Rất lâu rồi, người hâm mộ mới thấy đội chủ sân Nou Camp mua sắm dữ dội đến thế. Nhưng cũng không lạ bởi Barca đang muốn lấy lại vị thế của kẻ thống trị sau triều đại của HLV Luis Enrique. Chỉ là, việc thâu nạp quá nhiều ngôi sao từ bên ngoài đang khiến những đứa con từ lò La Masia bị bỏ rơi theo đúng nghĩa đen.
Báo chí Tây Ban Nha loan tin, việc Deulofeu và Rafinha ra đi chỉ còn là câu chuyện sớm chiều. Trước đó, hàng loạt cái tên sáng giá như: Cristian Tello, Munir El Haddadi, Sergi Samper, Bojan Kirkic… cũng đều bị đẩy khỏi Nou Camp không thương tiếc. Ngay cả Sergi Roberto, cầu thủ được đánh giá có khả năng cao nhất kế thừa tinh hoa La Masia ở Nou Camp cũng thường chỉ vào sân từ ghế dự bị.
Đã có giai đoạn, cầu thủ La Masia luôn chiếm số đông trong đội hình Barca, góp công lớn giúp đội bóng xứ Catalan giành vinh quang. Đó là, Barca dưới thời HLV Pep Guardiola hay cố HLV Tito Villanova. Dần dà, dòng máu La Masia trong cơ thể Barca bị thay thế bằng ngoại lực. Thực ra, câu chuyện sa sút của lò đào tạo nổi tiếng bậc nhất bóng đá thế giới đã được nhắc tới nhiều thời gian qua.
La Masia có kết cục như ngày hôm nay đương nhiên không thể đổ lỗi cho Barca. Chẳng phải bỗng dưng gã khổng lồ này phải bỏ núi tiền ra để mua sắm cầu thủ dù sau lưng họ là đội hậu bị đông đảo.
Cầu thủ lò La Masia đơn giản đã không còn đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ thực tiễn. Hãy xem những cái tên ra đi, mấy ai thành công hay đa phần đều chìm nghỉm rồi biến mất. Như vậy, nếu muốn lấy lại vị thế, La Masia buộc phải thay đổi tư duy, định hướng.
Đương nhiên, nói bao giờ cũng dễ, làm mới khó nhưng xét tình cảnh hiện tại, La Masia không có lựa chọn. Lịch sử đã ghi danh họ nhưng lịch sử cũng có quyền gạch tên họ. Giống như xã hội, bóng đá phải vận động cho phù hợp với thời cuộc.
Từ thực tiễn, ta thấy bóng đá hiện đại cần nhiều hơn chất thực dụng, sự tinh quái, khả năng chiến đấu và hạn chế yếu tố hoa mỹ. Cứ nhìn Paulinho - một công nhân đích thực tỏa sáng ở Nou Camp từ đầu mùa, người hâm mộ sẽ hiểu tại sao vai trò của La Masia ngày một lu mờ.