Câu chuyện của một stylist trẻ và những góc tối ít biết trong nghề

Công Tuấn |

Từng phải chấp nhận đền 30 triệu đồng vì làm hỏng trang phục, nhưng đối với Hoàng Nhật Anh, đó mới chỉ là một phần trong bức tranh toàn cảnh nhiều gam màu trong thế giới anh theo đuổi.

Hoàng Nhật Anh (SN 1992, Ninh Bình) hiện đang là một stylist tự do. Từng trải qua rất nhiều những rắc rối, những cám dỗ tưởng chừng phải bỏ nghề, nhưng sau tất cả, chàng trai này vẫn quyết tâm theo đuổi công việc mà nhiều người vẫn cho rằng vô cùng hào nhoáng.

Sợ nhất là làm hỏng đồ, khiến ngôi sao rơi vào Top mặc xấu

Có bố là một nhà thiết kế nên ngay từ bé, bản thân Nhật Anh đã có cơ hội tiếp xúc với vải vóc, kim chỉ, thước may… Thế nhưng anh lại có niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc và quyết tâm theo đuổi nó. 

Năm 2010, sau khi thi đại học xong, Nhật Anh đi casting Vietnam Idol và dừng chân ở Top 20. Ai cũng bất ngờ với thành tích này, và chính anh cũng tin là bản thân sẽ có thể theo đuổi được con đường âm nhạc.

Thế nhưng cơ duyên để Nhật Anh chuyển hướng sang làm stylist lại khá tình cờ. Trong lần người bạn thân chụp hình, có nhờ tư vấn về trang phục, phụ kiện… nên Nhật Anh cũng đi mix lại quần áo, đi mượn phụ kiện để thực hiện theo concept mà cả hai phác thảo ra.

Sau khi bộ hình ra đời, Nhật Anh nhận được rất nhiều lời khen ngợi và có những phản hồi là anh có năng khiếu và nên theo nghề stylist. Nhật Anh suy nghĩ, rồi quyết định tìm hiểu nghề stylist và xin cộng tác thử với một vài tờ báo để xem năng lực bản thân có thực sự phù hợp không.

Câu chuyện của một stylist trẻ và những góc tối ít biết trong nghề - Ảnh 1.

Từng đam mê âm nhạc nhưng sự tình cờ đã khiến Nhật Anh rẽ hướng sang nghề stylist

"Khoảng thời gian chạm ngõ với nghề stylist, bước những bước chân đầu tiên vào nghề khiến mình gặp vô vàn những khó khăn. Với mình, việc tạo quan hệ với các chủ cửa hàng thời trang, nhãn hàng cao cấp, các nhà thiết kế không phải là chuyện dễ. 

Bên cạnh đó còn phải có mối quan hệ thân thiết với người mẫu, nhiếp ảnh, chuyên viên trang điểm nữa. Nói chung là phải tạo dựng được mối quan hệ, để biến nó thành một ekip làm việc chung.

Tưởng tượng và thực tế về nghề stylist nó hoàn khác khác nhau. Lúc mình nghĩ về công việc này, những viễn cảnh màu hồng được vẽ ra, hấp dẫn vô cùng. 

Nào là chuyện thu nhập khủng, nào là có thể shopping thỏa thích, không phải đắn đo suy tính gì. Rồi thì sẽ rất oai, được mặc những bộ quần áo thời trang, bước đi từ những đôi giày hàng hiệu…

Thế nhưng chỉ khi thực sự bắt đầu, mới thấy stylist chẳng phải nghề "sang chảnh", thậm chí khiến cho mình phải "hoa mắt chóng mặt" bởi những rắc rối khó vượt qua".

Câu chuyện của một stylist trẻ và những góc tối ít biết trong nghề - Ảnh 2.

Thực tế của công việc khiến Nhật Anh phải ngã ngửa, bởi nó không hề giống như những gì anh mong đợi

Nhật Anh kể lại, để có được những sản phẩm hoàn thiện và thực sự đẹp, bản thân mỗi stylist phải tự lăn lộn rất nhiều. 

Như Nhật Anh, để lo được trang phục cho khách hàng, anh phải dành nhiều thời gian tìm kiếm đồ, nếu tìm được đồ phù hợp rồi thì sẽ tìm cách liên hệ năn nỉ thuyết phục, để làm sao người ta chấp nhận cho mình mượn đồ. 

Càng những món đồ đẹp, đắt tiền, Nhật Anh càng gặp khó khăn, bởi không phải ai cũng yên tâm tin tưởng mà giao cho anh mượn một món đồ có giá trị.

"Việc thường xuyên tiếp xúc với những bộ trang phục đẹp mắt, những phụ kiện đắt tiền…mang đến cho mình rất nhiều rủi ro. Bởi trang phục bị rách, hỏng, bị lỗi là chuyện không hiếm, và stylist như mình gần như phải "chịu trận". 

Đồ rẻ tiền thì đỡ, đồ đắt tiền, thì có khi thu nhập mấy tháng cũng chưa đủ đề bù vào. Thế nên, mỗi bộ trang phục, phụ kiện, giày dép đều được mình "nâng như nâng trứng"

Có lần, mình đã phải đền một cái váy trị giá gần 30 triệu vì bị rách. Đến giờ mình vẫn không thể hiểu lý do tại sao chiếc váy ấy lại rách to đến thế, mặc dù người mẫu khẳng định là sử dụng rất cẩn thận. Mình không thể vá lại, hay sửa lại được mà đành chấp nhận đền chiếc váy.

Với một người mới vào nghề như mình, việc phải bỏ ra 30 triệu đồng thực sự như một gia tài lớn vậy. Mình đã phải đi vay tiền và trả dần chiếc váy ấy trong ròng rã hơn 1 năm trời. Lúc đó mình cảm giác là mất tất cả, không thể làm được gì nữa".

Câu chuyện của một stylist trẻ và những góc tối ít biết trong nghề - Ảnh 3.

Một sự cố về trang phục đã khiến Nhật Anh phải bỏ ra 30 triệu đồng để đền, và phải trả ròng rã trong hơn 1 năm trời mới xong.

Nhật Anh cũng tâm sự, khi ngôi sao mặc một bộ váy đẹp người ta sẽ khen cô ấy đẹp, nhưng khi cô ấy mặc một bộ trang phục xấu, người ta sẽ truy tìm stylist của cô ấy là ai. Nhật Anh đã từng rơi vào cảnh bị cười chê vì lỡ khiến cho Kimmese lọt Top Sao mặc xấu.

Chuyện là Nhật Anh từng có cơ hội cộng tác với Kimmese khi hỗ trợ cô tham gia event. Anh đã rất cẩn thận khi tìm ra ý tưởng sao cho vừa thể hiện được cái cá tính của Kimmese, đồng thời tiêu chí quan trọng nhất vẫn là phải đẹp. Thế nhưng có những rủi ro mà bất cứ lúc nào cũng gặp phải, mà câu chuyện của Kimmese là một ví dụ như thế.

Nhật Anh đã liên hệ để mượn đồ với bên nhà thiết kế, nhưng đến lúc tới lấy, bộ trang phục đó không còn. Chỉ còn gần 2 tiếng nữa là diễn ra event, thế là Nhật Anh lại phải chạy đôn chạy đáo để đi tìm đồ khác thay thế, chính điều này đã phá vỡ những gì mà anh muốn thể hiện trong bộ trang phục của Kimmese.

Sau event, Kimmese lên báo với hình ảnh lọt Top Sao mặc xấu, bản thân Nhật Anh cũng bị cười chê nhiều. Cũng may là Kimmese rất vô tư, an ủi anh rằng "Không sao đâu, ai trong đời chả có những lúc xấu".

Câu chuyện của một stylist trẻ và những góc tối ít biết trong nghề - Ảnh 4.

Hoặc như sự cố với Kimmese cũng là kỉ niệm đáng nhớ đối với chàng stylist trẻ này

Cho đến những góc tối của nghề: Gạ tình, chơi xấu nhau

Nhật Anh trải lòng, anh đã phải bỏ nghề stylist hơn 2 năm, chỉ mới quay lại với niềm đam mê được hơn 1 năm nay. Lý do chính khiến chàng stylist này khốn khổ như vậy, chính bởi một góc khuất trong nghề mà ít người nhắc đến: Bị gạ gẫm.

"Nghĩ lại câu chuyện này vẫn khiến mình có cảm giác ghê người. Lần đó sau khi thực hiện xong bộ ảnh thì bạn nhiếp ảnh gia và người mẫu ra về trước, mình còn ở lại để sắp xếp và kiểm tra lại toàn bộ trang phục thì xảy ra việc bị sàm sỡ.

Người đó khóa chốt cửa trái lại, rồi sàm sỡ mình. Bản thân mình sợ đến nỗi dù đã tìm đủ mọi cách nhưng vẫn không thể phản kháng lại được. Thậm chí chiếc áo của mình bị xé rách thành đôi.

Rồi người đó gạ gẫm thẳng thắn với mình luôn: "Nếu như em chấp nhận, em muốn cái gì em có cái nấy. Còn không em sẽ không có gì cả. Em cần gì anh cũng sẽ làm cho em hết, anh sẽ làm cho em thành hạng A, có tiếng tăm và có chỗ đứng trong nghề stylist. Anh cam đoan và anh bảo đảm".

Thế nhưng mình đã từ chối quyết kiệt. Và chính điều này cũng khiến cho mình lâm vào cảnh bị chơi xấu, khiến bản thân không đủ sức trụ lại với nghề. Một cú ngã, va vấp đầu tiên trong cuộc đời mà mình thực sự thấy kinh khủng".

Câu chuyện của một stylist trẻ và những góc tối ít biết trong nghề - Ảnh 5.

Va vấp lớn nhất của Nhật Anh chính là lần bị sàm sỡ và gạ gẫm.

Sau đó, Nhật Anh liên tiếp dính vào những vụ hủy lịch chụp. Bình thường một tháng anh cũng nhận được khá nhiều lịch, thế nhưng càng về sau thì càng ít, đặc biệt tỉ lệ hủy lịch chụp cực kì nhiều. Thế rồi, mỗi tháng chỉ còn 1 – 2 buổi.

"Mình được một khách hàng đặt lịch chụp, thế nhưng trước đó một hôm thì bị họ hủy lịch chụp với lý do: "Bên anh tìm được ekip khác rồi, hẹn em trong dịp khác".

Hay lần khác, mình xin vào cộng tác cho một ekip. Sau khi làm xong hai bộ hình thì họ nói khó với mình: "Anh tạm thời suy nghĩ lại về việc cộng tác, bên anh đang có một số vấn đề".

Mình thì cũng không suy nghĩ gì nhiều, nhưng một hôm thì có một số lạ nhắn đến với nội dung: "Em sẽ phải trả giá vì những thứ mà em đã từ chối. Anh nghĩ là em phải suy nghĩ lại vấn đề đó". Lúc này mình mới thực sự sợ, sợ vì những gì người ta nhẫn tâm làm với tương lai của mình".

Không chỉ dừng lại ở đó, anh chàng còn không ít lần bị đồng nghiệp chơi xấu. Trong một buổi chụp hình cho nhãn hàng giày, vì có hai dòng sản phẩm, đồ cũng nhiều nên nhãn hàng thuê 2 stylist chụp.

Nhật Anh lúc đó có mượn một cái đầm ngắn. Vì khi mượn đồ thì phải kiểm tra rất kỹ, nếu có hư hỏng hay rách gì thì phải báo cho nhà thiết kế hoặc nhãn hàng để họ biết, còn nếu mà rách nhưng không báo thì sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Thế nên Nhật Anh khẳng định, bản thân đã kiểm tra đồ rất cẩn thận, nhưng sự cố bị rách đồ lại hoàn toàn nằm ngoài dự tính của anh.

"Mình có đi vệ sinh vài phút, đến lúc vào thì phát hiện ra phần dưới tay bị rách hẳn ra hai đường. Cái đầm đó rất dễ mặc nhưng vết rách lại rất lộ liễu. 

Sau đó mình hỏi lại mẫu thì các bạn ấy lúc sử dụng bảo không có vấn đề gì. Một lúc sau một bạn trong ekip chụp hình nói lại với mình là thấy bạn trợ lý của stylist kia cầm váy của mình khá lâu.

Thế đấy, người ta có thể hại bạn ở mọi phương diện, từ việc làm hỏng đồ cho bạn đền tiền, bị "bơm đểu" – nói xấu mình với đối tác. Thế nên nghề stylist không hề hào nhoáng như nhiều người vẫn mơ tưởng đâu".

Dù vậy cũng không thể phủ nhận, stylist giúp Nhật Anh có cơ hội được tiếp xúc với những xu hướng thời trang mới, giúp anh biết cách tự làm mới mình mỗi ngày, biết cách làm đẹp cho bản thân nhiều hơn.

Không chỉ dừng lại ở trong việc góp phần tạo nên những bộ ảnh thời trang trên các tạp chí, Nhật Anh còn có cơ hội đảm nhận việc tạo dựng hình ảnh của sao khi xuất hiện tại các sự kiện và cả trong các hoạt động đời thường.

"Bởi vậy nhiều người nghe tôi kể thì sẽ thắc mắc làm stylist khổ vậy, thì làm làm gì? Nhưng một khi bạn đã thực sự làm một công việc mà bạn yêu thích và đam mê bạn sẽ thấy mỗi khi vượt qua khó khăn lại là thành tựu. 

Cảm giác nhìn thấy khách hàng của mình tự tin bước trên thảm đỏ hay bước lên sân khấu, mình có niềm hạnh phúc khó tả", Nhật Anh tâm sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại