Bản "hạch tội" cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc xuất hiện cụm từ cực hiếm: Bị thế lực thù địch lôi kéo?

Hữu Hiển |

Một cụm từ hiếm gặp được các chuyên gia cho là chỉ dùng trong trường hợp có kẻ phản bội đã xuất hiện trong thông cáo xử lý cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.

- Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quyết định khai trừ Ngụy Phượng Hòa khỏi đảng và chấm dứt tư cách Đại biểu Quốc hội của ông này.

- Trong số các tướng lĩnh hàng đầu đã "ngã ngựa" trong cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc, Ngụy Phượng Hòa là người duy nhất bị mô tả là "mất lòng trung thành".

- Theo các nhà quan sát, ngôn từ "hạch tội" hiếm gặp và gay gắt như vậy cho thấy "tội lỗi của Ngụy Phượng Hòa có lẽ vượt xa việc nhận hối lộ".

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã "ngã ngựa" Ngụy Phượng Hòa có thể đã bị một thế lực thù địch lôi kéo như cụm từ đặc biệt trong thông cáo xử lý chính thức ám chỉ.

Trong một động thái chưa từng có, vào ngày 27/6, Ngụy Phượng Hòa cùng với người kế nhiệm là Lý Thượng Phúc đã chính thức bị Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương (BCHTƯ) ĐCSTQ ra quyết định khai trừ khỏi đảng và có thể phải đối mặt với hành động pháp lý tiếp theo.

Bản "hạch tội" cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc xuất hiện cụm từ cực hiếm: Bị thế lực thù địch lôi kéo?- Ảnh 1.

Hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (trái) và Ngụy Phượng Hòa (phải). Ảnh: Reuters

Người duy nhất bị gán cụm từ 'mất lòng trung thành' trong 1 thập kỷ

Tân Hoa Xã đưa tin, vào ngày 27/6, cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc đã xem xét và thông qua "Báo cáo kết quả xem xét và xử lý ý kiến về vấn đề Ngụy Phượng Hòa" của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, quyết định khai trừ Ngụy Phượng Hòa khỏi ĐCSTQ và chấm dứt tư cách Đại biểu Quốc hội của ông này.

"Ngụy Phượng Hòa đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị, không thực hiện trách nhiệm chính trị trong việc điều hành công tác đảng một cách toàn diện và nghiêm minh, chống đối việc điều tra của tổ chức; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tổ chức và bổ nhiệm nhân sự trái quy định; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật liêm chính, nhận quà và tiền trái pháp luật; lợi dụng chức vụ để trục lợi cho người khác và nhận số tiền khổng lồ, nghi ngờ nhận hối lộ. Trong quá trình thẩm tra, điều tra còn phát hiện manh mối về những hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng khác của Ngụy Phượng Hòa."

"Với tư cách là cán bộ lãnh đạo cấp cao của đảng và quân đội [Trung Quốc], Ngụy Phượng Hòa đã đánh mất niềm tin, mất lòng trung thành; hành vi của Ngụy không xứng đáng với sự tín nhiệm, ủy thác của Trung ương Đảng [ĐCSTQ] và Quân ủy Trung ương [Trung Quốc], làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường chính trị của quân đội, gây thiệt hại to lớn cho sự nghiệp của đảng [ĐCSTQ], công cuộc xây dựng quân đội quốc phòng và hình ảnh cán bộ lãnh đạo cấp cao, tính chất sự việc cực kỳ nghiêm trọng, gây ảnh hưởng cực kỳ xấu và đặc biệt nguy hại", thông cáo của Tân Hoa Xã về kết luận của Bộ Chính trị Trung Quốc nêu.

Theo SCMP, trong khi Bắc Kinh chưa tiết lộ chi tiết về hành vi phạm tội của Ngụy Phượng Hòa, một cụm từ cụ thể trong thông cáo xử lý ông ta đã thu hút sự chú ý của các nhà quan sát Trung Quốc.

Trong số tất cả các tướng lĩnh hàng đầu đã "ngã ngựa" trong cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc, Ngụy Phượng Hòa là người duy nhất bị mô tả là "mất lòng trung thành" (忠诚失节, âm Hán Việt là: trung thành thất tiết).

Những nhà quan sát Trung Quốc quen thuộc với lịch sử của ĐCSTQ lưu ý rằng, Trung Quốc đã sử dụng cụm từ này như một uyển ngữ (nói giảm nói tránh) để ám chỉ hành động phản bội đảng và bị một thế lực thù địch lôi kéo.

Theo SCMP, việc tìm kiếm các thông cáo do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) - cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc - và các ban ngành quân sự phối hợp với CCDI công bố cho thấy rằng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa là người duy nhất bị gán cụm từ kể trên trong một thập kỷ qua.

Một nhà khoa học chính trị từ Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho biết, từ "thất tiết" có liên quan nổi bật nhất với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Hướng Trung Phát (1880-1931) hay Cố Thuận Chương (1904-1935) - người đã phản bội để theo Quốc dân đảng, đối thủ của ĐCSTQ trong cuộc nội chiến Trung Quốc (1927-1949).

"Hãy hỏi bất kỳ sử gia nào của đảng [ĐCSTQ], những cái tên hiện lên trong đầu họ khi bạn nhắc đến 'thất tiết' là gì, họ sẽ kể cho bạn câu chuyện về Hướng Trung Phát - người bị coi là nỗi ô nhục lớn", nhà nghiên cứu giấu tên nói.

Theo SCMP, Hướng Trung Phát là Tổng Bí thư thứ 3 của ĐCSTQ và là người đứng đầu đảng duy nhất phản bội trong lịch sử của ĐCSTQ. Ông ta đã tiết lộ tất cả những gì mình biết về ĐCSTQ và các cơ quan bí mật của tổ chức này cho Quốc dân đảng khi bị bắt giữ vào tháng 6/1931, chỉ vài ngày trước khi bị hành quyết. Điều này tạo cơ hội cho Quốc dân đảng triệt hạ mạng lưới ngầm của ĐCSTQ ở Thượng Hải.

Cố Thuận Chương - người từng đứng đầu mạng lưới điệp viên của ĐCSTQ - cũng đã đổi phe theo Quốc dân đảng sau khi bị bắt. Sự phản bội của ông ta đã dẫn đến việc bắt giữ nhiều lãnh đạo của ĐCSTQ và thậm chí cả Chu Ân Lai - người sau này trở thành Thủ tướng Trung Quốc - cũng chỉ trốn thoát trong gang tấc. Vì vậy, Cố thường bị gọi là "kẻ phản bội nguy hiểm nhất trong lịch sử ĐCSTQ" và thường được mô tả như một ví dụ về "thất tiết" trong chính sử hoặc các báo cáo truyền thông của Trung Quốc.

'Tội lỗi có lẽ vượt xa việc nhận hối lộ'

Nhà bình luận quân sự Hồng Kông Liang Guoliang nhận định, ngôn từ "hạch tội" hiếm gặp và gay gắt như vậy cho thấy "tội lỗi của Ngụy [Phượng Hòa] có lẽ vượt xa việc nhận hối lộ".

Liang cũng đối chiếu việc này với thông cáo của Tân Hoa Xã về các sai phạm của ông Lý Thượng Phúc. Mặc dù có giọng điệu nghiêm khắc không kém nhưng chỉ nói rằng Lý đã "từ bỏ sứ mệnh ban đầu và đánh mất các nguyên tắc đảng" – một cụm từ chuyên dùng để chỉ trích những kẻ đưa hoặc nhận hối lộ.

"Chính xác thì chuyện gì đã xảy ra chắc chắn là bí mật hàng đầu và chúng ta sẽ không biết chuyện gì thực sự đã xảy ra. Nhưng thuật ngữ 'thất tiết' dường như ám chỉ rằng hành vi của Ngụy có thể đã cho phép đối thủ của Trung Quốc thu được gì đó từ nó", Liang nói.

Bản "hạch tội" cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc xuất hiện cụm từ cực hiếm: Bị thế lực thù địch lôi kéo?- Ảnh 3.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao quân kỳ cho Thượng tướng Ngụy Phương Hòa - Tư lệnh Quân chủng Tên lửa - vào năm 2015. Ảnh: AP

Theo SCMP, Ngụy Phượng Hòa là sĩ quan đầu tiên được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phong quân hàm cấp tướng, chỉ 10 ngày sau ông Tập khi trở thành người đứng đầu đảng và quân đội Trung Quốc vào tháng 11/2012.

3 năm sau, Ngụy Phượng Hòa trở thành Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Tên lửa khi lực lượng này tái cơ cấu vào cuối năm 2015, và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2018 sau khi ông Tập bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch Trung Quốc thứ hai.

Chu Diên Ninh và Lý Ngọc Siêu - hai người kế nhiệm Ngụy Phượng Hòa ở chức vụ Tư lệnh Quân chủng Tên lửa - đều bị cách chức vào năm ngoái.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại