Cấp dưới tiết lộ Masayoshi Son đang nắm trong tay 100 tỷ USD tiền mặt, khẳng định Softbank không phải là 'cá mập' lướt sóng Nasdaq

Vân Đàm |

Cấp dưới của Masayoshi Son tiết lộ Softbank đang nắm trong tay 100 tỷ USD tiền mặt.

Một lãnh đạo tập đoàn Softbank là Rajeev Misra vừa công khai phản bác một số bài báo cho rằng công ty Nhật Bản đã mua vào một lượng lớn các cổ phiếu công nghệ thông qua giao dịch quyền chọn mua. Ông Misra khẳng định không có một nhà đầu tư đơn lẻ nào có sức ảnh hưởng như vậy trên thị trường.

"Softbank đã đặt cược nhiều tiền hơn vào chứng khoán sau khi bán 10 tỷ USD tài sản trong 6 tháng qua", ông Misra thừa nhận. Tuy nhiên, ông chế giễu những bài báo cho rằng công ty là một con "cá voi" lướt sóng trên thị trường toàn cầu.

"Không ai mua 10 tỷ USD cổ phiếu trên sàn Nasdaq trong vài tuần mà có thể tạo ra bất kỳ thay đổi nào với Nasdaq cả. Chúng tôi không phải là cá heo, chứ đừng nói là cá voi", Misra - Chủ tịch quỹ Vision fund của Softbank nói trong bài phỏng vấn với tờ Bloomberg.

Cấp dưới tiết lộ Masayoshi Son đang nắm trong tay 100 tỷ USD tiền mặt, khẳng định Softbank không phải là cá mập lướt sóng Nasdaq - Ảnh 1.

Rajeev Misra.

Tuyên bố của Milken liên quan tới một cuộc thảo luận mở rộng về thị trường vốn với những lãnh đạo hàng đầu đến từ Guggenheim Partners và ngân hàng New York Mellon. Những người tham gia cuộc hội thảo tập trung vào những thách thức của việc triển khai vốn theo những cách có lợi, với lãi suất thấp và định giá thị trường đại chúng cao.

Softbank đã ghi nhận lượng bán tài sản kỷ lục trong năm nay sau khi cổ phiếu giảm mạnh vào tháng 3 do những bước đi sai lầm trong định hướng đầu tư của quỹ Vision Fund và lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh. Nhà sáng lập Masayoshi Son đã bán một lượng cổ phần của ông tại Alibaba Group, T-Mobile và cả Softbank.

Misra nói rằng sau khi Softbank hoàn thành việc bán nhà thiết kế chip Arm cho Nvidia, công ty có khoảng 100 tỷ USD tiền mặt.

"Chúng tôi bỏ ra vài tỷ USD để mua các cổ phiếu khác nhằm đa dạng hoá danh mục đầu tư sau khi bán bớt số cổ phần ở Alibaba trong 6 tháng qua. Tuy nhiên, công ty vẫn đang nắm trong tay khối tiền mặt khổng lồ. Đây là chiến lược quản lý tính thanh khoản, chiến lược đa dạng hoá đầu tư".

Ông nói rằng ý tưởng Softbank có thể làm nhiễu loạn chỉ số Nasdaq hay giá trị của những công ty 1 nghìn tỷ USD cho thấy mọi người đang hiểu nhầm về hoạt động của thị trường.

"Giao dịch tương lai trên sàn Nasdaq đạt 120 tỷ USD một ngày. Việc mua 1 hay 2 tỷ thậm chí là 5 tỷ USD không tạo ra nhiều tác động. Toàn thể thị trường không thể bị ảnh hưởng bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ hay bởi Softbank hoặc bất kỳ ai khác. Về cơ bản kích thước của thị trường quá lớn".

Tuần trước, cổ phiếu tập đoàn Softbank vừa leo lên mức cao kỷ lục trong vòng 2 thập kỷ. Kết quả này có được sau khi có dấu hiệu cho thấy nhà sáng lập Masayoshi Son đang phục thù sau 1 năm đầy sóng gió đánh dấu bởi những thua lỗ sau khi đầu tư vào WeWork và ảnh hưởng của virus corona.

Ngày 8/10, cổ phiếu Softbank đã ghi nhận đà tăng ngày thứ 8 liên tiếp để đạt mức 6.955 yên/1 cổ phiếu – mức cao nhất kể từ tháng 3/2000.

Cổ phiếu này đã đạt mức 6.900 yên/1 cổ phiếu vào tháng 8 trước khi một vài thông tin tiết lộ rằng Son đã bắt đầu giao dịch quyền chọn mua cổ phiếu một số hãng công nghệ lớn - hành động được cho là rủi ro cao khiến các nhà đầu tư đều lo ngại.

Sau khi giá cổ phiếu SoftBank lao dốc hồi tháng 3, Son thông báo kế hoạch bán tài sản "khủng" với quy mô lên tới 4.500 tỷ yên, đồng thời sẽ chi 2.500 tỷ yên mua cổ phiếu quỹ. Ngoài ra ông còn bán công ty thiết kế chip Arm cho Nvidia, thu về 40 tỷ USD (dù thương vụ này sớm nhất cũng phải đến sang năm mới hoàn tất).

Son kể từ đó đã đồng ý bán thêm nhiều tài sản, và tiết lộ rằng sẽ sử dụng số tiền đó cho những thỏa thuận lớn hoặc kế hoạch dài hạn là đưa Softbank thành công ty tư nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại