Vài năm trở lại đây, một KOL đặc biệt đã nhanh chóng chiếm lấy trái tim của những người yêu động vật khắp thế giới. Không cần phải đặt chân đến quê hương Nam Mỹ xa xôi mới gặp được nhân vật này, giờ đây bạn cũng có có cơ hội gặp gỡ, chạm tay vào loài gặm nhấm đáng yêu được mệnh danh là "bộ trưởng bộ ngoại giao" - capybara (chuột lang nước) với bản tính hiền lành và phong thái bình thản.
Capybara tắm onsen - suối nước nóng ở vườn thú Izu Shaboten (Nhật Bản).
Capybara không chỉ nổi tiếng với kích thước "khủng" làm nó trở thành loài chuột lớn nhất thế giới, mà còn bởi bản tính hiền lành, thân thiện và khả năng giao tiếp điêu luyện. Chúng là biểu tượng cho sự nhẹ nhàng, bình yên và cũng là "đại sứ" kết nối cộng đồng yêu động vật. Hình ảnh những chú capybara thư thả ngâm mình trong làn nước mát hay tận hưởng cuộc sống bên những người bạn nhỏ đã khiến không ít người ao ước được một lần vuốt ve, cảm nhận làn da mịn mượt và cái nhìn thân thiện từ đôi mắt của chúng. Chuột lang nước càng trở nên viral nhanh chóng sau khi được nhiều idol giới trẻ như Jennie (BlackPink), Sơn Tùng M-TP, Ngô Kiến Huy, Isaac... bày tỏ sự yêu thích.
Nhiều idol giới trẻ thích thú với capybara khiến tốc độ viral của loài thú này càng trở nên "thần tốc" hơn.
Nếu bạn đang háo hức muốn gặp gỡ và tìm hiểu về loài động vật lớn nhất trong họ chuột này, đừng bỏ lỡ những thông tin quý giá sau đây để chuẩn bị tâm lý, tránh những bất ngờ, sốc trước khi bạn sờ tận tay và cảm nhận sự thú vị mà capybara mang lại.
1. Capybara thuộc họ lợn nước, là loài gặm nhấm lớn nhất còn sống trên Trái Đất
Chuột lang nước là loài gặm nhấm lớn nhất còn sống trên Trái Đất và có tuổi thọ trung bình trong tự nhiên lên đến 7 năm, trong môi trường nuôi nhốt khoảng 12 năm. Capybara có tên khoa học là Hydrochoerus hydrochaeris thuộc họ Caviidae và chi Hydrochoerus. Chỉ có một loài chuột lang nước còn tồn tại, chính là Hydrochoerus hydrochaeris. Từ tiếng Hy Lạp Hydrochaeris có nghĩa là "lợn nước", thế nhưng capybara lại chẳng liên quan gì đến lợn nước cả. Chúng có họ hàng gần với chuột lang nhà và chuột lang đá, có họ hàng xa hơn với chinchilla (sóc sin-sin) và agouti (chuột lang thuộc Bộ Dasyprocta).
Chúng là loài bán thủy sinh, sống ở vùng đất thấp gần các tuyến đường thủy - nơi chúng lăn mình trong bùn, nhai cây cối và kêu chít chít với nhau. Phạm vi sinh sống của chúng lớn hơn nhiều trong quá khứ, nhưng ngày nay, phạm vi này gần như chỉ giới hạn ở các khu rừng mưa nhiệt đới Nam Mỹ.
Capybara có khoảng 190 tên gọi thông dụng theo địa phương, hầu hết có nguồn gốc Kapiyva hay "bậc thầy của các loài cỏ" trong ngôn ngữ bản địa của một bộ tộc Amazon. Theo tiếng Tây Ban Nha, capybara thường được gọi với nhiều cái tên như carpincho, capibara, chigüiro, maja, poncho.
Quay về quá khứ xa xa một chút, người ta tin rằng chúng có nguồn gốc từ Nam Mỹ cách đây khoảng 30 triệu năm, những "gã khổng lồ" hiền lành này được các bộ lạc bản địa tôn kính vì thịt và da của chúng. Trong lịch sử gần đây hơn, chuột lang nước đã trở nên phổ biến như những vật nuôi kỳ lạ và thường được nhìn thấy nằm dài bên bờ nước trong các sở thú và khu bảo tồn động vật hoang dã. Ngày nay, chúng được coi là loài dễ bị tổn thương do mất môi trường sống và bị săn bắn, nhưng những nỗ lực đang được thực hiện để bảo vệ và bảo tồn những sinh vật hấp dẫn này cho các thế hệ tương lai được chiêm ngưỡng chúng.
Video viral trên MXH tổng hợp các hình ảnh đáng yêu về loài capybara (chuột lang nước) gây sốt toàn cầu.
Bạn đoán xem những chú capybara mũm mĩm, núc ních như chúng ta nhìn thấy hiện nay tại sao được gọi là loài gặm nhấm lớn nhất còn sống đến hiện tại? Nom thì to như con hải ly nhưng thực tế kích thước của chuột lang nước lớn gấp đôi. Capybara có cân nặng dao động từ 35kg đến 65kg, chiều dài khoảng từ 106 - 134cm và chiều cao gần 50 - 62cm khi đứng.
Giống như hải ly, chuột lang nước là loài bơi giỏi. Cơ thể của chúng thích nghi với cuộc sống ở các vùng nước trong rừng, thảo nguyên ngập nước theo mùa và vùng đất ngập nước. Các ngón chân của chúng có màng một phần để chèo xung quanh, bộ lông màu nâu đỏ đến nâu sẫm của chúng dài và mượt - hoàn hảo để khô nhanh trên cạn. Đôi mắt nhỏ, mũi và tai không có lông nằm cao trên đầu để khuôn mặt của chúng vẫn lộ ra và cảnh giác khi hầu hết cơ thể chúng chìm trong nước.
2. Capybara ăn phân của chính mình vào buổi sáng
Giống như các loài gặm nhấm khác, răng của chuột lang nước phát triển liên tục và chúng làm mòn răng bằng cách ăn các loại thực vật thủy sinh cùng các loại thực vật phong phú khác.
So với nhiều loài, quả thật capybara có chế độ ăn uống bất thường và hơi mất vệ sinh. Nếu bỗng một buổi sáng đẹp trời, bạn nhìn thấy lũ chuột lang nước này ăn phân của chính mình, đừng thấy lạ cũng đừng "dè bỉu" vì chúng không hề cố tình "ăn bẩn".
Trường hợp này xảy ra bởi phân của chúng giàu protein từ số lượng lớn vi khuẩn tiêu hóa các bữa ăn của ngày hôm trước. Vì cỏ mà chúng ăn rất khó tiêu nên việc ăn chất thải ra cơ bản là cách chúng tiêu hóa phân hai lần mà thôi. Nhắc lại lần nữa, đừng "dè bỉu" kẻo tội chúng!
3. Không ngại sống 1 mình nhưng thường sống theo đàn
Những con capybara xinh yêu mà mọi người thích thú, thật lòng mà nói thì chúng không ngại sống một mình, nhưng chúng cũng sống theo bầy đàn lên tới hàng trăm con. Mùa sinh sản của chúng thay đổi trong suốt cả năm tùy thuộc vào môi trường sống và số lượng bạn tình. Chuột lang nước cái thường đẻ một lứa từ 4-5 con/năm.
Nhìn chung, loài chuột lang nước cũng được coi là có quần thể ổn định nhưng ở một số khu vực, loài này đang bị đe dọa nghiêm trọng do bị săn bắt để lấy da, đồng thời một số quần thể bản địa đã bị xóa sổ.
4. Capybara được mệnh danh là "bộ trưởng bộ ngoại giao", "chiến thần ngoại giao"
Capybara được mệnh danh là “bộ trưởng bộ ngoại giao” bởi tính cách hòa đồng, thân thiện của chúng. Đối với đồng loại, chúng có thể xây dựng mối quan hệ thân thiết thông qua nhiều hành động "tương thân tương ái" như chải lông, chơi đùa và vệ sinh cho nhau. Những hành động này không chỉ giúp chúng gắn bó hơn mà còn tạo ra môi trường an toàn, hỗ trợ lẫn nhau. "Bộ trưởng bộ ngoại giao" có nhiều hình thức giao tiếp thể hiện cảm xúc cũng như tâm trạng của mình.
Chúng có thể phát ra âm thanh khác nhau như tiếng kêu, tiếng rít, hoặc tiếng hót để giao tiếp với đồng loại. Những âm thanh này không chỉ thể hiện nhu cầu của chúng mà còn giúp duy trì mối liên kết trong nhóm. Với tính cách hòa đồng này, nhiều người nuôi capybara làm thú cưng vì chúng rất dễ gần và hiền lành. Khi được chăm sóc tốt và tiếp xúc với con người từ nhỏ, capybara có thể trở nên rất thân thiện và thoải mái khi ở gần chủ nhân. Chúng thường thích được vuốt ve và thậm chí có thể chấp nhận việc dành thời gian chung với con người.
Đó là với đồng loại, khả năng giao tiếp thượng thừa của loài chuột lang nước này không phải là hữu danh vô thực khi được gọi là "bộ trưởng bộ ngoại giao". Chúng thường tạo ra những mối quan hệ thân thiện với các loài sống cùng môi trường như kỳ đà, cá sấu, chim chóc,... Nghe thì khó tin, nhiều người "hết hồn" khi nhìn thấy capybara "dám" trèo lên lưng cá sấu và đi nhong nhong như chuyện quá bình thường. Thực chất, capybara chủ động đấy! Chúng thường tìm đến những nơi có cá sấu như một cách để bảo vệ mình khỏi các loài thú săn mồi khác. Việc cùng nhau chia sẻ không gian sống này giúp capybara giống như sứ giả hòa bình, là sợi dây kết nối và duy trì cuộc sống hài hòa giữa các loài động vật.
Capybara là "đại sứ du lịch" của một vườn thú ở Nhật Bản. Những chú chuột lang nước yêu thích sự sạch sẽ đến mức coi việc tắm như một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của mình. Hình ảnh những chú capybara thích thú đắm mình trong làn nước, thư giãn không lo âu, có thể khiến bất kỳ ai cũng phải ghen tị với khả năng thư thái của chúng dưới nước suốt hàng giờ liền mà không hề chán.
Tại vườn thú Izu Shaboten, những chú chuột capybara được hưởng trọn vẹn những phút giây thảnh thơi trong suối nước nóng mỗi ngày, kéo dài từ 21/11 đến ngày 6/4 hàng năm, để giúp chúng không phải chịu rét trong cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông. Không chỉ đơn thuần là nước ấm, bồn tắm của chúng còn được tinh tế với việc bổ sung các loại thảo mộc, những cánh hoa hồng quyến rũ, hoa lan thanh tao và những trái cây đậm hương thơm như cam, chanh. Đây là một bữa tiệc thư giãn thực sự cho những chú capybara yêu thích nước. Điều khiến mọi người cảm thấy thích thú hơn hẳn là khi nhân viên đổ vài xô quả yuzu vào thì chúng cũng "chẳng quan tâm", cứ bình tĩnh duy trì tâm trạng không màng nhân sinh của mình.
Trong những dịp lễ đặc biệt, vườn thú lại càng chiều chuộng những "cần câu cơm" này bằng cách tặng cho chúng những giờ tắm nước nóng thêm vào ngày Đông chí: Những món quà nhỏ như quả táo hình trái tim trong ngày lễ tình nhân và không thể thiếu những bất ngờ vào mỗi dịp Giáng sinh.
Sự hiền lành và vô tư của capybara đã thu hút đông đảo du khách tới công viên Izu Shaboten, và không ngạc nhiên khi mà trong vòng 10 năm, từ năm 2006 - 2016, số lượng chuột lang nước tại các vườn thú ở Nhật đã có sự nhảy vọt ấn tượng từ 126 lên đến 422 cá thể. Để vào thăm những chú capybara dễ thương này trong vườn thú bạn sẽ cần bỏ ra khoảng 2800 yên (khoảng 463 nghìn đồng).
Ở Nhật Bản, ngoài Izu Shaboten, bạn có thể gặp gỡ loài thú đáng yêu này tại các địa điểm khác như Nagasaki Biopark, Nasu Animal Kingdom, Saitama Children’s Zoo, Harvest Hill Osaka - Sakai Farm, Aichi Non Hoi Park, Mother Farm in Chiba, Aso Farmland, Capyneko Cafe.
Bạn đang "phát cuồng" vì muốn gặp "bộ trưởng bộ ngoại giao" nhưng ngại phải di chuyển đến tận Nam Mỹ hay Nhật Bản? Khỏi lo, rất nhiều "bộ trưởng" đã chuyển đến sống ở Việt Nam.
Vườn thú kiểu Úc có rất nhiều "bộ trưởng" tọa lạc tại Quốc lộ 27C, tiểu khu 94A, Đạ Nhim Lạc Dương, Lâm Đồng. Ảnh: ZooDoo Dalat
Nơi nổi tiếng nhất hiện nay để "diện kiến" các "bộ trưởng" đó là ZooDoo - Zoo & Cafe (Vườn thú thân thiện kiểu Úc đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam). Tại đây, các "bộ trưởng" được chăm sóc toàn diện và chuyên nghiệp bởi đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm. Ngoài capybara, ZooDoo cũng chăm sóc rất nhiều các loài thú khác như lạc đà Alpaca, cừu đầu đen, thỏ NewZealand, Raccoon, rùa Sulcata,... Vườn thú mở cửa tất cả các ngày trong tuần, từ 9 giờ sáng - 6 giờ chiều, giờ nhận khách cuối là 4 giờ chiều.
Ảnh: ZooDoo Dalat
Giá vé tại ZooDoo cho 1 chuyến tham quan 90 - 110 phút tính theo chiều cao gồm: Từ 1.2m trở lên giá vé 150.000 đồng/người, từ 0.9m - 1.2m giá vé 75.000 đồng/người, dưới 0.9m miễn phí. Tại đây, du khách sẽ có hướng dẫn viên hướng dẫn về các loài thú cũng như cách để tương tác. Những hoạt động này thu hút rất nhiều bạn nhỏ cùng gia đình đến thăm.
Ảnh: ZooDoo Dalat
Mới đây, một quán cà phê tại Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng khiến dân tình xốn xang khi nhiều gia đình dẫn con đến "xếp hàng" để tận mắt gặp gỡ "bộ trưởng" bằng được.
Ảnh: Thúy Nguyễn
@canbohaman, @comngn_, @catiger.28.
5. Cần bao nhiêu tiền để sở hữu 1 "bộ trưởng bộ ngoại giao"?
Chi phí của một con chuột lang nước có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào một số yếu tố, bao gồm độ tuổi, danh tiếng của người nhân giống và vị trí địa lý. Ở những khu vực mà chuột lang nước phổ biến hơn, giá có thể thấp hơn. Ngược lại, ở những khu vực mà chúng hiếm, hãy chuẩn bị trả phí bảo hiểm. Ngoài ra, một số tiểu bang hoặc quốc gia có các quy định có thể ảnh hưởng đến tính khả dụng và chi phí.
Trung bình, bạn có thể phải trả từ 1.000 USD (khoảng 25. 355.000 đồng) đến 3.000 USD (76.065.000 đồng cho một con chuột lang nước. Đây là bảng giá ở Mỹ. Chuột lang nước con thường đắt hơn, trong khi chuột lang nước trưởng thành có thể có giá thấp hơn. Capybara con có giá từ 2.000 USD - 3.000 USD, còn capybara trưởng thành có giá dao động từ 1.000 USD - 2.000 USD - theo Capybara Nation.
Ở Mỹ, luật liên quan đến việc sở hữu capybara khác nhau tùy theo tiểu bang và thậm chí tùy theo thành phố. Một số tiểu bang như Texas và Pennsylvania cho phép sở hữu capybara mà không cần giấy phép đặc biệt, trong khi những tiểu bang khác như California và Georgia lại cấm hoàn toàn. Nghiên cứu và tuân thủ luật pháp địa phương là rất quan trọng để tránh các vấn đề pháp lý.
Ngoài chi phí mua capybara, để nuôi một "bộ trưởng bộ ngoại giao" bạn sẽ cần đến các chi phí khác như giấy phép, thức ăn, chuồng ở, chăm sóc y tế,... tổng chi phí hàng năm có thể rơi vào khoảng 4.440 - 12.860 USD (khoảng hơn 112 triệu đồng - hơn 320 triệu đồng).
Theo một số thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, do vấn đề vận chuyển, chi phí khác nhau, để một "bộ trưởng bộ ngoại giao" xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng 130 triệu đồng.
Dù bạn làm gì, đừng bao giờ nuôi một con capybara hoang dã. Bạn sẽ không thể thuần hóa chúng, bạn sẽ không biết liệu chúng có bị nhiễm bệnh hay không và bạn sẽ rút ngắn tuổi thọ bằng cách gây ra cho chúng sự căng thẳng không đáng có. Bởi vậy, ít nhất bạn phải mua theo cặp hoặc theo nhóm.