Gần đây, bệnh viện Chester tại xứ Wales (Anh Quốc) bỗng tiếp nhận một trường hợp lạ. Bệnh nhân là một thiếu niên 15 tuổi, tay và chân nổi nốt như đậu mùa. Chỉ có điều sau khi xét nghiệm thì đó không phải đậu mùa mà là một căn bệnh khác tương tự, mang tên đậu mùa bò (cowpox).
Căn bệnh này tưởng như đã tuyệt chủng từ thế kỷ 18, và trường hợp gần nhất mắc đậu mùa bò đã xảy ra từ 10 năm trước, nhưng cũng là vô cùng hiếm gặp.
"Con trai tôi thực sự thấy xấu hổ. Các nốt trông khá tồi tệ, và nó khiến thằng bé không thoải mái." - mẹ cậu cho biết.
Phải mất vài tuần, các nốt đậu mùa bò mới biến mất. May mắn là các nốt không gây đau đớn, mà chúng chỉ ngứa như điên thôi.
Nguyên nhân mắc bệnh trước kia được cho là do tiếp xúc với gia súc, mà cụ thể là bò, vì căn bệnh có nguồn gốc từ một loại virus lây từ động vật sang người. Tuy nhiên sau này, người ta phát hiện ra rằng virus phát tán từ phân mèo và phân chuột nhiều hơn là bò.
Căn bệnh có vai trò quan trọng trong lịch sử
Bạn biết thuật ngữ "vaccine" chứ? Nó thực chất xuất phát từ một từ Latin là vaccinus, có nghĩa là "con bò".
Lý do người ta chọn từ này là vì bác sĩ Edward Jenner. Ông là người đầu tiên có ý tưởng trực tiếp đưa mầm bệnh vào người để tạo miễn dịch, và nó bắt nguồn từ chính các nốt đậu mùa bò trên tay của người vắt sữa khi đó.
Thế rồi cũng chính Jenner là người nhận ra những người vắt sữa mắc đậu mùa bò dường như cũng ít rủi ro dính phải căn bệnh thực sự chết người hơn là đậu mùa (smallpox).
Để rồi từ đó, ông tạo ra vaccine đầu tiên cho loài người, chính là vaccine điều trị đậu mùa.
Nói cách khác, đậu mùa bò là một căn bệnh quan trọng đối với lịch sử ngành y thế giới. Và để trả ơn thì các chuyên gia đã giúp căn bệnh gần như chìm luôn vào dĩ vãng.
"Có khoảng 29 trường hợp mắc đậu mùa bò trong giai đoạn 1975 - 1992." - Roberth Smith, chuyên gia từ Bộ Y tế Cộng Đồng xứ Wales cho biết. Ngay cả với trường hợp cậu bé mắc bệnh, đây vẫn là chưa đủ để kết luận rằng căn bệnh đang trên đà trở lại. Ít nhất là cho đến lúc này.