Cassowary còn có một cái tên là "Crane cassowary" - Đà điểu đầu mào, đây là một chi chứa 3 loài chim. Chúng có thân hình giống như đà điểu, nhưng nhỏ hơn, thường có chiều cao từ 1,7- 1,8 mét, thậm chí một số cá thể có thể đạt tới 2 mét.
Cơ thể của đà điểu cassowary được bao phủ bởi lông đen, đầu và cổ có màu sáng. Mặt của chúng có màu xanh nước biển và sở hữu các thùy thịt đỏ treo quanh cổ.
"Cái mũ" trên đầu của đà điểu cassowary có cấu tạo khác hoàn toàn với mào của các loài chim hay gia cầm khác, thay vì bằng thịt thì nó được cấu tạo từ các chất giống như sừng và rỗng ở bên trong.
Loài đà điểu đầu mào sống trong các khu rừng rậm của Úc, chúng có thể phát ra những âm thanh có tần số thấp hơn nhưng loài chim khác và chiếc mào rỗng của chúng có chức năng như một bộ thu sóng giúp cho chúng có thể nhận được "tín hiệu" từ đồng loại.
Thông thường, những loài cassowary sẽ sống sâu trong những rừng mưa nhiệt đới và những nơi rất khó để con người tiếp cận, chúng thường sống đơn độc hoặc theo cặp, không thích ánh sáng mặt trời và thường kiếm ăn vào buổi sáng sớm và tối.
Điều thú vị là tuy sợ ánh sáng mặt trời nhưng chúng lại tỏ ra rất thích thú với những vật phát sáng, chúng sẽ tò mò tiến lại gần khi thấy lửa than đang cháy, thậm chí có thể nuốt cả những cục than đang cháy.
Cánh của loài chim cassowary cũng bị thoái hóa và không có khả năng bay giống như đà điểu, bởi vậy chúng chủ yếu dựa vào đôi chân mạnh mẽ để di chuyển. Chúng có chạy về phía trước với tốc độ 30 km/h, và có thể băng qua rừng với tốc độ khoảng 50 km/h khi bị quấy rầy. Thức ăn chủ yếu của chúng là quả mọng, đôi khi là côn trùng, cá nhỏ, chim và các động vật khác.
Chim cassowary đẻ trứng từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, mỗi ổ có khoảng từ 3 đến 6 trứng. Những quả trứng này có vẻ ngoài khác với những quả trứng chim, gia cầm thông thường. Trứng chim cassowary dài khoảng 13 cm, có màu xanh lục tươi thay vì màu trắng.
Trên thực tế, chim cassowary được gọi là đà điểu vì chúng là loài có họ hàng xa với loài chim Emu - Đà điều Châu Úc - một trong những bảo vật quốc gia của Úc.
Trong quá khứ, từng có những quân nhân của Úc muốn thử nghiệm sức mạnh của mình và họ đã thử đánh nhau với chim emu nhưng không thể thắng được chúng.
Và với tư cách là "anh em họ" của chim emu thì loài cassowary cũng không hề kém cạnh, hiệu quả chiến đấu của chim cassowary vô cùng ghê gớm, và nó được sách kỷ lục Guinness thế giới công nhận là "loài chim nguy hiểm nhất hành tinh". Vậy nó nguy hiểm ở chỗ nào?
Về tốc độ và kích thước, cassowary hiển nhiên thua kém chim emu và đà điểu, tuy không có khả năng bay nhưng chúng lại là những bậc thầy về nhảy cao và bơi lội, một con cassowary trưởng thành có thể nhảy cao hơn 2 mét.
Tuy nhiên nhẩy cao thôi chưa đủ, chúng còn sở hữu kỹ năng "quét chân" vô cùng mạnh mẽ. Cassowary có cơ chân khỏe, mỗi chân có 3 ngón chân. Móng ở ngón chân trong cùng có thể dài tới 12 cm và nó thực sự giống như một con dao găm sắc nhọn.
Chúng có thể làm ngựa, bò gãy xương hoặc tử vong chỉ bằng vài cú đá.
Khi bị quấy rối hoặc bị đe dọa, loài chim này sẽ nhảy lên, sử dụng sức mạnh từ đôi chân và tấn công bằng các ngón chân như một con dao găm. Khi một con đà điểu đầu mào tấn công, nó có thể đá xuyên qua một tấm thép dày vài mm. Nếu con người không có vũ khí hoặc đồ bảo hộ khi bị chúng tấn công, họ có thể bị chảy máu nghiêm trọng và thậm chí tử vong.
Các nhà sinh vật học cho rằng đà điểu đầu mào tiến hóa trực tiếp từ khủng long. Thức ăn chủ yếu của chúng là trái cây, côn trùng và các động vật cỡ nhỏ.
Vào tháng 4 năm 1926, tại Queensland, Australia, một thợ săn trẻ tuổi tên là Philip McLean đã phải bỏ mạng vì những cú quét chân của loài chim cassowary. Anh ta bị vấp và ngã xuống đất trong khi tránh đòn tấn công của chim cassowary, nhưng sau đó con chim đã giáng một đòn chí mạng vào cổ anh ta.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Mỹ và Úc đóng quân ở New Guinea và họ luôn phải tự nhắc nhở rằng phải tránh xa những con chim cassowary." Có thể nói, đà điểu đầu mào được coi là loài động vật mà quân đội cũng phải nể sợ đôi ba phần.
Cassowary là loài chim rất cảnh giác và nhận thức về lãnh thổ rất mạnh. Một khi chúng phát hiện có người lạ hoặc động vật xâm nhập vào lãnh thổ của chúng, chúng sẽ truy đuổi đến tận cùng để tấn công.
Ngay cả trong các vườn thú, những con chim này cũng được xếp vào loại "dân anh chị" và để đề phòng việc chúng đánh nhau, những nhân viên phải nuôi nhốt riêng từng con một, thậm chí đã từng có những nhân viên sở thú bị chúng tấn công. Tuy nhiên, khi không bị quấy rối hoặc bị đe dọa thì loài chim này lại tỏ ra có phần nhút nhát, và chỉ khi cảm thấy bị đe dọa, chúng mới tấn công bằng tất cả sức lực của mình.
Trong hầu hết các trường hợp, loài chim này tấn công con người do chúng cảm thấy bị đe dọa hoặc muốn bảo vệ ổ trứng, con con của mình, nhưng cũng có một số ít trường hợp là do cho chúng ăn hoặc con người đứng quá gần với thức ăn của chúng.