"Cắt đôi que test HIV - Nhiều người nhiễm bệnh vẫn âm tính"

PV |

Vụ việc cắt đôi que test trong quá trình kiểm tra HIV và viêm gan B tại BV Xanh Pôn (Saint Paul) sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Để có 1 que test đã phải thử nghiệm hàng vạn lần

“Một que test bị cắt đôi sẽ không đảm bảo kết quả chính xác. Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng vì nhà sản xuất đã tính chiều rộng, độ sâu, chiều dài của que test là bao nhiêu, phải trải qua hàng vạn lần thử nghiệm lâm sàng mới đưa ra được thông số đó để đưa vào sản xuất”.

Đây là nhận định của GS. Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, sau khi xem phóng sự về bê bối cắt xén vật tư y tế, cắt đôi que test trước quá trình tiến hành xét nghiệm HIV và viêm gan B tại Khoa Vi sinh y học, Bệnh viện Đa khoa Saint Paul (BV Saint Paul). GS. Trí khẳng định, đây là hành động sai rõ ràng và cố tình làm sai.

Điều này đồng nghĩa với sai sót về mặt chuyên môn, dẫn đến việc làm lọt các ca bệnh, tức là có hiện tượng âm tính giả.

Đây cũng là mối quan ngại chung, thậm chí là bàng hoàng và sốc của nhiều chuyên gia y tế khi xem phóng sự “Hàng ngàn que thử HIV, viêm gan B bị cắt đôi trước khi tiến hành xét nghiệm”.

Với dư luận, phản ứng là sự kinh hãi, lo sợ liệu bao nhiêu trường hợp những căn bệnh nguy hiểm, dễ lây lan như HIV và viêm gan B đã bị để lọt vì quy trình xét nghiệm bị bớt xén, gian dối này.

“Với mỗi que test, vẫn phải đủ sinh phẩm như vậy để có đủ lượng kháng thể phát hiện kháng nguyên xuất hiện ở trong mẫu máu.

Nếu lượng sinh phẩm ít hơn thì không đủ để phát hiện. Nếu tiếp tục thực hiện như thế thì nhiều trường hợp đã nhiễm bệnh nhưng kết quả vẫn âm tính”, GS. Trí khẳng định.

GS. Trí cũng cho rằng, việc kỹ thuật viên Khoa Vi sinh y học, BV Saint Paul đã trộn 4 mẫu máu vào chung một ống nghiệm để xét nghiệm cũng là sai: “Bởi vì điều này không được phép làm với kỹ thuật Elisa.

Vì với lượng máu ít thì không đủ nồng độ thì kết quả vẫn âm tính. Nếu hai xét nghiệm này cùng trùng hợp trên một bệnh nhân thì hậu quả càng nghiêm trọng”.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, hiện tượng cắt thẻ test, trộn mẫu xét nghiệm rất dễ xảy ra nếu công tác quản lý, kiểm tra không tốt.

Đi xét nghiệm lại

“Đây chính là bài học cảnh tỉnh chung cho các cơ sở y tế công lập cũng như tư nhân. Trong hoạt động xét nghiệm, nhà quản lý, lãnh đạo thường xuyên chứ không được buông lỏng.

Đối với riêng Bệnh viện đa khoa Saint Paul cần phải nhìn nhận sai sót, rà soát những bệnh nhân bị ảnh hưởng, chân thành mời họ đến kiểm tra lại bằng những quy chuẩn thông thường.

Đồng thời, khuyến cáo những bệnh nhân đã từng xét nghiệm HIV, viêm gan B tại Bệnh viện đa khoa Saint Paul thời gian qua cũng nên đi xét nghiệm lại tại các cơ sở tin cậy”, GS. Trí chia sẻ.

Cắt đôi que test HIV - Nhiều người nhiễm bệnh vẫn âm tính - Ảnh 2.

GS. Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.


Trả lời câu hỏi về việc có ý kiến cho rằng, việc trộn các mẫu máu để tiết kiệm vật tư y tế, ngân sách Nhà nước, GS. Trí khẳng định đó chỉ là “đánh tráo khái niệm”.

Theo GS. Nguyễn Anh Trí, nếu bằng nguyên lý kỹ thuật Elisa thì không được làm phương pháp trộn (pool) mẫu máu để làm xét nghiệm. Mà việc trộn mẫu máu chỉ được sử dụng bằng phương pháp kỹ thuật PCR khuếch đại gen đến hàng triệu lần.

Việc xét nghiệm Elisa chỉ là test nhanh, khi có kết quả dương tính bệnh nhân sẽ được tư vấn đến những cơ sở y tế xét nghiệm HIV được Bộ Y tế cấp phép.

Tại đây, bệnh nhân phải được xét nghiệm bằng ba kỹ thuật với hai nguyên lý khác nhau mới có thể khẳng định kết quả. Đặc biệt, tất cả các quy trình phải làm theo quy chuẩn của nhà sản xuất./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại