Không phải tự dưng, mà rất nhiều startup thành công tại thị trường Việt Nam - tính đến thời điểm hiện tại, đều đã từng đi du học. Bởi, họ đang đi theo công thức thành công được nhiều chuyên gia kinh tế tổng kết được cho thời đại ngày nay: Suy nghĩ toàn cầu và hành động địa phương.
Những startup từng đi du học, vừa hiểu văn hóa – con người – thị trường Việt Nam vừa tiếp nhận nền giáo dục chú trọng thực tiễn của phương Tây, vừa có cơ hội va chạm với các nền văn hóa khác nhau để biết đâu là điểm mạnh – yếu của văn hóa Việt Nam, vừa có tầm nhìn quốc tế rộng mở.
Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh – founder kiêm CEO của Công ty TNHH SXTM và DV Xưa cũng là một trường hợp như thế.
Sau nhiều năm bôn ba ở xứ người học tập và buôn bán trong nhiều lĩnh vực, năm 2014 cô đã về Huế khởi nghiệp trong một lĩnh vực tương đối ‘khoai’: Thời trang, cụ thể là làm giày chất lượng quốc tế đậm đà bản sắc địa phương. Sở dĩ cô dấn thân vào ngành nghề này bởi cô thấy được thị trường rộng lớn của nó mà ít người thấy.
Tâm sự với chúng tôi, Quỳnh Anh cũng thú nhận là cô đã phải vượt qua rất nhiều ‘ngọn núi’ khi theo đuổi sự nghiệp này, nhưng cô luôn cảm thấy vui vẻ vì được làm điều mình thích.
Trước nhận xét của chúng tôi rằng: Quỳnh Anh đã làm một điều phi thường khi hồi sinh được những làng nghề truyền thống đang trên đường diệt vong tại Huế; thì Quỳnh Anh có vẻ thấy hơi xấu hổ, tự nhận mình bắt đầu công việc này không phải để làm điều gì đó lớn lao mà chỉ vì đam mê và ‘miếng cơm manh áo’.
Một sản phẩm muốn có chỗ đứng trên thị trường quốc tế phải khác biệt và có chất lượng chuẩn quốc tế
Việt Nam là cường quốc về ngành sản xuất giày – nhất là giày sneaker, nhưng Việt Nam không hề có bất cứ thương hiệu giày nào nổi tiếng thế giới và Quỳnh Anh muốn thay đổi điều đó. Nhưng bằng cách nào?
Một sản phẩm thời trang muốn có chỗ đứng trên thế giới, đầu tiên là nó phải có gì đó khác biệt mà người khác không có và thứ hai là chất lượng – thiết kế của nó phải là ‘chuẩn’ quốc tế.
May mắn cho Quỳnh Anh là cô sinh tại TP. Huế - xứ sở giàu văn hóa bậc nhất tại Việt Nam, nên sau thời gian ngắn nghiên cứu và tìm hiểu, cô đã tìm được 3 chất liệu độc đáo - khác biệt mà chỉ duy nhất Huế có và giỏi nhất, đó là điêu khắc - sơn mài và thổ cẩm – Dèng.
Ở phương hướng thứ hai, Quỳnh Anh thực hiện chiến thuật ‘lấy mỡ nó, ráng nó’, thông qua những chất liệu độc đáo mà mỗi Xưa có được, cô đã thuyết phục được các nhà mốt cao cấp đình đám nhất thế giới để doanh nghiệp của cô làm gia công cho họ.
Thông qua việc gia công nói trên, Xưa sẽ tích luỹ được công nghệ - kỹ thuật, sự nhạy cảm với các xu hướng thời trang cũng như học cách làm thương hiệu, sale và marketing.
Để đến lúc nào đó, Xưa có thể đảm đương được một phương - như xuất hiện trên các sàn runaway quốc tế bằng thương hiệu của mình, chứ không phải tranh đấu vất vả mới được các đối tác hàng đầu thế giới đề cập đến, khi họ làm thương hiệu.
Như bất cứ một dự án kinh doanh nào, từ chiến lược đến thực thi là một quãng đường dài đằng đẵng và xa xôi.
Còn theo chia sẻ của Quỳnh Anh, trong những ngày đầu khởi sự với Xưa, đụng đâu cô cũng thấy vấn đề. Trong tất cả, nhiệm vụ thuyết phục những nghệ nhân sơn mài hoặc điêu khắc gỗ tại các làng nghề ở Huế chịu hợp tác với Xưa là khó khăn nhất.
Một sản phẩm có gót sơn mài họa tiết hoa sen của Xưa.
Xưa đã tạo ra một ‘cuộc cách mạng’ trong những làng nghề sơn mài – điêu khắc gỗ tại Huế
"Sơn mài và điêu khắc gỗ là hai ngành mà nhiều nơi, không chỉ tại Việt Nam mà nhiều nước ở châu Á, có. Nhưng, với truyền thống lâu đời cộng với tính cách tinh tế, tỉ mỉ và kiên nhẫn; Huế mới là vùng đất có những nghệ nhân làm sơn mài – điêu khắc gỗ giỏi nhất nhì Việt Nam và cả châu Á.
Từ xưa đến nay, các nghệ nhân sơn mài ở Huế chủ yếu làm tranh hoặc trang trí trên các công trình lớn như đình nhà lăng tẩm, tác phẩm của họ thường là độc bản và màu sắc chủ yếu thiên về tông trầm như nâu, đất, cánh gián, đen…
Ứng dụng sơn mài vào làm gót giày lại là điều hoàn toàn khác biệt, họ phải thực hiện trên diện tích nhỏ và không bằng phẳng, hình trang trí trên 2 gót giày phải hoàn toàn giống nhau, màu sắc cũng phải tươi tắn – sáng sủa.
Đã thế, ngay từ khi bắt đầu tìm thợ, tôi đã đưa ra hẳn một ‘nan đề’, như một thử thách nhằm tìm được những người thợ giỏi nhất", Quỳnh Anh hồi tưởng.
Do đó, trong thời gian đầu, không ai chịu đầu quân cho Xưa: người thì cho rằng Quỳnh Anh ngông cuồng, mới nứt mắt ra đã đòi thử thách người ta này nọ. Những người thợ lành nghề thì nghĩ cô đang phá hỏng truyền thống sơn mài của họ.
Những người thợ trẻ thích sự thử thách lại không đủ trình độ để thực hiện yêu cầu của Quỳnh Anh. Với nữa, dùng kỹ thuật sơn mài phức tạp với 7 lớp mài khác nhau để làm gót giày có phải là ‘đang dùng dao giết trâu để mổ gà’? Rồi với mức giá cao ngất ngưỡng của thành phẩm như thế, bán ai sẽ mua?
Thuyết phục những người thợ sơn mài và điêu khắc gỗ hợp tác với Xưa là công việc khó nhất.
Với sự kiên nhẫn và bản lĩnh của cô gái đã bôn ba khắp thế giới ngay từ khi còn trẻ, Quỳnh Anh không hề nản lòng, cô vẫn tìm cách thuyết phục được những người đủ khả năng hiểu về sứ mệnh của bản thân và của Xưa.
Tuy nhiên, cứ không phải tìm được người chịu hợp tác xong là công việc sẽ tự động chạy.
Trong khoảng hơn 4 năm vừa qua, hằng ngày cô phải liên tục đồng hành cùng những người thợ sơn mài và điêu khắc gỗ để làm sao có thể giúp họ nhanh làm quen với chất liệu sáng tạo mới, để có thể tối ưu hóa quy trình sản xuất cũng như đào tạo được thế hệ nghệ nhân kế cận.
"Để sáng tạo ra những màu mới cho sơn mài, các nghệ nhân và nhân viên của Xưa đã phải thử nghiệm rất nhiều lần, nhằm tìm ra được phương cách phối trộn đúng - tạo ra màu sắc phù hợp với yêu cầu.
Ngoài các kỹ thuật truyền thống, Xưa còn khuyến khích nghệ nhân của mình sáng tạo thêm ở những kỹ thuật khác như khảm vỏ trứng, khảm trai, lá bạc, lá vàng…
Để tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, chúng tôi cũng đã phải thuyết phục các nghệ nhân điêu khắc gỗ - ngoài dùng dụng cụ đục đẽo truyền thống phải kết hợp thêm các loại máy cơ khí bổ trợ khác nhau; vì nếu chỉ thực hiện bằng những dụng cụ thô sơ thì khó lòng cho ra đời được những sản phẩm tinh tế sắc sảo.
