Tham vấn nhầm người
Một câu chuyện được kể lại, đó là khi Tổng thống Donald Trump băn khoăn không biết đồng đô-la đang mạnh hay yếu, ông đã gọi điện để hỏi cấp dưới. Thế nhưng người được hỏi lại không phải là những lãnh đạo ngành kinh tế mà ông đã đề cử vào chính quyền của mình, hay thậm chí là một người bạn doanh nhân trong ngành bất động sản.
Người được Trump gọi điện để hỏi về giá trị của đồng đô-la chính là cố vấn an ninh quốc gia – tướng về hưu Michael Flynn, hai nguồn tin thân cận của ông Flynn cho Huffington Post biết.
Vị tướng nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phản gián đã trả lời Trump rằng ông không biết câu trả lời về giá trị đồng đô-la vì đó không phải chuyên môn của ông, có lẽ Trump nên hỏi một nhà kinh tế học thì hơn.
Trump không tức giận với câu trả lời đó của Flynn, có lẽ vì Tổng thống cũng hiểu là ông đang gọi cho Flynn vào lúc 3h sáng.
Thông tin này được một nhân viên tiết lộ rằng Flynn đã kể lại, tuy sau đó cả Nhà Trắng và văn phòng của Flynn đều không đưa ra bình luận nào khi được hỏi về cuộc gọi lúc 3h sáng của Tổng thống.
Từ trước tới nay, những thông tin rò rỉ từ Nhà Trắng như thế này chỉ có hai loại: Hoặc là các nhân viên cố tình chơi xấu nhau để củng cố địa vị bản thân, hoặc là vì các nhân viên muốn ngăn cản những chính sách mà họ cảm thấy thực sự có vấn đề.
Đến thời Trump, những thông tin rò rỉ này đã có thêm một loại thứ ba, đó là để thể hiện sự băn khoăn của các nhân viên Nhà Trắng khi họ cảm thấy cách làm việc của Tổng thống có phần đáng "báo động".
"Tôi đã ở đây [Washington] trong 26 năm và chưa bao giờ chứng kiến điều gì giống như thế này", cố vấn an ninh kiêm quan chức ngoại giao Eliot Cohen dưới thời tổng thống George W. Bush phát biểu.
Một nguồn tin giấu tên khác từ Nhà Trắng cũng tiết lộ cho Huffington rằng Tổng thống Trump còn có vấn đề với các báo cáo.
Vị tổng tư lệnh của nước Mỹ không thích các báo cáo dài. Các báo cáo gửi Tổng thống đọc tốt nhất là không nên quá 1 trang giấy, phải có các gạch đâu dòng nhưng không được quá 9 gạch đầu dòng mỗi trang.
Tổng thống Trump không thích các báo cáo dài quá 1 trang giấy. Ảnh: Getty
Về tâm trạng, Tổng thống Trump có thể cực kỳ vui hoặc vô cùng tức giận chỉ vì những chi tiết nhỏ. Trump từng trả lời báo New York Times là ông rất thích những chiếc điện thoại trong Nhà Trắng. Sau đó ông cũng từng phàn nàn vì những cái khăn lau tay trên chuyên cơ Không lực Một không đủ mềm mại.
Đặc biệt, Tổng thống Donald Trump rất quan tâm đến sự thể hiện của các nhân viên Nhà Trắng trên truyền hình. Nếu những tổng thống tiền nhiệm hầu như không bao giờ xem thư ký báo chí của mình xuất hiện trên TV như thế nào, thì đây là việc Trump làm hàng ngày.
Serie hài kịch "Saturday Night Lives" trên truyền hình – có nội dung châm biếm chính quyền Trump – là chương trình tổng thống "phải xem". Và phản ứng khi xem xong các chương trình này của Trump thường là buồn rầu hoặc "giận dữ".
Còn quá sớm để nghi ngờ năng lực của Tổng thống?
Elizabeth Rosenberg, chuyên gia chống khủng bố tại Bộ Tài chính dưới thời ông Obama, cho rằng nhiều nhân viên trong các cơ quan an ninh quốc gia của chính quyền Trump đã nhìn thấy điều gì đang diễn ra, họ nghi ngờ và có động lực thấy cần phải chia sẻ những thông tin đó.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng việc nhân viên đưa ra các thông tin không tích cực về Tổng thống như vậy là bình thường đối với một chính quyền mới.
Ron Kaufman, từng làm việc trong chính quyền của ông George H.W. Bush trong những năm cuối thập niên 1980, đầu 1990 cho rằng: "Luôn luôn có sự rò rỉ thông tin. Mọi tổng thống trong lịch sử đều từng nói truyền thông ghét mình và có quá nhiều tin tức bị tiết lộ".
Randy Evans, một thành viên Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa cho rằng ông không thấy nhiều ý nghĩa việc các nhân viên nghi ngờ sự phù hợp của Trump cho công việc làm tổng thống.
"Dù sao, cũng chưa đến lúc [nghi ngờ năng lực của Tổng thống]. Chúng ta mới ở giai đoạn rất sớm của một quá trình. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang nhìn thấy quá nhiều ganh đua chính trị và quá nhiều người tự coi mình là quan trọng", ông Evans nói.
Ông Evans cho rằng Nhà Trắng nên xem những tin tức rò rỉ gây hại là việc nghiêm trọng nếu họ muốn kiểm soát được các thông điệp mà mình đưa ra, như chính quyền đã từng phải làm hai mươi năm trước đây. Lúc đó, Nhà Trắng đã cố tình "gài bẫy" thông tin nhiều nhân viên, và theo dõi xem tin tức gì lọt ra truyền thông.