Cạp nong, cạp nia 'khét tiếng' như vậy nhưng ít ai biết đến họ hàng này của chúng - vô cùng nguy hiểm!

Hoa Hướng Dương |

Loài rắn cực độc này cũng có môi trường sống phân bố ở Việt Nam.

Họ hàng cạp nong, cạp nia. Ảnh: Thành Luân

Họ hàng cạp nong, cạp nia. Ảnh: Thành Luân

Thời gian gần đây, nhiều vụ rắn cạp nia vào nhà tấn công con người và thậm chí gây chết người bởi nọc độc cực mạnh của chúng đã thu hút sự quan tâm của không ít độc giả. Tuy nhiên ít người biết rằng cạp nia có một họ hàng xa cũng phân bố ở Việt Nam mà độ nguy hiểm cũng chẳng kém gì.

Rắn cạp nong đầu đỏ - 'người họ hàng xa' ít ai biết của rắn cạp nia và cạp nong

Loài rắn đó chính là rắn cạp nia đầu vàng hay còn gọi là cạp nong đầu đỏ (Tên khoa học là Bungarus flaviceps). Tại sao có thể vừa gọi chúng là cạp nia, lại vừa có thể gọi là cạp nong, lý do thực ra rất đơn giản.

Cạp nong, cạp nia khét tiếng nguy hiểm như vậy nhưng ít ai biết đến người họ hàng cũng không kém cạnh này - Ảnh 1.

Cạp nong đầu đỏ và cạp nia, cạp nong. Ảnh: Thành Luân

Chúng ta thường nhầm lẫn trong việc phân biệt rắn cạp nong, cạp nia và xem chúng là hai loài rắn khác nhau. Thực tế cả hai đều chỉ là một loài nằm trong chi Cạp nia (Tên khoa học: Bungarus) với 18 loài và 8 phân loài trong chi này.

Nói cách khác cạp nong thực chất cũng là rắn cạp nia nhưng có khoang đen/vàng mà thôi, do đó chúng ta có thể gọi tên là rắn cạp nong đầu đỏ hay cạp nia đầu vàng đều được. Trong việc nghiên cứu, người ta chỉ quan tâm đến tên khoa học của loài rắn đó.

Độc tính của rắn cạp nong đầu đỏ ra sao?

Xét về độc tính và mức độ phổ biến thì rắn cạp nia (cạp nia Bắc và Nam) là hai loài rắn nguy hiểm nhất trong chi Cạp nia vì chúng có nọc độc mạnh cũng như thường xuất hiện ở khu vực có con người sinh sống (thậm chí chủ động chui vào nhà).

Trái lại cạp nong và cạp nong đầu đỏ rất hiếm khi xuất hiện gần khu dân cư và cực kỳ nhút nhát dù nọc độc của chúng cũng không hề kém cạnh là bao. Trong đó cạp nong đầu đỏ là loài rắn cực kỳ hiếm gặp và chủ yếu sống ở vùng rừng rậm có độ cao 400m so với mực nước biển.

Xem video:

Cạp nong đầu đỏ (Bungarus flaviceps)

Hơn nữa rắn cạp nong đầu đỏ cũng là loài rắn hoạt động về đêm như các loài rắn khác trong chi Cạp nia nên ít ai có thể nhìn thấy loài rắn này. Về ngoại hình cạp nong đầu đỏ không có khoang đen trắng hay đen vàng nên thoạt nhìn nhiều người sẽ không thấy sự liên hệ giữa chúng.

Đặc điểm nổi bật của loài rắn này là phần đầu và đuôi có màu đỏ sáng, giữa đỉnh đều có một sọc màu đen từ đỉnh đầu chạy dọc theo thân. Ở Việt Nam thì chúng mới chỉ được ghi nhận là tìm thấy ở Núi Dinh thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (theo Vncreatures).

Về độc tính, rắn cạp nong đầu đỏ có chỉ số LD50% - Liều lượng gây chết 50% (xem tại đây để hiểu thêm về chỉ số này) là 0.32 μg/g (tương đương 0.32 mg/kg), còn rắn cạp nia Nam sẽ là 0.1mg/kg, cạp nia Bắc 0.113 mg/kg, còn rắn cạp nong là 1.289 mg/kg.

Như vậy xét về độc tính thì cạp nong đầu đỏ chỉ thua cạp nia Nam, cạp nia Bắc và mạnh hơn nọc độc của rắn cạp nong rất nhiều (khoảng 4 lần). Nếu bị cạp nong đầu đỏ cắn thì nạn nhân có thể bị chết sau vài tiếng nếu không được chữa trị kịp thời (triệu chứng như bị rắn cạp nia cắn).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại