Nhơn nói rất nhớ nhà và muốn sớm được về Việt Nam thăm gia đình.
Vào ngày này đúng một năm về trước (23/1/2020-23/1/2021), Vũ Hán, Trung Quốc “phong thành” vì Covid-19. Khoảng 9 triệu dân còn ở lại thành phố buộc phải ở trong nhà suốt hơn hai tháng rưỡi để chặn đứng đà lây lan khủng khiếp của dịch bệnh. Một năm sau, quyết định “chưa từng có” của Vũ Hán vẫn mang đầy tính thời sự khi trên thế giới vẫn còn không ít các quốc gia đang phải “oằn mình” chống dịch. Thế giới đã ghi nhận gần 100 triệu ca mắc Covid-19, hơn 2 triệu người thiệt mạng. Câu chuyện của một cô gái Việt quyết định ở lại Vũ Hán trong suốt 76 ngày phong tỏa sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về tác động của đại dịch thế kỷ này.
Nhơn gọi những ngày Vũ Hán bị phong tỏa giống như trong phim.
76 ngày “như trong phim”
Đặng Thùy Nhơn, sinh ra và lớn lên tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng làm dâu ở Vũ Hán. Nói như lời của Nhơn, nếu chưa lập gia đình với người chồng Trung Quốc chắc cô đã lên chuyến bay giải cứu của chính phủ để về Việt Nam. Một năm đã trôi qua, nhưng những ký ức “như trong phim” của 76 ngày phong tỏa do đại dịch Covid-19 tại thành phố “tâm dịch” đầu tiên của toàn cầu này vẫn hiện rõ trong tâm trí cô như mới ngày hôm qua.
“Em rất nhớ nhà, đã hơn một năm rưỡi rồi em chưa được về Việt Nam. Em mong đại dịch chóng qua để sớm được về thăm ba mẹ”. Đó là những lời bộc bạch của Nhơn khi trò chuyện với phóng viên VOV. Nhơn cho biết, nếu đúng kế hoạch, năm 2020 vợ chồng cô sẽ sinh em bé và năm nay sẽ về Việt Nam đón Tết với gia đình. Nhưng đại dịch đã thay đổi tất cả.
Nhớ lại những ngày đầu có dịch, Nhơn kể, từ sau ngày 1/1/2020, Vũ Hán liên tục thông báo các ca bệnh viêm phổi lạ, người dân bắt đầu được khuyến cáo đeo khẩu trang, nhưng cuộc sống, đi lại vẫn diễn ra bình thường, không có dấu hiệu nào cho thấy sự nghiêm trọng của dịch bệnh.
Ngay trước ngày thành phố đóng cửa, cô vẫn kịp đi chơi và ăn uống liên hoan với bạn bè. Nhơn chia sẻ: “Chỉ khi đến ngủ dậy được thông báo thành phố Vũ Hán phong tỏa em mới thực sự sợ, bởi giống như trong phim vậy, chưa bao giờ em biết cả một thành phố bị phong tỏa là như thế nào. Xem báo đài thì thấy nhiều cảnh sát làm nhiệm vụ không cho xe hơi ra khỏi thành phố. Ga xe lửa bị hủy chuyến. Em rất sợ, bởi thời gian trước đó em đã tiếp xúc rất nhiều, thực sự không biết mình có bị nhiễm hay không".
Kể từ sau giây phút đó (10h sáng ngày 23/1/2020), một bộ phim về thảm họa mà Nhơn là một trong số hơn 9 triệu nhân vật ở Vũ Hán tham gia đã chính thức mở màn. Thế nhưng những cảnh quay đầu của phim vẫn chưa thực sự ly kỳ. Mặc dù thành phố đã phong tỏa, nhưng người dân một số nơi ở đây vẫn có thể đi lại. Tại khu vực nơi Nhơn ở, hai tuần đầu sau phong tỏa, mọi người vẫn có thể ra đường, đi siêu thị, thậm chí thăm bà con.
Tuy nhiên, ngay những ngày sau đó, khi số ca bệnh tăng chóng mặt, người dân ở đây bắt đầu bị “cấm túc”. Tất cả các cổng vào tòa nhà đều bị đóng và có bảo vệ, không ai có thể tùy tiện đi ra ngoài. Mọi nhu cầu hàng ngày, như mua thức ăn, thuốc men..., đều phải đăng ký tại các group được khu dân cư lập ra. Vài ngày sau đó người dân sẽ ra điểm tập kết, xếp hàng lấy đồ theo số.
Nhơn nhớ lại: “Ban đầu em không quen, cảm giác như đang mơ vậy. Nó thực sự vượt qua tầm suy nghĩ của em. Em chưa từng tưởng tượng thành phố phong tỏa sẽ như thế nào. Giờ thấy toàn bộ người dân Vũ Hán đều phải ở nhà, thật sự cảm thấy vô cùng lo sợ, hoang mang không biết tương lai của mình thế nào, liệu mình có mắc bệnh không. Nếu mình bệnh thì sao vì ở đây thường Tết trời rất lạnh mà thuốc cảm cũng không được mua. Và nếu mình bị cảm là ban quản lý lập tức sẽ tới hỏi. Đặc biệt em là người nước ngoài thì có bộ phận quản lý người nước ngoài. Họ sẽ gọi điện hỏi thăm sức khỏe hàng ngày và phải đo nhiệt độ báo cáo".
Sự hoảng sợ chưa dừng lại ở đó. Đã có lúc điện thoại của Nhơn đỏ rực khi thông báo về các khu vực có dịch bao vây quanh chung cư, tiếng xe cấp cứu liên tục vang lên ở trạm xá gần nhà, nhân viên y tế, cảnh sát làm nhiệm vụ tất bật, ra vào không ngớt.
Tai họa ập tới
Chính gia đình chồng của Nhơn cuối cùng đã không thoát khỏi Covid-19. Cô cho biết, nhà chồng cô vốn có tục lệ ngày mùng 1 Tết sang nhà cậu ăn cơm, mùng 2 đến nhà bác và mùng 3 tập trung tại nhà mẹ chồng cô ăn Tết. Mọi việc vốn vẫn sẽ diễn ra như vậy, nhưng những người trẻ trong gia đình đã can ngăn và bữa cơm đã không diễn ra. Khoảng 10 ngày sau, mợ chồng cô mắc Covid-19.
Bà nhiễm bệnh khi ăn Tất niên với đồng hương ngay trước Giao thừa (24/1/2020, sau ngày Vũ Hán phong tỏa một ngày) và một nửa số người ngồi cùng bàn đã bị lây, trong đó một số người tình trạng rất nghiêm trọng.
Theo lời kể của Nhơn, mợ chồng cô là một phụ nữ hoàn toàn khỏe mạnh trước khi mắc Covid-19. Bà được phát hiện bệnh vào những ngày đầu tháng 2, khi đó tất cả các bệnh viện ở Vũ Hán đều quá tải. Bà buộc phải đi cách ly tại một khách sạn. Những ngày đầu cách ly bà đều liên lạc, trò chuyện bằng hình ảnh với người thân, mọi việc không có gì tỏ ra nghiêm trọng. “Tụi em vẫn tưởng bệnh của mợ sẽ khỏi, thế nhưng sáng ngày 13/2 mợ đột ngột trở nặng và lên cơn không thở được. Lúc đó mọi người mới bàng hoàng bởi mợ em mới hơn 40 tuổi. Đến trưa càng ngày càng trở nặng, đến chiều tối thì được báo tin đã mất và mọi người chưa kịp phản ứng gì”.
Đến nay, Nhơn vẫn không thể quên được cảm giác khi nhận tin dữ: “Bàng hoàng, bởi em không nghĩ dịch Covid-19 lại quá sức tưởng tượng như vậy. Lúc đầu em nghĩ chỉ những người lớn tuổi mới dễ bị nhiễm, còn người trẻ tầm 40, 50 tuổi sẽ rất khó bị nhiễm hoặc nhiễm chỉ cần uống thuốc và tự chăm sóc là sẽ khỏi. Nhưng qua vụ việc của mợ em cả nhà vô cùng lo sợ và bất lực, bởi mình không thể làm gì ngoài việc ở trong nhà. Hơn nữa bản thân mình cũng không biết liệu mình có bị nhiễm hay không. Ngày nào cũng nơm nớp lo sợ”.
Sau khi mợ chồng của Nhơn mất, cậu của cô cũng chỉ có thể nhìn mặt vợ mình lần cuối qua tấm cửa kính trước khi bà được đưa đi hỏa táng và chỉ được nhận lại tro cốt sau ngày Vũ Hán dỡ bỏ phong tỏa.
Còn sống sau đại dịch là điều may mắn
Khi được tin chính phủ Việt Nam thực hiện chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam tại Vũ Hán, Nhơn đã từng muốn về lại tổ quốc, bởi ngày nào ba mẹ và anh trai của cô ở thành phố Hồ Chí Minh cũng nhắn tin, gọi điện lo lắng và giục giã.
“Lúc đó em cũng đắn đo nhiều lắm. Thực lòng em cũng muốn về, vì sợ dịch bệnh và không biết sẽ như thế nào, nhưng chồng em là người Trung Quốc, nếu em về chồng em không thể đi cùng. Mà đại dịch thì không thể nói trước được gì. Lỡ may chồng em nhiễm bệnh mà chỉ có một mình thì em cũng không nỡ” – Nhơn nói.
Chồng của Nhơn – Tần Hiểu, chàng trai người Hồ Bắc, không hề biết tâm trạng “giằng xé” này của vợ mình khi đó, cho đến khi cô kể với chúng tôi. Anh cảm kích chia sẻ, “tôi tin cô ấy sẽ ở lại bên tôi”, và mong có thể sớm đưa vợ về Việt Nam thăm gia đình. “Đáng lẽ năm nay chúng tôi sẽ về Việt Nam ăn Tết cùng cha mẹ của Nhơn. Nhưng dịch vẫn chưa kết thúc, cô ấy vẫn chưa thể đoàn tụ cùng gia đình, hơn một năm rồi vợ tôi chưa được gặp bố mẹ. Tôi thực sự mong dịch nhanh hết để cô ấy được đoàn tụ với gia đình. Bố mẹ cô ấy có tuổi rồi và luôn lo lắng cho con gái mình. Dịch kết thúc, tôi sẽ đưa vợ về thăm họ".
Giờ đây, hồi tưởng lại những ngày tháng đau thương ấy, Nhơn thấy mình may mắn. Mặc dù sau những ngày phong tỏa Nhơn vẫn gặp không ít khó khăn, như suốt nhiều tháng không được nhận lương do kế toán không thể quay lại nơi làm việc, đi lại, sinh hoạt gặp cản trở vì là người nước ngoài chưa có mã sức khỏe, song cô lại thấy trân trọng hơn tình cảm của gia đình, bạn bè và cả những người hàng xóm ở Vũ Hán trong đại dịch. Chính sự đoàn kết của người dân nơi đây và việc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của chính quyền đã giúp Vũ Hán vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Nhưng trên tất cả, với Nhơn, được sống và khỏe mạnh vượt qua đại dịch là điều ý nghĩa hơn cả. “Bây giờ em thấy mình suy nghĩ ngày càng thoáng hơn bởi đại dịch mình đã vượt qua rồi. Giờ thấy còn sống được là mừng, những gì khó khăn trong cuộc sống đều sẽ dễ dàng vượt qua hơn. Đại dịch nguy hiểm đến tính mạng, điều gì mình cũng chấp nhận hết. Sẽ không còn khó khăn nào khiến mình có thể đầu hàng, sẽ không còn những suy nghĩ tiêu cực. Đó là cảm nhận lớn nhất của em sau dịch Covid-19”./.