Câu chuyện nhân thần: Làm sao để đến gần và sống mãi trong lòng người Việt

thinga |

Cải biên là một cách giúp những câu chuyện, nhân vật lịch sử vốn đã xưa cũ trở nên sinh động, gần gũi hơn hơn trong tiềm thức người Việt, cũng là cách để bảo tồn văn hoá, lịch sử.

Từ "nhân" đến "nhân thần"

Với lịch sử dựng nước luôn đi kèm giữ nước, thời đại nào, người Việt cũng luôn có những anh hùng nghĩa sĩ tuẫn thân vì nước. Tôn thờ những anh hùng này trở thành một đặc điểm trong tín ngưỡng dân gian người Việt, từ đó, "nhân" trở thành "nhân thần", bất kể nhân thần đó có được triều đình/nhà nước sắc phong hay không.

Với người Việt, nhân thần luôn giữ một vị thế gần gũi hơn thiên thần (thần trên trời) hay nhiên thần (động-thực vật hoặc các hiện tượng thiên nhiên). Thờ nhân thần, một phần là để nối dài truyền thống biết ơn, và phần nhiều hơn là để gửi gắm ước mong được các nhân thần phù trợ, che chở.

Câu chuyện nhân thần: Làm sao để đến gần và sống mãi trong lòng người Việt - Ảnh 1.

Vua Lý Nam Đế cho lập đền thờ Bà Triệu - Triệu Thị Trinh (226-248), truy phong là "Bậc chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân" (Hình vẽ: Đức Trần)

Dân gian có câu "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Nữ tướng tuy ít nhưng không thiếu. Tiêu biểu nhất có thể kể đến như: Hai Bà Trưng và những nữ tướng phò trợ: Thánh Thiên công chúa, Ả Chạ, Bát Nàn, Quý Lan, Lê Thị Hoa, Lê Chân…, Bà Triệu - Triệu Thị Trinh, Dương Khoan Khoáng, Phạm Thị Uyển, Bùi Thị Xuân…

Những nữ nhân kiệt xuất của sử Việt tuy thân phận khác nhau (công chúa, hoàng hậu, vợ tướng lĩnh) nhưng đều có tài thao lược hơn người, có lòng dũng cảm, và trên hết là lòng yêu nước vô điều kiện.

Câu chuyện nhân thần: Làm sao để đến gần và sống mãi trong lòng người Việt - Ảnh 2.

Bùi Thị Xuân (1752-1802) - nữ đô đốc quan trọng của nhà Tây Sơn (Hình vẽ: Đức Trần)

Khởi đầu cho dòng "liệt nữ" là hai vị nữ vương đầu tiên của dân tộc: Trưng Trắc và Trưng Nhị. Hai bà đã làm chấn động Giao Châu với cuộc khởi dậy nghĩa binh, khiến Tô Định cùng quân Đông Hán phải tháo chạy, chiếm được 65 huyện thành (toàn bộ lãnh thổ nước Việt thời đó), giành lại tự do dân tộc và đạo mạo xưng vương. Thần tích xưa gọi hai bà là Mê Linh Nhị Thánh. Ngày nay, hai bà được thờ ở nhiều địa phương trong cả nước.

Cứ thế, mỗi sự biến lịch sử đi qua, dân gian lại có thêm những nhân thần. Nhưng càng ngày, khía cạnh "nhân" của các nhân thần ngày một lu mờ hơn trong tín ngưỡng người Việt. Trong số những người ước vọng được nhân thần phù trợ, che chở, có bao nhiêu người hiểu rõ được sự tích lịch sử của các nhân thần?

Để nữ nhân thần có chỗ đứng trong văn hoá Việt

"Để những nữ nhân thần luôn có chỗ đứng trong văn hoá Việt, người Việt" - Janet Ngo là người có tâm sự đó. Không ồn ào tuyên ngôn, nhà sản xuất (NSX) phim này đang từng bước đưa câu chuyện về Hai Bà Trưng lên màn ảnh. Trong chuỗi nghiên cứu tư liệu, Janet Ngo đã vượt qua những thách thức trong lịch sử, tổ chức thành công Hội thảo quốc tế về Di sản Văn hoá Lịch sử và cải biên nghệ thuật ICHCHAA 2022. Hội thảo này đã mang lại nhiều giá trị thông tin- tư liệu sản xuất, và cũng mở ra nhiều đề tài, hướng đi mới cho sản xuất phim cổ trang Việt Nam.

Về trường hợp Hai Bà Trưng, NSX Janet Ngo cho biết: "Tư liệu sử thời Nguyễn, thời Trần thì có thể tìm thấy khá nhiều, nhưng với thời Hai Bà Trưng, người Việt đều chỉ dừng lại ở câu chuyện: Hai bà là ai, sinh ra và lớn lên ở đâu, vì sao hai bà đứng dậy để chiến đấu? Những câu chuyện kể xung quanh hai bà, những dẫn chứng lịch sử về thời đại này rất ít".

Làm sao để lượng thông tin ít ỏi đó con cháu Việt nhiều đời sau này vẫn nhớ, vẫn hiểu về một thời dựng nước, giữ nước của tổ tiên? Để làm được điều này, trước hết, phải đưa những vị nhân thần ấy "đến gần" hơn với quần chúng. Khi người Việt biết rõ hơn sự tích nhân thần, cũng là khi việc bảo tồn và giữ gìn văn hoá, lịch sử trở nên gần gũi trong tầm tay hơn.

Câu chuyện nhân thần: Làm sao để đến gần và sống mãi trong lòng người Việt - Ảnh 3.

Nữ tướng Lê Chân (20-43) cùng Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (Hình vẽ: She-Kings)

ICHCHAA 2022 còn là nơi các NNC, nhà thực hành nghệ thuật, nhà làm phim cùng tìm cách giữ gìn văn hoá, lịch sử dân tộc thông qua hình thức cải biên. Cải biên nghệ thuật nếu thành công sẽ giúp xóa mờ ranh giới nhân thần và công chúng đương thời, để người dân hiểu, trước khi là thánh nhân, họ còn là nhân, như cách nói của nhà biên kịch Bình Bồng Bột: "Để hóa Thánh, một nhân vật phải trải qua tất cả trầm luân của một kiếp người. Để khi biết buông bỏ, biết hy sinh, biết vị chúng sinh, họ mới trở thành vị Thánh".

Janet Ngo - NSX dự án phim lịch sử She-Kings (Trưng Vương), chia sẻ: "Để làm dự án phim về Hai Bà Trưng cần phải dựa trên những cơ sở nghiên cứu. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi phát hiện nhiều lỗ hổng trong hệ thống sử liệu, nên chúng tôi phối hợp cùng các NNC và nhà làm phim, tìm cách xây dựng lại nền tảng. Các chia sẻ, thảo luận tại ICHCHAA nằm trong khuôn khổ dự án She-Kings đều là các tài liệu rất quý, làm tiền đề và đóng góp nhiều cho dự án, để từ đó, chúng tôi có thể cùng xây dựng nền tảng sử liệu vững chắc".

Câu chuyện nhân thần: Làm sao để đến gần và sống mãi trong lòng người Việt - Ảnh 4.

She-Kings là một nỗ lực bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa Việt của NSX Janet Ngo và các cộng sự (Hình vẽ: She-Kings)

Hi vọng rằng sự đầu tư nghiên cứu lịch sử kỹ càng từ đội ngũ các NNC Việt Nam và thế giới, cùng tình yêu vô điều kiện với Hai Bà Trưng của NSX Janet Ngo, sẽ là những viên gạch nền móng giúp các nhà thực hành nghệ thuật tại Việt Nam thêm tự tin khi đầu tư sản xuất những bộ phim lịch sử với quy mô và nền tảng sử liệu vững chắc. Cải biên nghệ thuật thành công là một cách hiệu quả giúp những câu chuyện lịch sử, nhân vật lịch sử sống mãi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại