Quyết định có con có thể là ý tưởng "đầy lãng mạn" với những mơ mộng về tổ ấm tràn ngập hạnh phúc với tiếng cười trẻ thơ. Tuy nhiên, nó cũng đi kèm với nhiều điều "không chắc chắn". Một mặt, cuộc sống của bạn có thể có thêm niềm vui và ý nghĩa mới, nhưng mặt khác, nó đòi hỏi bạn phải hy sinh sự tự do và đôi khi cả sự nghiệp của mình.
Một người đàn ông và vợ chưa sẵn sàng cho việc đó. Anh ta đã đăng một bài trên diễn đàn Reddit ở chủ đề "Nuôi dạy con cái", mô tả việc vợ mình "thờ ơ" với vai trò làm mẹ như thế nào. Sau đó, người đàn ông cập nhật tình hình với một thông tin gây sốc: "Cho con đi làm con nuôi của người khác".
Bài đăng của người đàn ông có nội dụng:
"Tôi và vợ Catherine đã kết hôn được 8 năm. Trước đó, chúng tôi đã có 3 năm hẹn hò ở trường đại học và cũng trải qua nhiều thăng trầm như bao cặp đôi khác.
Cả 2 chúng tôi đều là những người 'nghiện' công việc, rất bướng bỉnh và quen làm theo ý mình. Theo thời gian, chúng tôi đã biết cách dung hòa để mỗi khi trái ý đều có thể ngồi xuống nói chuyện với nhau. Vậy mà, lúc này đây, tôi lại không biết phải làm gì.
2 tháng trước, Catherine sinh con gái Elizabeth. Thai kỳ của cô ấy trôi qua êm đẹp ngoại trừ việc nôn nghén trong mấy tháng đầu. Catherine có thể làm việc đến tận 1 tuần trước ngày dự sinh. Đó là điều khiến chúng tôi bất đồng. Cô ấy làm việc trong phòng thí nghiệm, vì vậy tôi lo ngại về an toàn sức khỏe của 2 mẹ con, nhưng cô ấy đã nêu ra những lý do thực tế để làm việc đến tận lúc sinh như vậy.
Một điều khác mà chúng tôi bất đồng là thời gian nghỉ thai sản. Tôi muốn cô ấy phải nghỉ ít nhất đủ 6 tuần vì lo vợ sẽ kiệt sức. Tôi đã tận dụng toàn bộ thời gian nghỉ phép của mình để có thể ở nhà. Tôi hy vọng 2 vợ chồng có thể cùng nhau chăm sóc con, tìm hiểu nhu cầu và tính cách của Elizabeth. Vậy mà, vợ tôi đã quay trở lại công việc chỉ sau 2 tuần.
Tôi xin nhấn mạnh rằng chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ để phân chia công việc chăm sóc Elizabeth một cách công bằng. Vợ tôi quyết định không cho con ti mẹ.
Mỗi ngày, chúng tôi thay phiên nhau thức dậy để cho con ăn sữa vào ban đêm. Tôi đi làm muộn hơn vợ nên tôi trực buổi sáng, nhưng cô ấy về nhà sớm hơn tôi nên cô ấy trực buổi tối. Ban ngày, Elizabeth ở với mẹ tôi, tức bà nội của con bé.
Khi cả 2 vợ chồng ở nhà, chúng tôi chia sẻ khối lượng công việc và đó là lúc vấn đề nảy sinh. Tôi nhận thấy rằng trừ khi Elizabeth thực sự cần điều gì đó (cho ăn, thay tã, tắm rửa) hoặc khóc lóc, Catherine thực sự không gần gũi con một chút nào. Ngay cả khi con bé khóc, trừ khi vì lý do thực sự (chẳng hạn như đói hoặc ướt tã), Catherine cũng không làm gì để dỗ dành con.
Tôi biết rằng trẻ sơ sinh đôi khi khóc lóc vô cớ, nhưng chẳng phải ít nhất người mẹ cũng nên bế con lên và dỗ dành một chút sao? Ngoài ra, ngay cả khi con không khóc, Catherine cũng không tương tác với con.
Tôi không thể không so sánh cách tiếp cận của vợ với cách tiếp cận của tôi (chắc chắn là có sự tương tác/chăm sóc nhiều hơn) hoặc thậm chí là cách tiếp cận của mẹ của tôi. Bà nói chuyện liên tục với Elizabeth, một cách rất tình cảm.
Tôi tự hỏi liệu đây chỉ là sự khác biệt trong cách nuôi dạy con cái hay vấn đề nằm ở vợ tôi?".
Ở phần bình luận, rất nhiều thành viên diễn đàn Reddit đã bày tỏ ý kiến cảm thông với người vợ. Thậm chí, cả các chuyên gia cũng cho rằng nên có sự chia sẻ với những người phụ nữ sau sinh.
Theo Bored Panda, thời kỳ hậu sản bắt đầu sau khi sinh con và kết thúc khi cơ thể người mẹ gần như trở lại trạng thái như trước khi mang thai. Nó thường kéo dài từ 6 đến 8 tuần và khiến họ phải trải qua nhiều thay đổi, cả về cảm xúc lẫn thể chất.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng giai đoạn này cũng liên quan đến việc người mẹ và người bạn đời của mình học cách chăm sóc trẻ sơ sinh.
Aurélie Athan, nhà tâm lý học sinh sản tại Đại học Columbia, so sánh điều đó với "sự lúng túng của tuổi mới lớn". Cô nói với NPR: "Đó là một sự thay đổi toàn diện trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống của bạn".
Việc chăm sóc em bé sẽ có sự khó khăn trong năm đầu tiên, nhưng khi cha mẹ đã hiểu rõ mọi việc và trở nên tự tin hơn, họ bắt đầu nhận ra con người mình đã và vẫn luôn là như vậy.
Trao đổi với cùng một nhà xuất bản, nhà tâm lý học lâm sàng Pria Alpern gợi ý rằng thay vì coi đó là sự đánh mất bản sắc, việc làm mẹ nên được coi là một quá trình tiến hóa, một giai đoạn tiếp thêm sức mạnh cho bạn. Tuy nhiên, vợ của người đàn ông trong câu chuyện trên đã không làm như thế.
Trong một trạng thái cập nhật, người đàn ông cho biết anh và vợ đã quyết định cho con gái 3 tháng tuổi làm con nuôi của người khác vì "không phù hợp" với việc nuôi con.
Anh viết: "Tôi sẽ làm việc với luật sư trong tuần này. Tôi và vợ đã quyết định cho con làm con nuôi của người khác. Ở đây có ai làm luật sư biết rõ quy trình và thủ tục không?".
Từ chỗ được đồng cảm, quyết định này của cặp đôi đã vấp phải sự phản đối của cư dân mạng.
Nguồn: Bored Panda