Cặp vợ chồng nghèo và khối gia sản khổng lồ mang tên 'trâu thần tài'

Mộc Miên |

Từ một con trâu trị giá 1.9 triệu đồng đi vay lãi, khoảng 20 năm sau, vợ chồng anh Tiến – chị Hải đã có trong tay gia tài là đàn trâu gần 200 con lớn – nhỏ, với trị giá lên cả tỷ đồng.

Thuận vợ thuận chồng tát... sông Hồng cũng xong

Thế nhưng ít ai biết được rằng, để có được thành quả như ngày hôm nay, anh Tiến - chị Hải đã đổ bao mồ hôi, xương máu xuống mảnh đất cằn hoang hóa nơi bãi bồi ven sông Hồng.

Để vươn lên làm ông chủ, anh Tiến – chị Hải đã nếm trải qua đủ mùi cơ cực của cuộc đời. Kể về chuỗi ngày mới ra khai hoang, lập nghiệp, chị Hải không khỏi nghẹn ngào: “Nói ra thì lại rớt nước mắt, khổ thì khổ lắm…”

Sau một năm về chung một nhà, từ năm 1992, vợ chồng anh Tiến – chị Hải đã quyết định đi khai hoang ở bãi ven sông Hồng để làm kinh tế. Nghĩ rằng “con trâu là đầu cơ nghiệp” nên ngoài trồng trọt, anh chị quyết tâm vay vốn, đầu tư mua một con trâu cái để bắt đầu sự nghiệp của mình.

“Thời điểm ấy, tôi vay được 2 triệu đồng, mua con trâu hết 1 triệu 9 nghìn đồng. Còn 100 nghìn, tôi chắt bóp chi tiêu mua rau cỏ hàng ngày.”

Mới đầu, chị nuôi trâu lấy sức kéo, giải thoát sức lao động bằng chân tay hàng ngày. Trong quá trình nuôi, thấy con nào mắn đẻ, chị Hải gây giống.

“Để nó đẻ con, mình vừa lãi đường cày, vừa lãi con be trong bụng. Bởi theo tính toán của chị, làm ruộng để mà dành dụm được 1-2 triệu khó lắm…”

Chị Hải tâm sự, thời điểm bắt đầu mọi thứ đều rất khó khăn: “Tôi khai hoang cùng nhiều bà con, nhưng làm ăn thua lỗ, bà con rủ nhau bỏ hết. Nhiều khi, họ cũng rủ vợ chồng tôi bỏ vì càng làm càng thấy nợ…”

Nhưng may mắn, vợ chồng chị được anh em trong làng giúp đỡ mà không lấy công. Thêm vào đó, anh Tiến – chồng chị Hải là một người đàn ông vô cùng chịu khó, tần tảo.

“Ông xã nhà tôi yêu nghề, yêu đồng ruộng lắm. Bà con chán nản bỏ hết nhưng chồng tôi vẫn động viên rằng, “ông trời sẽ đền đáp”.

Thế nhưng, với chị Hải, điều quan trọng nhất để sự nghiệp được như ngày hôm nay chính là phải “thuận vợ thuận chồng”..

Tự hào vì con trâu thần tài

Từ ngày đàn trâu chỉ có 1 con, giờ đã lên đến con số gần 200 con, vợ chồng anh chị Tiến – Hải luôn tự hào vì mình đã nuôi được con “trâu thần tài”.

“Nó cứu đói, cứu nạn cho gia đình tôi. Nhờ nó mà đàn trâu của gia đình có thêm được nhiều con trâu con. Con này lại đẻ ra con kia nên đàn trâu giờ mới được nhiều thế…” - chị Hải nói.

Đến nay, con “trâu thần tài” vẫn gắn bó với cơ nghiệp của vợ chồng chị Hải. Dù đã hơn 20 tuổi đời, nhưng nó vẫn đẻ; chỉ có điều nó không còn mắn đẻ được như trước.

“Đồng cam cộng khổ” với vợ chồng chị Hải từ thuở hàn vi nên dù đã già, con “trâu thần tài” vẫn luôn được anh chị nâng niu, chiều chuộng.

“Tôi không bán, cũng sẽ không thịt nó. Cái nghề này, mình phải coi những con trâu như người thân, nó mới mang lộc lại cho mình. Trước đây, tôi có mua một con cùng đợt với con “trâu thần tài”, nhưng nó già và bắt đầu ốm yếu. Tôi cũng đã mời bác sĩ đến cứu chữa gần 1 tháng trời, chăm sóc như người nhưng nó không qua khỏi. Nó chết, tôi mang chôn và mai táng cho nó.” – chị Hải tâm sự.

Theo lời chị Hải, việc nuôi trâu không quá khó khăn, tuy nhiên khi đàn trâu tăng nhiều về số lượng, chị cũng phải có một quy trình rất chặt chẽ trong chăn nuôi. Mỗi năm, chị Hải tiêm phòng cho đàn trâu của mình 2 lần. Dù vậy, chị vẫn quan niệm, “làm gì thì làm, mình cũng phải có lương tâm”, bởi “có phúc sẽ có phần”.

Hàng ngày, chị Hải vẫn ra bãi thăm đàn trâu gần 200 con của mình. Chỉ những hôm nào chăn xa thì chị mới tự tay đi chăn, còn gần nhà, chị đứng chỉ quan sát. “Cứ đến 9h30’, khi nắng lên, đàn trâu ra sông đầm tắm thì tôi về cơm nước cho thợ, chiều lại ra. Quanh quẩn cũng hết ngày”.

Ngoài chăn trâu, vợ chồng chị Hải cũng trồng trọt thêm cây cối ăn quả, rau cỏ, chăn nuôi thêm ít gà, vịt… để cải thiện bữa ăn cho gia đình.

Thu nhập đã khá, cuộc sống khởi sắc hơn, nhưng vợ chồng anh Tiến – chị Hải vẫn sống một cuộc sống giản dị, gần gũi mà đong đầy hạnh phúc...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại