Nguyễn Bỉnh Khiêm- nhà lý số đại tài
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương (Cổ Am, Vĩnh bảo, Hải Phòng). Ông có thân mẫu là người tinh tường địa lý, thiên văn, tướng số. Ông được thân mẫu đào tạo ngay từ nhỏ để thành tài.
Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm.
Ngay hồi nhận thức được giá trị của việc học, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã theo được thầy Bảng nhãn, ấy là cụ Lương Đắc Bằng để học hành. Trí tuệ hanh thông từ nhỏ, lại được thân mẫu rèn giũa, sớm theo học thầy giỏi nữa nên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trở thành tài năng thực thụ.
Sách xưa truyền lại, Lương Đắc Bằng là người giỏi lý học đã đem sách "Thái ất thần kinh" ra dạy cho Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng có những điều trong sách ấy bản thân ông cũng không hiểu được. Sau này, chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm mới tinh thông tỏ tường.
Trạng Trình nổi tiếng với vô số tài năng, chẳng thế mà ông được vua quan các triều trọng dụng. Tài chính trị, ngoại giao lỗi lạc, đạo đức thanh cao, tấm lòng vàng ngọc với dân của ông là minh chứng ngời ngời cho một danh nhân đất Việt.
Với dân gian, cho tới ngày nay, những giai thoại về ông vẫn còn sống mãi. Đặc biệt là những giai thoại về tài lý số của ông. Ông nổi tiếng ngàn dặm bốn phương là người dự báo chính trị và hoạch định chiến lược cho các triều đại đương thời, là người tiên tri số 1 của nước ta.
Quẻ bói tối 30 Tết
Sau khi ông mất, những giai thoại về tài đoán số của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn không ngừng được người đời lưu truyền.
Ngày xuân năm mới sắp tới, mời các bạn cùng suy ngẫm về giai thoại sau:
Tối 30 tết năm ấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm đang ngồi đàm luận lý số với một người học trò từ xa đến, bỗng ngoài cửa có tiếng gọi cửa. Ông sai gia nhân ra bảo người đó chờ chút.
Ảnh minh họa.
Trong khi đó, ông và người học trò ngồi bấm quẻ để xem thử người gõ cửa có chuyện gì. Cả hai thầy trò đều bấm vào quẻ "thiết đoản mộc tràng", nghĩa là "sắt ngắn gỗ dài". Ông hỏi học trò:
- Anh đoán người đó vào đây để làm gì?
Anh học trò trả lời:
- Thưa thầy, sắt ngắn gỗ dài theo ý con, người này vào đây chắc chắn chỉ mượn có cái mai đào đất. Chứ ngoài ra không có cái gì sắt ngắn gỗ dài nữa đâu.
Nguyễn Bỉnh Khiêm cười:
- Tôi đoán anh ta vào mượn cái búa.
Quả nhiên người gõ cửa vào mượn cái búa thật. Anh học trò hỏi lý do thầy đoán đúng. Nguyễn Bỉnh Khiêm giải thích:
- Như anh bấm quẻ cũng là giỏi nhưng mức đoán còn thấp. Anh nói sắt ngắn gỗ dài mà đoán vậy thử hỏi 30 tết, người ta đến đây mượn mai để làm gì? Tôi đoán người ta đến mượn cái búa để họ bổ củi nấu bánh chưng. Bấm que đã trúng, nhưng phán đoán phải cơ biến, linh hoạt mới tránh được sai lầm.
Người học trò nghe xong rất khâm phục tài nghệ thầy mình.
Lời kết
Nhìn lại toàn bộ tiến trình lịch sử và con người thế kỷ XVI, Nguyễn Bỉnh Khiêm xứng đáng là cây đại thụ, nhà học giả, triết gia, nhà lý số, tiên tri của thế kỷ. Mỗi một giai thoại về Trạng Trình, hậu thế đều tìm được những bài học đáng giá.
Câu chuyện quẻ bói tối 30 Tết của cụ Trạng phải chăng là lời nhắc hậu thế đừng chỉ máy móc áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Đời sống thực tiễn là vô cùng vô tận, thiên biến vạn hóa.
Lý thuyết chỉ đúng khi chúng ta linh hoạt mà ứng biến, phỏng đoán dựa trên vốn sống, kinh nghiệm, căn cứ. Hay cũng có thể hiểu, chuyện là lời nhắc học trò phải siêng cho "học đi đôi với hành".
"Ôn cố tri tân", ngẫm nghĩ về những chuyện cũ tích xưa dịp năm cũ sắp qua để nhặt nhạnh những bài học cho năm mới sắp đến là một điều đáng làm.
Tham khảo:
Cuốn Bí ẩn văn hóa việt nam và thế giới , NXB Văn hóa thông tin, năm 2008