11h12:
Hội Chữ thập đỏ Indonesia cũng đã có mặt và đưa ra cảnh báo người dân nên tránh xa bờ biển bởi mực nước vẫn còn cao.
Hội chữ thập đỏ Indonesia đưa ra cảnh báo nguy hiểm
10h55:
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tới thăm khu vực bị ảnh hưởng. Đồng thời, ông kêu gọi tất cả người dân Indonesia cùng cầu nguyện để nhận lấy sự bình an, kiên nhẫn và sức mạnh.
Ảnh twitter TT Indonesia.
10h50:
Hiệp hội Y tế Indonesia đang gửi thêm bác sĩ, bao gồm cả đội ngũ bác sĩ phẫu thuật đến khu vực này vì nhiều người trong số các nạn nhân đang "rất cần phẫu thuật chỉnh hình và phẫu thuật thần kinh".
Theo AP, hiệp hội y tế cũng cho biết, hầu hết các nạn nhân là khách du lịch nội địa.
10h39 ngày 24/12:
Tính đến thời điểm 9h30 sáng 24/12, số người thiệt mạng trong đợt sóng thần ngày 23/12 đã tăng lên 281 người, với hơn 1.000 người bị thương và 11.600 người phải di dời.
Huyện Pandeglang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 207 người chết và 755 người bị thương.
Trận sóng thần xảy ra vào rạng sáng Chủ nhật sau một trận lở đất dưới biển do các vụ phun trào từ núi lửa Anak Krakatau gây ra.
Người phát ngôn của cơ quan chức năng Indonesia, kêu gọi cần xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm mới, bởi hệ thống hiện tại không thể phát hiện sóng thần do lở đất.
Ông cho biết, mạng lưới phao cảnh báo sóng thần ở Indonesia đã không hoạt động từ năm 2012.
19h32:
Theo thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia ngày 23/12, chưa có thông tin về người Việt bị ảnh hưởng bởi sóng thần nhưng sẵn sàng hỗ trợ người mắc kẹt.
Thông báo của Đại sứ quán đề nghị: "Đại sứ quán Việt Nam đề nghị người Việt tại Indonesia không di chuyển tới vùng ảnh hưởng của sóng thần ".
"Đối với những trường hợp người Việt Nam đang mắc kẹt tại khu vực này hoặc cần hỗ trợ, liên hệ ngay với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia qua đường dây nóng: (+62 21) 31907165, (62) 811161025 hoặc số hotline Bảo hộ công dân của Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam +84981848484" – Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia thông tin thêm.
Công tác khắc phục sau thảm họa ở Indonesia
19h 24:
Azki Kurniawan 16 tuổi chia sẻ với AP cho biết, khi cậu đang ở khách sạn Patra Comfort cùng với 30 sinh viên khác trong khóa đào tạo nghề thì mọi người lao vào sảnh và la hét "Nước biển đang dâng lên!".
Ảnh AP
Cậu nói, điều này khiến cậu bối rối vì cậu không nhận thấy có cơn động đất nào xảy ra nhưng vẫn chạy nhanh ra bãi đỗ xe tìm chiếc xe máy của mình. Nhưng khi đến đó, chiếc xe đã bị nhấn chìm trong biển nước.
"Bỗng nhiên một con sóng cao khoảng 1 mét đánh vào người tôi. Tôi ngã xuống và bị ném vào cạnh hàng rào của một tòa nhà cách biển khoảng 30m. Tôi cố gắng bám chặt vào hàng rào nhất có thể, nhằm chống lại lực đẩy của nước - dòng nước có thể kéo tôi ra biển bất cứ lúc nào. Tôi đã khóc trong sợ hãi... "Đây là 1 cơn sóng thần?". Tôi sợ tôi sẽ chết".
19h19:
Theo twitter của Phát ngôn viên Cơ quan đối phó thiên tai quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho, tính đến thời điểm 16 giờ chiều 23/12, số người thiệt mạng được ghi nhận là 222 người, 843 người bị thương và 28 người mất tích.
Thiệt hại vật chất: 556 ngôi nhà, 9 khách sạn, 60 quầy hàng thực phẩm và 350 tàu thuyền bị hư hại.
17h58:
Thi thể các nạn nhân của vụ sóng thần ngày 23/12. Ảnh: Reuters
AP dẫn nguồn tin từ cơ quan chức năng Indonesia cho biết, số người thiệt mạng đã tăng lên con số 222, cùng với 843 người bị thương và 28 người mất tích.
Trận sóng thần đêm qua là một trong một loạt các thảm họa tấn công Indonesia vào năm 2018.
Hồi tháng 8, hơn 100 người đã thiệt mạng trong một trận động đất xảy ra ở hòn đảo du lịch Lombok gần Bali.
Đến tháng 9, một trận động đất mạnh 7,5 độ richter tấn công vào khu vực đảo Palu, miền bắc Indonesia và tạo nên thảm họa kép động đất - sóng thần khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và khoảng 5.000 mất tích.
Một số hình ảnh mới được cập nhật, nguồn twitter:
15h03
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gửi lời chia buồn của ông tới các nạn nhân chịu ảnh hưởng của thảm họa sóng thần ở Pandeglang, Serang và Nam Lampung.
"Tôi đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan chính phủ liên quan thực hiện ngay các bước ứng phó khẩn cấp, tìm kiếm nạn nhân và hỗ trợ y tế cho những người bị thương", ông viết trên tài khoản twitter cá nhân.
Hình ảnh được TT Indonesia chia sẻ cùng lời chia buồn trên trang twitter cá nhân.
14:46
Theo số liệu cập nhật mới nhất, đã có 168 người thiệt mạng trong vụ sóng thần, 745 người bị thương và 30 người mất tích.
12h03:
Giới chức Indonesia vừa thông báo, số người thiệt mạng trong thảm hỏa sóng thần lần này đã tăng lên 62 người.
Về nhóm nhạc rock địa phương Seventeen, người đại diện cho biết, quản lý và thành viên chơi bass đã thiệt mạng và bốn thành viên khác vẫn đang mất tích khi sóng thần tấn công buổi biểu diễn bên bờ biển của họ.
Trong khi đó, AP dẫn lời Gegar Prasetya - người đồng sáng lập của Trung tâm nghiên cứu sóng thần Indonesia nhận định rằng, một vụ phun trào núi lửa có thể gây ra một vụ lở đất trên mặt đất hoặc dưới đại dương, cả hai sự cố này đều có khả năng tạo ra sóng thần và mức sóng cũng chỉ cao khoảng 1 mét.
Một số khu vực ở Indonesia tan hoang sau thảm họa. Ảnh Twitter
"Thật ra, sóng thần không thực sự lớn, chỉ cao khoảng một mét. Vấn đề là mọi người luôn có xu hướng xây dựng mọi thứ gần với bờ biển", chuyên gia Indonesia cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân khiến số người thương vong tăng cao.
10h45:
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, nước này sẵn sàng gửi viện trợ và hỗ trợ Indonesia sau thảm họa sóng thần.
Ông nói rằng thảm họa này là một cú tấn công khủng khiếp vào Indonesia, ngay sau thảm họa kép động đất và sóng thần ở Sulawesi vào tháng 9 vừa qua.
10h26:
Chính quyền Indonesia đã cảnh báo những người dân đã sơ tán khỏi khu vực bãi biển thuộc eo biển Sunda không được quay lại cho đến khi khu vực này được thông báo an toàn.
Reuters dẫn lời người đứng đầu cơ quan khí tượng Indonesia Rahmat Triyono cho biết: "Xin vui lòng không xuất hiện ở quanh những bãi biển quanh eo biển Sunda. Những người đã sơ tán, xin đừng quay lại".
Ảnh twitter
10h00:
AFP dẫn lời Muhammad Bintang, khách du lịch 15 tuổi mô tả, một dòng nước bất ngờ ập đến khiến bãi biển du lịch Carita chìm trong bóng tối.
"Chúng tôi đến đó vào lúc 9 giờ tối và đột nhiên cơn sóng tấn công, điện mất và trời tối mịt. Bên ngoài vô cùng nhốn nháo và chúng tôi không tìm thấy đường đi", cậu bé cho biết,
Ở phía bên kia eo biển Lutfi Al Rasyid cho biết ông đã bỏ chạy khỏi bãi biển ở Kalianda do lo sợ cho tính mạng.
"Tôi không thể khởi động xe máy nên tôi đã bỏ nó lại và bỏ chạy.. Tôi chỉ biết cầu nguyện và chạy càng xa càng tốt", ông nói.
9h51:
Ảnh twitter
Cơ quan Khí tượng - Địa vật lý Indonesia cho biết, núi lửa Anak Krakatoa đã phun trào khoảng 24 phút trước khi sóng thần xảy ra.
Núi lửa này cao 305m, cách bờ biển phía tây Java khoảng 80km và đã phun trào kể từ tháng 6. Vào tháng 7, các nhà chức trách đã mở rộng các khu vực cấm của nó lên đến 2km tính từ miệng núi lửa.
