Tương tự như cuộc chiến khốc liệt trên chiến trường thương mại điện tử, cuộc chiến trong lĩnh vực gọi xe công nghệ cũng là một cuộc chơi "đốt tiền": Đốt tiền để chạy khuyến mãi cho khách hàng, đốt tiền để thưởng chuyến, thu hút tài xế.
Sau thời gian nguội lạnh bởi Uber rút chân khỏi thị trường Đông Nam Á, cuộc chiến đốt tiền trong lĩnh vực gọi xe ở Việt Nam gần đây mới có dấu hiệu nóng trở lại kể từ khi Go-Viet , với sự hậu thuẫn của Go-Jek, chính thức xuất hiện tại TPHCM.
Nếu Go-Viet áp dụng chính sách chiết khấu 5.000 đồng/cuốc xe cho khách hàng Sài Thành thì Grab cũng đưa ra chính sách tương tự như thế. Với các đối tác tài xế, thời điểm Go-Viet điều chỉnh mức thưởng từ 220.000 đồng lên 300.000 đồng thì Grab cũng tăng từ 220.000 đồng lên 300.000 đồng.
Tuy nhiên, cuộc chiến này đã có động thái mới khi Go-Viet ra tuyên bố giữ nguyên số điểm tích lũy nhưng giảm mức thưởng cho tài xế Go-Bike trong TPHCM từ 220.000 đồng xuống còn 180.000 kể từ ngày mùng 3/10. Ở phía đối diện, Grab vẫn duy trì mức thưởng tối đa là 220.000 đồng/ngày.
Chính sách thưởng chuyến tối đa của Go-Viet là 180.000 đồng/ngày.
Trong khi đó Grab duy trì mức thưởng 220.000 đồng, nhưng số chuyến xe yêu cầu có phần "dễ thở" hơn.
Tại thị trường Hà Nội, chính sách ưu đãi dành cho tài xế cũng đã bị Go-Viet điều chỉnh theo hướng liên tục cắt giảm. Thời điểm mới ra mắt, Go-Viet áp dụng chính sách thu nhập tối thiểu là 45.000 đồng trên mỗi cuốc xe của tài xế Go-Bike nhưng kể từ ngày 19/9, hãng điều chỉnh xuống còn 25.000 đồng.
Mới đây nhất, chính sách thu nhập tối thiểu này cũng bị thu hẹp, chỉ áp dụng cho các chuyến xe vào giờ cao điểm với mức giá là 30.000 đồng thay vị áp dụng cho tất cả các cuốc xe như trước đây.
Tại một số hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều tài xế Go-Viet tỏ ra lo lắng thậm chí chán nản vì doanh thu rất thấp, khác hẳn không khí những ngày đầu khách gọi xe liên tục để hưởng ưu đãi đồng giá 1.000 đồng.
Mặc dù vẫn chạy chương trình thưởng theo kiểu tích điểm nhưng tài xế Go-Viet sẽ khó khăn hơn khi chỉ có 2 lựa chọn là Go-Bike và Go-Send trong khi phía Grab có 3 dịch vụ là Grab-Bike, Grab-Exrpess và GrabFood.
Tài xế tên Quý tại TPHCM cho biết mức điểm yêu cầu tích lũy vẫn là 28 nhưng thưởng còn có 180.000 đồng nên anh không có động lực làm việc như trước đây, và "đang tính kiếm việc gì khác làm thêm vào thôi".
Một số tài xế khác thì khẳng định hạ tiền thưởng cũng không sao, nhưng Go-Viet không tăng giá dịch vụ giờ cao điểm, không hỗ trợ đảm bảo mỗi cuốc xe tối thiếu 25.000 đồng cho tài xế tại TPHCM thì chẳng ai muốn chạy, vì đường tắc, "tiền thu về còn không đủ đổ xăng".
Ở phía đối diện, chính sách "cây gậy và củ cà rốt" của Grab đang phát huy tác dụng khá tốt. Một mặt Grab tiếp tục khóa tài khoản những đối tác chạy song song 2 ứng dụng cùng một lúc, thậm chí là thẳng thừng loại bỏ những đối tác dừng hoạt động trong vòng 1, 2 tháng.
Mặt khác, hãng gọi xe của Singapore vẫn tiếp tục duy trì chính sách thưởng hấp dẫn với các đối tác Grab-Bike và Grab-Food.
Kể từ ngày 4/10, Grab còn chạy thử nghiệm tính năng ‘Hỗ trợ phí hủy chuyến’ nhằm chia sẻ khó khăn dành cho tài xế trên địa bàn Hà Nội và TPHCM. Mặc dù mức phí hỗ trợ chỉ 2.000 đồng/cuốc xe nhưng khiến nhiều tài xế cảm thấy Grab đã chú ý hơn tới lợi ích của mình, tiếp tục yên tâm ở lại cộng tác với Grab.
Chưa đầy 3 tháng Go-Viet tham chiến tại Việt Nam nhưng những diễn biến trên thị trường gọi xe công nghệ đang thay đổi từng ngày.
Bên cạnh một số ý kiến cho rằng Go-Viet đang có phần đuổi sức trước Grab thì cũng có nhiều ý kiến bênh vực, khẳng định ông lớn Indo đang dồn lực để ra mắt dịch vụ Go-Car trong thời gian sắp tới.
Dù sao vẫn còn quá sớm để đưa ra dự đoán về kết quả cuối cùng của cuộc chiến gọi xe công nghệ trong thời điểm này. Hãy nhớ rằng phải mất tới 4 năm, trận đấu của Grab và Uber tại thị trường Việt Nam mới đến hồi ngã ngũ.