Khi nghĩ về Việt Nam, socola không phải là thứ đầu tiên hiện lên trong trí óc mỗi người. Tuy nhiên những năm gần đây, thương hiệu socola 8 năm tuổi Marou Faiseurs de Chocolat từ TP Hồ Chí Minh đã trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới.
Nó được nhắc đến trên những tờ báo hàng đầu như The New York Times, Forbes.com còn những thanh socola đen thương hiệu Marou được bán ở khắp mọi nơi từ Anh cho tới Thái Lan.
Thậm chí, phóng viên tờ New York Times đã không ngần ngại dành những lời có cánh cho loại socola này: "Những thanh socola tuyệt vời nhất thế giới hiện đang được sản xuất từ một garage ở TP Hồ Chí Minh, Việt Nam".
Tuy nhiên, việc khai sinh ra thương hiệu socola lừng lẫy này lại xuất phát từ một cảm giác buồn tẻ. Khoảng năm 2010, Samuel Maruta – một người Nhật gốc Pháp, 42 tuổi đã bỏ việc ngân hàng và quyết đi tìm kiếm một thứ gì đó "thú vị hơn".
Thế rồi anh gặp người bạn Pháp có tên Vincent Mourou, 44 tuổi khi cả hai cùng đang ở tại TP Hồ Chí Minh. Mourou khi ấy vừa bỏ công việc ở một hãng quảng cáo. Hai tâm hồn đồng điệu gặp nhau khi họ nhận ra cùng có đam mê với cacao và cuối cùng họ quyết định trở thành đối tác làm ăn.
Ban đầu rất nhiều người nói hai anh bị điên. Họ cho rằng người Việt Nam thích dùng sữa, dùng trà chứ không thích thứ đắng đắng như socola.
Tuy nhiên, anh Vincent và Samuel Maruta vẫn nhìn thấy tiềm năng của ngành này và thấy đây là cơ hội lớn vì Việt Nam sở hữu vùng trồng cacao rất lớn. Hai người thực sự muốn làm điều gì đó khác biệt.
Vincent và Samuel đã lặn lội khắp 6 tỉnh của Việt Nam để làm việc trực tiếp với người nông dân, nhằm tìm được nguồn nguyên liệu socola tốt.
Thông qua mối quan hệ sẵn có với những người trồng cà phê, họ bắt đầu kết nối được với các nông dân trồng cacao. Trong những ngày đầu, Maruta nói: "Chúng tôi bắt đầu làm socola ở nhà. Rang hạt bằng lò nướng và nghiền bằng máy xay. Tuy nhiên socola luôn có sạn".
Bước ngoặt đến với thương hiệu socola Marou đến trong một chuyến đi tới Singapore.
Tìm kiếm một loại máy xay tốt hơn, Maruta nhận ra rằng sử dụng máy xay đá là tốt nhất. "Phát hiện ra các món ăn của Ấn Độ thường sử dụng máy xay đá cho hương liệu, chúng tôi đã đến những nhà hàng ở Ấn Độ để tìm một cái. Người chủ cửa hàng chỉ chúng tôi tới Singapore ở khu Little India".
Kể từ sau đó, những thanh socoola Marou đã được sản xuất bằng 15 máy xay đá loại công nghiệp. Mỗi máy sản xuất ra được khoảng 25kg socola.
Để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng, năng lực sản xuất cũng phải tăng. Maruta nói: "Nhà máy ở Thủ Đức hiện sản xuất 100kg socola/ngày, tạo ra 3 tấn socola mỗi năm bán ra khắp thế giới".
Dù không công bố kết quả kinh doanh nhưng trong năm đầu tiên hoạt động (2012), doanh thu của Marou đạt 120.000 USD. Nhiều chuyên gia nhận định, những năm gần đây, doanh thu của họ có thể đã đạt tới con số hàng triệu USD.
Dưới đây là bài phỏng vấn 2 nhà sáng lập loại socola được tờ New York Times đánh giá là "ngon nhất thế giới" này:
PV: Điều gì đã truyền cảm hứng cho bạn khởi nghiệp nên thương hiệu socola Marou?
Vincent: Chúng tôi rất thích socola. Trong một chuyến đi từ 8 năm trước đến một vùng nông thôn ngoại ô TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đã ghé thăm một trang trại cacao nhỏ và nhận ra rằng không ai đang làm gì với nó cả.
Samuel và tôi không có kinh nghiệm về socola nhưng có kinh nghiệm về kinh doanh lại luôn thích thú với ý tưởng về việc tạo ra những cái mới. Chúng tôi đã nhận ra mình cần phải làm gì đó ngay khi được thưởng thức cacao trong chuyến đi đó.
Samuel: Vincent đã làm việc tại hãng film và quảng cáo. Tôi thì làm việc trong lĩnh vực tài chính được 10 năm tại Pháp và tôi đến Việt Nam để làm cho ngân hàng. Khi hết hợp đồng, tôi quyết định nghỉ ngơi 1 năm để tìm kiếm những dự án mới.
