1. Suốt cả cuộc đời mình, Johan Cruyff đã làm đủ mọi cách để tôn vinh bóng đá đẹp. Khi còn là cầu thủ, ông chơi đẹp. Khi cầm quân, ông huấn luyện các cầu thủ đá đẹp.
Khi làm cố vấn cho CLB, ông vạch ra những chiến lược để phát triển bóng đá đẹp. Khi trở thành cây bút uy tín của các tờ báo, ông viết bài cổ xúy cho bóng đá đẹp.
Có một chút gì đó gợi liên tưởng khi trong cái năm mà Cruyff tạ thế, bóng đá đẹp cũng đang rơi vào thoái trào. Barcelona với bộ ba tấn công khủng khiếp nhất lịch sử đã bị loại.
Bayern Munich hùng mạnh cũng đã từ biệt. Và kẻ đã loại cả hai gã khổng lồ ấy chính là Atletico Madrid của Diego Simeone.
Trang nhất tờ Gazzetta dello Sport thứ Sáu tuần trước đưa Simeone ra bìa, chỉnh sửa cho ông trở thành nhà cách mạng người Argentina là Che Guevara. Cả hai đều mang cùng quốc tịch, cùng mang cái hùng tâm làm thay đổi thế giới.
Simeone được ví với Che Guevara.
Simeone là một đại diện tiêu biểu của trường phái phòng ngự đổ bê tông, tức catenaccio, mà người Ý đã nâng tầm nghệ thuật. Chữ catenaccio có nghĩa là "cài then".
Tức là anh đã đóng một cánh cửa lại rồi, anh lại còn cẩn thận... cài then để không ai vào được. Hàng phòng ngự của Atletico đích thực đã đạt đến cảnh giới "cài then" như thế.
Bayern và Barca đều ghi được vào lưới Atletico 2 bàn, cho dù đã trổ hết toàn bộ tinh hoa ra. Trong 20 trận Champions League gần nhất, Atletico giữ sạch lưới trong... 15 trận. Sáu trận knock-out mùa này, Atletico giữ sạch lưới 4 trận.
Hàng thủ của Atletico mấy năm qua từng mất đi thủ môn số 1 là Thibaut Courtois, hậu vệ trụ cột Miranda, bán đi và mua lại hậu vệ trái Filipe Luis. Nhưng khối bê tông ấy chẳng hề sứt mẻ mà ngày một vững vàng hơn.
2. Simeone cùng Atletico trở lại Milan, chính là trở lại cái thành phố mà ông đã "học đại học phòng ngự" khi còn là cầu thủ.
Thời gian ở Inter Milan, Simeone đã thấm nhuần cách chơi phòng ngự của người Italia. HLV của Simeone ở Inter ngày trước, Luigi Simoni, cho biết Simeone đã là một HLV khi còn chơi bóng, bởi ông luôn quan sát rất nhiều, học hỏi rất nhiều.
Bóng đá Italia đang hoài nhớ thứ đặc sản đã ngày càng mất đi từ sau World Cup 2006 ấy. Khi thế hệ trung vệ tuyệt đẹp của những Fabio Cannavaro, Alessandro Nesta giải nghệ, xứ sở hình chiếc ủng khủng hoảng trung vệ giỏi.
Họ cũng thay đổi tư duy. Dưới thời Cesare Prandelli, Italia bỗng đá đẹp còn hơn cả... Brazil.
Họ vào chung kết Euro 2012 với thứ bóng đá khoáng đạt, đẹp mắt. Ở Serie A, bóng đá tấn công lên ngôi. Napoli, Fiorentina và hai đội bóng thành Roma ai cũng tấn công rực lửa.
Và bây giờ, ở Tây Ban Nha, Simeone lại bất ngờ tái hiện lại catenaccio và chứng minh cho chính những người khai sinh ra nó thấy: không nhất thiết phải có trung vệ giỏi mới có thể phòng ngự giỏi.
Giovanni Trapattoni mê mẩn: "Tôi yêu Simeone và thứ bóng đá của anh ấy". Fabio Capello: "Đấy là thứ phòng ngự đẹp nhất mà đã lâu rồi chúng tôi không thấy". Arrigo Sacchi: "Simeone dụng binh hay không thua gì Enzo Bearzot ngày trước".
3. Mà đâu chỉ có Simeone, Claudio Ranieri cũng đã vô địch Premier League với thứ bóng đá được kết hợp nhuần nhuyễn giữa catenaccio và thứ bóng đá nhanh gọn của người Anh.
Từ khi năm mới mở ra, Leicester giữ trắng lưới trong 11 trận, nhiều gần gấp đôi Arsenal (6).
Họ đánh bại các đối thủ với duy nhất một công thức: bịt chặt đường vào khung thành nhà và hồi mã thương ngay khi có cơ hội. Báo chí Italia đã ví Ranieri với Caesar, vị Vua huyền thoại của La Mã.
Ranieri được vẽ như một ông vua của La Mã.
Khi đưa Simeone và Ranieri lên trang bìa, người Italia đang chờ ngày về của họ. Inter Milan khao khát Simeone mang họ trở lại thời kỳ hoàng kim trong khi AC Milan hy vọng có thể phục hưng cùng với Ranieri.
Thành công của Simeone và Ranieri đều có một điểm chung là không cần đến ngôi sao. Nhưng khát vọng, nỗ lực và một chút lãng mạn (không phải trong cách chơi mà cách nghĩ) là điều không thể thiếu.
Và khi Simeone cùng các học trò đá chung kết ở Milan, ông có cả nước Italia sau lưng.