Thêm nữa, hiện chúng tôi cũng đang tạo ra một dây chuyền sản xuất theo kiểu chuyên môn hóa, ai giỏi khâu nào làm khâu đó.
Hiện Xưa đã đào tạo được một lớp nghệ nhân trẻ đầy tâm huyết với nghề, trong đó có một phần là con em của những làng nghề sơn mài và điêu khắc gỗ ở Huế, phần khác là những bạn khuyết tật có năng khiếu và sự đam mê với nghề trên địa bàn tỉnh", Quỳnh Anh cho biết.
Xưa đã góp phần vực dậy những làng nghề sơn mài và điêu khắc gỗ tại Huế.
Theo đó, nhờ Xưa và những công việc mà doanh nghiệp này mang lại, các làng nghề sơn mài và điêu khắc gỗ ở Huế không những chẳng dần lụn bại bởi không theo sự phát triển của thời cuộc mà còn phát triển rực rỡ.
Không ngoa khi nói, Quỳnh Anh và Xưa đã làm một ‘cuộc cách mạng’ cho ngành sơn mài tại Huế. Có thể xem, Giày Xưa là một "case study" khá thú vị, đáng cho những địa phương nào đang vật lộn với việc giữ các làng nghề truyền thống tham khảo.
Ngoài dùng sơn mài – điêu khắc gỗ, Xưa còn áp dụng kỹ thuật làm guốc mộc của người xưa vào các sản phẩm của họ. Hầu hết giày của Xưa đều có đế cao su 2 lớp – giúp người dùng đi êm chân và chống trơn trượt, khi mòn có thể dễ dàng thay thế.
"Có nhiều người hỏi tôi rằng, sản phẩm của Giày Xưa chỉ dùng 2 bộ môn nghệ thuật là điêu khắc gỗ và sơn mài, liệu có gây nhàm chán và hết ‘ngón nghề’ 1 ngày nào đó. Tuy nhiên, đó chỉ là câu hỏi của những người không rành về điêu khắc gỗ và sơn mài.
Trong mỗi môn, có rất nhiều trường phái khác nhau, ví dụ như sơn mài – có kỹ thuật mài, khảm hoặc cùng một kỹ thuật có thể kết hợp sử dụng cùng lúc nhiều nguyên liệu. Chúng tôi còn đang tái sử dụng những nguyên vật liệu từ những công trình lớn, vì vậy chỉ khi nào trên Việt Nam không còn thi công các công trình thì khi đó công việc của Xưa sẽ ngừng theo", Quỳnh Anh hài hước khẳng định.
Vẫn còn phải cố gắng với thổ cẩm Dèng
Một đôi giày có gót sử dụng sơn mài và quai có sử dụng Dèng của Xưa.
Ý định đầu tiên của Quỳnh Anh là sẽ dùng sơn mài và điêu khắc gỗ trang trí phần đế còn thân giày sẽ dùng các loại thổ cẩm – Dèng được làm từ sợi tự nhiên, của người dân tộc ở các huyện miền núi như A Lưới và Nam Đông tại Huế, để tạo ra một đôi giày ‘đậm chất Huế’. Nhưng, thực tế cho thấy, cô còn phải cố gắng hơn với Dèng.
Cũng như nghề làm sơn mài, nghề làm Dèng cũng hết sức vất vả. Để dệt Dèng, những người phụ nữ dân tộc Tà Ôi thường phải dùng chân giữ khung để dệt. Đôi lúc để đáp ứng những đơn hàng gấp, họ làm việc liên tục nhiều ngày sẽ có thể không đi nổi.
Thế nên, mục tiêu của Quỳnh Anh khi định dùng vải Dèng cho các sản phẩm của Xưa, ngoài muốn giữ gìn nghề truyền thống của người dân tộc thiểu số tại Huế, còn muốn giúp họ nâng cao thu nhập, nhận lại xứng đáng với công sức họ đã bỏ ra.
Tuy nhiên, Dèng lại có những nhược điểm không phù hợp với những thiết kế mà Xưa đang có, như khi dùng lâu nó gây nóng, màu sắc hơi trầm. Huế đã mất 5 năm mới thuyết phục được Nhà thiết kế Minh Hạnh - một người luôn ưu tiên các loại vải thổ cẩm dân tộc, sử dụng Dèng cho các thiết kế của bà.
Xưa vẫn đang trong quá trình tìm cách khắc phục những nhược điểm trên, ví dụ như dùng sợi và màu của mình, rồi nhờ chị em người dân tộc dệt theo phương cách và hoa văn truyền thống của họ. "Mọi chuyện vẫn đang rất khó khăn.
Thuyết phục một ai đó thay đổi thói quen họ là không dễ, chưa nói ngôn ngữ của tôi và họ còn bất đồng, dù có phiên dịch nhưng nhiều trường hợp chúng tôi vẫn không hiểu nhau", Quỳnh Anh tiết lộ.
Một sản phẩm tiêu biểu khác của Xưa.
Thế nên, nếu nhìn vào các sản phẩm giày của Xưa bây giờ, chúng ta có thể thấy họ kết hợp chất liệu khá linh hoạt.
Ngoài gót giày luôn cố định với họa tiết tiêu biểu cho Huế hoặc Việt Nam thông qua các kỹ thuật của sơn mài và điêu khắc, thân giày của họ có khi bằng Dèng, da thật, da tổng hợp hoặc đính cườm.
Tất nhiên, để có thể tạo ra những đôi giày chắc chắn – bền đẹp – chuẩn quốc tế, Giày Xưa phải dùng máy móc trong những công đoạn còn lại, như ép đế giày vào thân giày…
Như đã nói ở trên, do đây là sản phẩm được làm chủ yếu bằng thủ công theo kiểu thời trang cao cấp, nên giá của chúng tương đối cao – thấp nhất là 1,5 triệu đồng/đôi giày, còn cao nhất có thể trên 10 triệu đồng.
Hiện tại, Xưa chủ yếu gia công cho các nhãn hàng thời trang xa xỉ của thế giới là chính, còn trong nước sản phẩm của xưa có mặt tại 2 khách sạn lớn uy tín tại Huế (Azerai La Residence Hotel & Spa và Imperial Huế).
Tuy nhiên, Quỳnh Anh tin rằng, trong tương lai, khi mức sống của người Việt cao hơn, Giày Xưa sẽ có chỗ đứng ở thị trường nội địa.
Quỳnh Anh đang sử dụng một đôi giày mà Xưa gia công cho nhà mốt quốc tế chuyên trình diễn.
"Làm giày hiện đại khó 1, làm giày hiện đại kết hợp với các yếu tố truyền thống khó 10.
Thế nên, những thành tựu mà Giày Xưa có được ngày hôm nay, không phải công lao của mình tôi mà của cả một tập thể. Công việc của tôi chỉ là đi kết nối những nguồn lực sẵn có của Huế.
Trong thời gian ngắn trước mắt, Giày Xưa vẫn sẽ sống tốt nhờ gia công, vì khi cầm sản phẩm của Giày Xưa, hầu hết chuyên gia thời trang trên thế giới đều ngạc nhiên vì giá nó quá rẻ so với chất lượng cũng như quỹ thời gian bỏ ra làm sản phẩm.
Vì hợp đồng với đối tác, nên thứ lỗi là tôi không thể tiết lộ nhà mốt nào đã thuê Xưa gia công. Nhưng nếu bạn thường xuyên theo dõi tình hình thời trang thế giới, bạn sẽ biết chúng tôi đã từng cộng tác với ai", Quỳnh Anh kể.
Ngoài ra, cô cũng tiết lộ là ngoài các sản phẩm truyền thống Huế, trong tương lai, Giày Xưa có thể sử dụng thêm các sản phẩm truyền thống ở các vùng khác như lãnh Mỹ A, thổ cẩm Chăm...
Hiện tại, TP. HCM – cụ thể là Quận 4 đang đề nghị cô sử dụng những hình ảnh tiêu biểu của TP. HCM để làm giày, nhằm bán cho du khách sử dụng cũng như lưu niệm, song cô vẫn đang cân nhắc, vì việc của Giày Xưa đang rất là nhiều, khó dứt ra được.