Khi phải chọn giữa việc tiếp tục theo đuổi sự nghiệp trong ngành ngân hàng ở đâu đó hay là ở lại Việt Nam để trải nghiệm cùng Marou, tôi đã chọn phương án 2. Chúng tôi đã bắt tay vào thành lập Marou ngay sau đó.
PV: Thách thức lớn nhất khi phát triển thương hiệu Marou là gì?
Samuel: Chúng tôi luôn dành ra một lượng lớn doanh thu và các khoản vốn mới để tái đầu tư vào kinh doanh. Biên lợi nhuận không cao như mọi người tưởng bởi nguyên vật liệu chúng tôi sử dụng đều rất đắt đỏ.
Vincent: Thương hiệu Marou khá mạnh nhưng chúng tôi vẫn chưa đạt được mức doanh thu mong muốn.
Samuel: Một thách thức khá lớn nữa là bảo vệ tính nhất quán cho những thanh socola. Bằng cách làm việc trực tiếp với người nông dân, chúng tôi không phải trả phí môi giới. Khi mạng lưới phân phối phát triển, chúng tôi làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng quy trình và tính thống nhất của các thanh socola là giống nhau.
PV: Làm việc với người Việt Nam các bạn thấy thế nào?
Vincent: Hành trình đã kéo dài 8 năm và chúng tôi đã làm việc với người Việt ngay từ đầu. Ở Việt Nam thì dĩ nhiên bạn cần sự trợ giúp của những người Việt Nam rồi.
Rất nhiều người trẻ Việt năng động. Trong đội ngũ của tôi có rất nhiều người tài năng. Đó là điều bình thường trong kinh doanh thôi.
Samuel: Một vài người đã đi với chúng tôi ngay từ những ngày đầu và giờ trở thành quản lý. Thật vui khi chứng kiến sự phát triển của họ gắn với Marou.
PV: Nhiều người Việt muốn xuất khẩu thương hiệu của họ ra nước ngoài. Bạn có lời khuyên gì cho họ không?
Samuel: Không có nhiều thương hiệu Việt thành công ở nước ngoài. Thứ đầu tiên tôi nghĩ đến là nước mắm Red Boat nhưng sản phẩm này thậm chí không được bán ở Việt Nam. Nhiều thương hiệu Việt cũng tập trung vào thị trường đại chúng chứ không xem xét đến việc biến thương hiệu của họ khác biệt trong thị trường quốc tế.
Bí quyết là bạn phải có một sản phẩm thật xuất sắc. Mà muốn như vậy bạn cần có một câu chuyện hay và nguồn gốc xuất sứ hay. Cho họ thấy socola được làm thế nào, hạt cacao lấy từ đâu. Bạn cần một câu chuyện rõ ràng, dù điều đó gây một vài khó khăn trong giai đoạn đầu.
Vincent: Một thương hiệu cần quan tâm tới chất lượng không phải là quảng cáo nó chất lượng. Pizza 4 P’s là người tiên phong.
Họ là một trong những cửa hàng đầu tiên tạo ra nhiều trải nghiệm mới mẻ ở Việt Nam: Bán pizza chất lượng cao, phong cách Nhật Bản và tự sản xuất bơ. Họ cũng sở hữu trang trại hữu cơ. Họ tự mua bò và mang tới Việt Nam. Marou và pizza 4 P's khởi nghiệp cùng thời điểm và chúng tôi cảm thấy rất đồng tình với tinh thần và giá trị đó.
PV: Kế hoạch tiếp theo cho Marou là gì?
Vincent và Samuel: Chúng tôi đang thực hiện khoản đầu tư dài hạn là một trang trại cacao. Có lẽ phải mất 5 năm trước khi có thể thu hoạch. Khi hoàn thành, trang trại sẽ có khoảng 2.500 cây cacao.
Khi vạch ra tiềm năng dự án, người chủ đất đã tới nói với chúng tôi rằng cây cao su không còn mang lại lợi nhuận cao nữa. Vậy tại sao không thử cacao? Họ còn muốn tạo ra khu nghỉ dưỡng sinh thái ngay tại đó.
Điều quan trọng cho chúng tôi trong dự án đặc biệt này có 2 điều.
Đầu tiên là cho thấy mọi thứ có thể làm khác biệt, theo một cách rất thân thiện với môi trường. Thứ 2, dự án này thành công là bằng chứng cho thấy cách chậm nhưng chắc sẽ mang lại hiệu quả để khuyến khích những người khác cũng tạo ra những mô hình có trách nhiệm với xã hội như vậy.
Chúng tôi hiện sản xuất 100kg socola/ngày, tạo ra 3 tấn socola mỗi năm bán ra khắp thế giới.