Capybara (chuột lang nước) đang tạo cơn sốt khắp thế giới. Từ những chú gấu bông ngộ nghĩnh béo ú đến cả phiên bản đời thực với bộ lông mềm mượt, hiền lành ngốc nghếch, đều khiến giới trẻ mê mệt. Nhất là khi ở Hà Nội, lần đầu tiên có một quán cà phê có capybara "bằng xương bằng thịt" càng khiến dân tình tò mò, đổ xô trải nghiệm bằng được.
(Nguồn: @linhphuongbui, @fatiee99).
Khắp MXH, dân tình đang khoe clip vuốt ve capybara "bằng xương bằng thịt". Không hổ danh là "bộ trưởng bộ ngoại giao", con nào con nấy đều cực kỳ thân thiện, quấn người nên ai cũng có thể sờ soạng, ôm ấp được. Thậm chí chúng còn leo lên chân ngồi "tự nhiên như ruồi". Chính sự thân thiện ấy nên dân tình càng mê capybara hơn.
(Nguồn: @yenisyen)
Mới vào hoạt động được một thời gian ngắn, nhưng quán cà phê capybara lúc nào cũng đông khách. Cuối tuần thì đa phần là phụ huynh cho các con nhỏ đến chơi, trong tuần là các bạn trẻ tranh thủ thời gian đến để được tận tay vuốt ve capybara. Được biết mỗi lượt vào chỉ gói gọn trong 25 phút, hết thời gian thì mọi người phải ra ngoài để lượt khách khác vào.
Cuối tuần càng đông hơn vì các bố mẹ cho con nhỏ đi khá nhiều, Diệu Hoa (33 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Cuối tuần vừa rồi vợ chồng mình định cho con đi đến đây, vì con gái mình mê capybara lắm, nhưng vừa đến nơi thì thấy quán đông quá, còn có người xếp hàng bên ngoài nên cả nhà mình lại vòng về, để hôm nào bớt đông rồi ghé lại quán".
(Nguồn: @anquynhcham3con, @comngn)
Cụ thể giá vé là 105k/người lớn và 85k/trẻ con, quán sẽ chia ca 25 phút/lần để khách vào chơi với capybara. Mai (35 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Cuối tuần đông lắm mọi người ạ, nên nếu ai muốn đi thì gọi trước hỏi khung giờ còn vé, và đến đúng khung ấy để không phải chờ. Quán không nhận đặt vé trước nên chỉ mua trực tiếp được thôi.
Hôm ấy nhà mình đến quá khung giờ nên phải ngồi chờ khung tiếp theo, tranh thủ tạt sang hàng tào phớ bên cạnh để ăn. Bé nhà mình thích nên chứ đòi bố mẹ cho đi bằng được. Có chị khách ngồi cạnh mình còn bảo, chị đến quán tới 3 lần mới mua được vé cho con vào chơi với capybara, mà vẫn đang ngồi chờ đến lượt".
(Nguồn: @comngn)
Mai chia sẻ thêm, hôm gia đình cô cho bé đi, còn có nhà mua hẳn 2 vé với 2 khung giờ cho con chơi thoải mái. Cô không tìm hiểu về capybara nên không thích nhưng bé con nhà cô lại mê lắm, nhà có 3 - 4 con gấu bông với nhiều kích cỡ, mẫu mã khác nhau. "Hôm ấy con gái mình còn đòi mang theo gấu bông capybara đến quán. Mà nhắc đến capybara thì trẻ con ai cũng biết. Cuối tuần mình đi toàn thấy các phụ huynh cho con đến chơi".
(Nguồn: @Chou.choux)
Là một mô hình cafe thú cưng mới ở Hà Nội nên quán thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Dù có phải xếp hàng chờ thì dân tình vẫn nườm nượp đến quán để tận tay vuốt ve capybara.
- "Trời, nhìn nó vô tri mà cưng quá, phải đi ngay mới được".
- "Đông như này chắc tôi chờ một thời gian nữa mất, thấy có người còn ghé quán tới 3 lần mới được vào luôn".
- "Nhìn gấu bông đã thấy nó ngô nghê rồi, không ngờ con thật còn vô tri hơn nữa. Mình từng ghé quán rồi, mấy con này hiền khô, còn thân thiện nữa nên các mẹ yên tâm".
- "Chắc mới nuôi nên quán sạch sẽ, không hôi như mình tưởng tượng. Thấy các bạn ở quán bảo tắm cho capybara thường xuyên".
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến khác về hình thức kinh doanh cà phê thú cưng đặc biệt này.
- "Thật sự là vào thấy ngỡ ngàng luôn. Quán rất nhỏ, được 3 bé, rồi mọi người tranh nhau cho bé ăn. Không được bế ẵm đâu. Giá vé thì cao mà vào được có 25 phút. Nói chung là chiều theo ý con thôi, không có ý định quay lại nữa!".
- "Hơn 100k cho 25 phút chơi với 3 con capybara, mình thấy đắt nha. Trẻ con thích nên mình mới cho đi thôi, chứ như này cũng tốn kém".
- "Quán chỉ có một góc nhỏ để được xe máy thôi, nên gia đình cho các con đi phải tính cả chỗ để xe. Nhà mình đi 2 người lớn, 2 trẻ con nên phải đặt xe đã mất hơn 300k/2 chiều, chưa kể vé vào quán cho các bé. Cá nhân mình thấy tốn nha!"
Mô hình quán cà phê thú cưng này vẫn đang rất hút khách. Ngoài Hà Nội, ở Tp.HCM và Đà Lạt cũng có vài địa chỉ có capybara. Riêng ở Đà Lạt là mô hình trang trại với hồ nước và vườn cây nên capybara được thả tự do trong khuôn viên sinh sống.
(Nguồn: @didalatcungtruc)