Giới chức Indonesia cho hay, họ đã nhầm lẫn khi không đưa ra cảnh báo sóng thần ngay từ đầu do "rất hiếm khi các vụ phun trào núi lửa gây ra sóng thần".
Hồi tháng 9 vừa qua, giới chức nước này cũng đã vấp phải sự chỉ trích lớn từ phía dư luận do rút lại cảnh báo sóng thần quá sớm, khiến người dân chủ quan và dẫn tới thảm kịch 2.000 người thiệt mạng sau thảm họa động đất sóng thần kép.
9h31: Một cảnh tưởng khủng khiếp đã xảy ra khi sóng thần tấn công vào Indonesia: chỉ trong tích tắc, một ban nhạc đang chơi trên bãi biển đã "biến mất" trước mắt người xem.
Ban nhạc "biến mất" trên bãi biển
9h24:
Cơ quan chức năng Indonesia cho biết, hiện nay, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Pandeglang, tỉnh Banten, đảo Java, bao gồm công viên quốc gia Ujung Kulon và các bãi biển nổi tiếng.
Alif, một cư dân ở quận Pandeglang chia sẻ với AP cho hay, đợt sóng thần này có độ cao lên tới khoảng khoảng 3 mét (9,84 feet).
Người dân Indo lánh nạn
Nói với đài MetroTV, ông này cho biết, nhiều người hiện vẫn đang tìm kiếm người thân mất tích.
Trận sóng thần cũng lan về phía tây đến Sumatra. Tại thành phố Bandar Lampung ở phía nam Sumatra, hàng trăm cư dân đã lánh nạn tại văn phòng thống đốc.
8h50:
Oystein Lund Andersen - một nhân chứng chia sẻ với AP rằng, anh ta nhìn thấy một cơn sóng lớn tiến về phía mình khi anh đang chụp ảnh một ngọn núi lửa vào tối thứ Bảy. Rất may sau đó, anh và gia đình đã kịp di tải lúc cơn sóng thần ập đến.
"Tôi đã chạy thật nhanh, cơn sóng đó tiếp tục tấn công vào khu vực khách sạn tôi đang ở và sau đó nó đã nhấn chìm xe cộ trên phố. Gia đình chúng tôi đã được di tản tới khu đất cao hơn và ở đó chúng tôi được người dân địa phương giúp đỡ, thật may", người đàn ông chia sẻ.
Núi lửa phun trao được cho là nguyên nhân gây ra đợt sóng thần lần này tại Indo
Ông này cũng cho hay, các nhà chức trách cho biết, nguyên nhân sự việc lần này có thể xuất phát từ một vụ phun trào núi lửa.
"Tôi hy vọng đần là trận sóng thần đầu tiên và cũng là cuối cùng mà tôi chứng kiến", Anderson viết.
8h33:
Núi lửa phun trào gây sóng thần ở indonesia
Sóng thần ở indonesia
Sóng thần tấn công Indonesia
8h12: Tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất 43 người đã thiệt mạng và 584 người khác đã bị thương, khi sóng thần tấn công các bãi biển quanh eo biển Sunda ở Indonesia vào tối thứ Bảy
Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết, đợt sóng này không phải do một trận động đất, nhưng có thể là kết quả của hoạt động núi lửa tại núi Krakatoa.
Các hiểm họa tự nhiên giống như sóng thần có khả năng gây ra bởi tình trạng lở đất dưới đáy biển do hoạt động của núi lửa tại núi lửa Krakatoa, được biết khu vực núi lửa này đã phun trào nhiều đợt trong nhiều tháng qua.
Krakatoa là ngọn núi lửa từng gây ra những vụ phun trào nguy hiểm nhất trong lịch sử: năm 1883, nó đã gây cái chết của hơn 36.000 nạn nhân.
7h45: Ít nhất 20 người chết và 165 người khác bị thương khi sóng thần đổ bộ các bãi biển Indonesia đêm 22/12.
Khu vực xảy ra sóng thần.
Người phát ngôn của Cơ quan Giảm thiểu Thiên tai Indonesia, Sutopo Purwo Nugroho số nạn nhân sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Theo ghi nhận, sau sự cố xảy ra, hàng chục tòa nhà và xe cộ đã bị ngập trong biển nước.
Hồi tháng 9 vừa qua, khoảng 832 người Indonesi đã thiệt mạng do thảm họa kép động đất – sóng thần tại thành phố Palu, đảo Sulawesi.