Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam, trong thời gian tuyến cáp quang biển AAG bị sự cố, nếu không có kế hoạch dự phòng thì lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam như VNPT, FPT, Viettel… đang hoạt động trên tuyến Internet quốc tế từ Việt Nam đi Hồng Kông, Mỹ đều bị ảnh hưởng.
Theo ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty Netnam, thời gian tối thiểu trung bình để khắc phục sự cố đứt cáp là khoảng 10 ngày. Như vậy, tối thiểu đến ngày 13/8, việc truy cập Internet Việt Nam mới diễn ra bình thường.
Đối với NetNam và CMC Telecom, đại diện 2 doanh nghiệp này, do tuyến cáp AAG kể từ khi đi vào hoạt động rất hay bị gián đoạn để sửa chữa do dự cố hoặc bảo trì nên các nhà mạng đã có động thái nhằm giảm sự phụ thuộc vào tuyến cáp AAG. Vì thế, sự cố đứt cáp lần này ít ảnh hưởng đến thuê bao của 2 nhà mạng này.
AAG là hệ thống cáp quang biển có chiều dài 20.000 km, dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ.
Tuyến cáp quang biển này được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Mỹ (Guam, Hawaii và California).
Có 4 nhà mạng Việt Nam tham gia đầu tư vào dự án này là Viettel, VNPT, FPT Telecom và SPT. Kể từ khi được khai trương và đưa vào hoạt động năm 2009, tuyến cáp quang biển AAG đã nhiều lần gặp sự cố khiến việc truy cập Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị chập chờn, thậm chí có thời điểm rất khó để tiến hành giao dịch.