mục nát trong chiếc lọ cho biết người chiến sĩ hiên ngang trong bức ảnh là Sergey Makarovich Korolkov, sinh năm 1912 tại làng Khmellishe, huyện Serezhensk, đã có vợ và một con gái nhỏ.
Tìm hiểu thêm trong các hồ sơ lưu trữ, người ta được biết thêm trước chiến tranh, Korolkov làm công nhân tại một xí nghiệp quốc phòng và nhập ngũ ngày 22/6/1941, ngay ngày đầu tiên quân Đức tấn công Liên Xô.
Những người tìm kiếm đã tìm ra con gái của người anh hùng, Nina Sergheevna, hiện đang sống cùng cháu ở tỉnh Tver. Vậy là sau 72 năm, bà Nina đã tìm lại được hài cốt người cha thân yêu của mình. Khi ông ra trận, Nina mới hơn 1 tuổi.
Danh tính của chiến sĩ thứ hai đến nay vẫn chưa được xác định. Nhưng theo những di vật còn sót lại, có thể biết anh là một chỉ huy tiểu đội, hoặc trung đội. Trung tá Dmitry Dulich và đồng đội của mình vẫn tiếp tục công việc của mình để tìm lại tên cho liệt sĩ này.
Ở tỉnh cực bắc Nga Murmansk có nhiều đài nguyên và đồi núi. Đó đây vẫn còn vết tích những trận địa năm xưa. Dãy núi Musta-Tunturi, nơi phát hiện ra hài cốt 2 chiến sĩ Hồng quân, có nghĩa là "Đài nguyên Đen".
Đối với quân phát xít, đó chính là đài nguyên chết chóc. Nơi cực bắc này có những địa danh mà quân phát xít suốt mấy năm liền không thể nào vượt qua.
Sự chiến đấu dũng cảm của quân dân Xô viết đã chặn đứng bước tiến của phát xít từ năm 1941, khiến chúng không thể tiến đánh được thành phố thủ phủ Murmansk.
Trung tá Dmitry Dulich, người đã có công lớn trong việc tìm kiếm 2 người chiến sĩ dũng cảm trong bức ảnh năm xưa, xúc động nói:
"Thế hệ cha anh chúng ta đã chiến đấu và hy sinh như thế đó. Một dân tộc như thế không thể nào bị khuất phục".