Cuộc gặp gỡ định mệnh của “hy vọng”
“Mười sáu năm trước, John và tôi thức dậy trong ngày đầu tiên của chúng tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Chúng tôi đã trải qua một hành trình mệt mỏi kéo dài gần 3 ngày để đến đó, do phải quá cảnh 24 giờ ở Tokyo.
Tôi đang mang thai và đã gửi Elliott (6 tuổi) Bella (4 tuổi) và Lily (13 tuổi) ở nhà với bà ngoại. Chúng tôi cố gắng tìm một quán cà phê để thưởng thức cà phê buổi sáng. Sau đó, Thủy - một người hướng dẫn - đã đưa chúng tôi đến gặp cậu bé Nguyễn Lê Hùng, 13 tháng tuổi, lần đầu tiên. Sau này, chúng tôi đổi tên cậu bé thành Samuel Ian Ettore.
John và Hope Ettore, bố mẹ nuôi người Mỹ của Sam.
Khi đến trại trẻ mồ côi, chúng tôi thực sự bị choáng. Từ phòng này đến phòng khác, những đứa trẻ nằm trong cũi đặt sát vách tường như đang nhìn chúng tôi, cầu xin được chú ý. Tôi không cầm được nước mắt. Họ dẫn chúng tôi đến phòng của Samuel. Cậu bé ở đó, nói thật là trong một tình trạng tồi tệ. Ngoài khối u khổng lồ che nửa khuôn mặt, con khi đó vừa xuất viện sau khi điều trị bệnh thủy đậu, đã biến chứng thành viêm phổi và nhiễm trùng tụ cầu.
Bức ảnh chụp Samuel với i-ốt xanh mà họ bôi lên vết nhiễm trùng, bao gồm khối u của cậu bé.
Bác sĩ của trại trẻ mồ côi cũng đang ở đó. Cô ấy có vẻ hơi ngượng ngùng khi để chúng tôi nhìn thấy Samuel trong tình trạng tồi tệ như vậy. Cô ấy giải thích rằng, đôi khi họ nhận được vắc-xin để tiêm cho lũ trẻ, đôi khi không. Gần đây, họ không có vắc-xin và khi bệnh thủy đậu, sau đó là bệnh sởi tràn qua trại trẻ mồ côi, 3 đứa trẻ đã chết, một số trẻ em khác phải nhập viện, bao gồm cả Samuel của chúng tôi.”, bà Hope Ettore, người Mỹ, nhớ lại cuộc gặp đầu tiên với con trai nuôi gốc Việt.
Khi ấy, bà một nhà dịch tễ học công tác tại Đông Nam Á. Bà thường xuyên tiếp xúc với những đứa trẻ bệnh tật, bị bỏ rơi ở cô nhi viện. Với sự thấu cảm lớn, Hope đã muốn mang đến “hy vọng” cho những đứa trẻ bé nhỏ.
Hùng không hẳn là một đứa trẻ mồ côi. Cha mẹ cậu bé vẫn còn sống, nhưng không có khả năng nuôi dưỡng hai đứa trẻ sinh đôi non tháng, lại có quá nhiều vấn đề về sức khỏe. Từ Bình Phước, nhiều lần họ lên cô nhi viện Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh muốn xin đón Hùng về cho đỡ tội nghiệp.
Sam (Hùng) khi còn nhỏ, với khối u lớn choán nửa mặt.
Nhưng các cán bộ trại trẻ hiểu, nếu không được can thiệp y tế, Hùng khó lòng qua khỏi. Họ thuyết phục cha mẹ Hùng hãy để con lại, có thể sẽ có người nước ngoài nào đó nhận nuôi và chạy chữa cho bé.
Hùng bé nhỏ bị u máu và nhiều vấn đề sức khỏe khác, đã hơn tuổi mà chưa biết đi, người nhỏ thó. Nhưng Hope và John vẫn muốn dang tay chào đón cậu bé về gia đình của mình, ngay từ nụ cười đầu tiên. Cô nhớ lại: “Khoảnh khắc thằng bé cười hằn sâu trong trái tim tôi. Nó đã mỉm cười để nhắc nhở tôi rằng phải giúp nó bằng mọi cách.”.
Tình yêu của cha mẹ Mỹ và sức mạnh “tái sinh”
Về với gia đình Ettore, Hùng được bố mẹ nuôi đổi tên thành Samuel Ian Ettore, tên thân mật là Sam. Cậu bé lớn lên trong một gia đình lớn, cùng 3 anh chị lớn, bé út Lilah (sinh 2 tuần sau khi Sam sang Mỹ) và một cậu con trai nuôi khác bằng tuổi mình, đến từ Ethiopia. Nhà Ettore thực sự vất vả khi phải chăm sóc cho nhiều đứa trẻ ở những độ tuổi khác nhau, đặc biệt là Sam.
Bố mẹ nuôi chăm chút để Sam vượt qua nhiễm trùng, hòa nhập với cuộc sống mới và có để kháng tốt nhằm phẫu thuật cắt bỏ khối u. Khối u máu tiềm ẩn nguy cơ cao, lại choán nửa mặt cậu bé nên không ít bác sĩ ở các bệnh viện lớn nhỏ từ chối. Cuối cùng, có một bác sĩ phẫu thuật đã nhận lời chữa trị. Sam phải trải qua 5 lần phẫu thuật mặt và 2 lần phẫu thuật mắt để có được ngoại hình tương đối bình thường và lấy lại thị lực.
Sam khi 6, 7 tuổi và năm 17 tuổi.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Vừa thở phào vì con trai nuôi thoát được khối u, nhà Ettore lại phải “chiến đấu” để giúp Sam vượt qua chứng chậm nói, chậm tiếp thu, biểu đồ phát triển kém. Họ kiên nhẫn cùng con đến các lớp vật lý trị liệu, tập các bài tập vận động, trị liệu ngôn ngữ và các liệu pháp hành vi...
Không chỉ Hope hay John, những anh chị em khác trong nhà cũng kiên nhẫn hỗ trợ Sam, bằng một thứ tình yêu, sự gắn kết khó mà lý giải được. Và họ cũng nếm được trái ngọt khi Sam dần lớn lên, lanh lợi, khỏe mạnh và càng lúc càng mờ đi dấu vết của những ốm yếu xưa cũ.
Sam đã bước vào tuổi 18 đầy kiêu hãnh, đã tốt nghiệp trung học và sắp vào đại học. Ngày đầu tiên Sam đến Mỹ, các bác sĩ đã lo ngại rằng cậu bé khó mà phát triển bình thường, chưa dám nói đến chuyện học hành.
Cậu đã lớn lên khoẻ mạnh, lanh lợi và ấm áp.
Còn hiện tại, Sam và con gái út Lilah của gia đình Ettore đã được nhận học bổng tại trường RHS với trị giá tổng cộng hơn 5.000 đô. Ngoài ra, Sam còn nhận được Giải thưởng Tự hào RHS Bulldog và sẽ được khắc tên của mình trên một tấm bảng danh dự ở trường học. “Ánh sáng của cậu bé thực sự đã chiếu rọi cho những người xung quanh mình”, người mẹ Mỹ tự hào khoe.
Nguyện vọng cuối của mẹ: Tìm nguồn cội cho con
Không thể kể hết những nỗi vất vả, không thể đong đếm tình yêu mà Hope đã dành cho cậu con trai nuôi gốc Việt của mình trong hành trình “tái sinh” Sam. Bà đã nuôi dạy cậu thành một chàng trai ấm áp, bằng ánh sáng lấp lánh của bao dung.
Bà dạy Sam rằng, bố mẹ ruột không bỏ rơi cậu, mà đã cho cậu cơ hội để được sống, nhiều hơn thế, được sống khỏe mạnh, lành lặn. Hope chỉ giúp đỡ bố mẹ ruột của Sam hoàn thành tâm nguyện.
Sam (thứ hai bên phải) cùng gia đình nuôi của mình.
Bà cũng nuôi dưỡng cậu đúng như một người Mỹ gốc Việt - bằng sự gắn kết sâu sắc với cội nguồn và văn hóa. Từ khi Sam còn bé, bà đã nhắc rằng cậu là người Việt Nam, đưa con đến các lễ hội truyền thống của Việt Nam tại Mỹ và mua cho con những cuốn sách về Việt Nam.
Thậm chí, trong lần đầu dẫn con đi ăn phở, bà còn đùa rằng, dòng máu và khẩu vị Việt chảy trong huyết quản của Sam rõ ràng đến mức, cậu lập tức say mê đồ ăn Việt Nam, dù trước đó chưa từng được nếm.
Hope thường dẫn con trai đi ăn phở, dạy con về nguồn cội Việt Nam.
Nhiều năm qua, gia đình Ettore vẫn tích cực tìm lại cha mẹ đẻ cho Sam, để tâm hồn con không bị khoảng trống. Nhưng ngoài tên và quê quán, họ không biết gì hơn. Theo giấy tờ, Sam sinh năm 2004, quê ở Đồng Phú, Bình Phước. Cha ghi tên Lê Xuân Hùng, mẹ ghi Nguyễn Thị Liên.
“Nhiệm vụ” của Hope càng trở nên cấp bách hơn, khi bà nghe tin mình không còn nhiều thời gian nữa để sống cùng các con. Bà bị ung thư vú, khối u đã di căn. Bà không chắc mình sẽ sống được bao lâu nữa, nhưng vẫn muốn dành thời gian để tìm cha mẹ đẻ cho Sam. Bà “quay cuồng” đăng bài vào các hội nhóm, nhờ bạn bè ở Việt Nam chia sẻ thông tin, hỗ trợ tìm kiếm.
Đầu tháng 6/2022, Hope viết mà như reo lên: “Chúng tôi đã gặp người có thể là bố đẻ của Samuel qua Facetime. Điều đó rất khả thi, nhưng gia đình đang trong tiến trình xét nghiệm ADN để chắc chắn hơn! Khoảng 1 tháng nữa sẽ có kết quả!”.
Sam mãi là cậu con trai cưng của gia đình, nhưng Hope vẫn muốn con tìm được bố mẹ ruột.
Oanh Nguyễn, cô gái sống ở Bình Phước có công lớn trong việc tìm ra (người có thể là) bố mẹ ruột của Sam chia sẻ, cô vô tình biết được câu chuyện của Sam qua Facebook. Bình thường Oanh cũng ít để ý đến tin đăng tìm người thân, cô cũng không quen ai trong câu chuyện mà bà Hope chia sẻ.
Cô tiết lộ với chúng tôi: “Nhìn vào Facebook của mẹ nuôi, mình thấy họ nhận con nuôi toàn là người không lành lặn, mình biết họ là người có tâm. Địa chỉ (cũ) của bố mẹ ruột Sam lại gần nhà mình, nên đã cố gắng tóm tắt câu chuyện và đăng tải trên trang cá nhân, nhỡ đâu lại có người biết họ là ai. Thật mừng khi may mắn đã mỉm cười với họ.
Người nhà của mình biết trường hợp này và đã báo tin lại, có lẽ xác định 80% là tìm đúng người rồi. Ba bạn ấy hay tin thì bỏ ngang việc chạy lên nhà người thân của mình để nhờ gọi điện thoại. Mình đã FaceTime cho gặp Sam và phiên dịch giúp họ. Mẹ bạn ấy thì khóc không ngừng vì không nghĩ có ngày đoàn tụ được. Lúc giúp họ kết nối, chưa dám khẳng định là đúng người, nhưng mình cũng vui đến mức mấy đêm không ngủ được luôn!”.