Cao tốc 85.813 tỷ nối Hà Nội với 2 tỉnh: Tương lai mức phí cao nhất 815.000 đồng cho 113 km?

T.Hà |

UBND TP Hà Nội vừa đề xuất mức thu phí sử dụng đường Vành đai 4 vùng Thủ Đô, trong đó xe dưới 12 chỗ có mức phí từ 1.900 đồng/km.

Cơ chế thu phí của tuyến đường Vành đai 4

UBND TP Hà Nội vừa đề nghị Bộ GTVT và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên thống nhất mức giá và lộ trình tăng phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc cho Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, Hà Nội đề xuất thu phí sử dụng theo các nhóm xe. Trong đó thấp nhất là nhóm 1 gồm xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn có mức phí thấp nhất mỗi km là 1.900 đồng. Cao nhất là nhóm 5 gồm xe tải từ 18 tấn trở lên, container 40 ft có mức phí 7.220 đồng. 

Như vậy, mức phí thấp nhất với xe dưới 12 chỗ, lưu thông trên toàn bộ Vành đai 4 dài 113 km, mức phí dự kiến khoảng 214.000 đồng, xe nhóm 5 khoảng 815.000 đồng. 

Cao tốc 85.813 tỷ nối Hà Nội với 2 tỉnh: Tương lai mức phí cao nhất 815.000 đồng cho 113 km? - Ảnh 1.

Mức giá và lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng cao tốc Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: UBND TP Hà Nội

Mức phí các loại phương tiện được tăng 3 năm một lần cho đến thời điểm dự án hoàn vốn. Đến năm 2054, khi gần kết thúc hoàn vốn, mức phí mỗi km cao tốc lên tới 5.400 đồng với xe nhóm 1 và 20.520 đồng với xe nhóm 5.

Mức giá trên đã có tham chiếu các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông theo hình thức BOT giai đoạn 2017-2020 và các quy định hiện hành. Việc thống nhất mức giá và lộ trình tăng phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc cho Dự án thành phần 3 là cơ sở để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án này, trong đó có phương án tài chính, hoàn vốn cho công trình.

Nền móng cho một Vùng Thủ đô phát triển mạnh mẽ

Dự án đường vành đai 4 chính thức được khởi công vào tháng 6/2023. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 85.813 tỷ đồng. Quốc hội yêu cầu chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Quốc hội cũng cho phép được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt cho dự án này.

Dự án gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, chia thành 3 nhóm với 7 dự án thành phần. 

Vành đai 4 đoạn đi qua Hà Nội là 56,5km, Hưng Yên là 20,3km, Bắc Ninh là 21,2km. Điểm đầu tại km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Cao tốc 85.813 tỷ nối Hà Nội với 2 tỉnh: Tương lai mức phí cao nhất 815.000 đồng cho 113 km? - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quy mô tuyến đường hoàn chỉnh dự kiến gồm 6 làn xe cao tốc, tốc độ tối đa 100km/h và hệ thống đường song hành hai bên cùng các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai.

Phát biểu tại Lễ khởi công dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng sẽ phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới.

Theo các chuyên gia, việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, phân bổ áp lực đô thị cho Hà Nội, góp phần hình thành nên chuỗi đô thị mới rất tiềm năng.

Các đô thị vệ tinh tại huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức cũng như nhiều khu đô thị, công nghiệp dọc tuyến trên địa phận tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh... sẽ phát triển rất nhanh khi dự án Vành đai 4 được triển khai; đồng thời giải quyết hàng loạt điểm ùn tắc giao thông như cửa ngõ phía Nam, cầu Thanh Trì, Quốc lộ 2, Quốc lộ 5… 

Đáng chú ý, sân bay Nội Bài - cửa ngõ hàng không quốc tế của cả Vùng Thủ đô sẽ được kết nối trực tiếp đến các tỉnh, thành lân cận, giảm thiểu chi phí logistics cho doanh nghiệp vận tải, giảm áp lực giao thông cho các cửa ngõ Hà Nội, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của TP Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong Vùng Thủ đô và cả nước nói chung.

Chia sẻ với báo Kinh tế Đô thị, GS-TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết: "Đường Vành đai 4 có thể coi là "Vành đai kết nối mọi vành đai", tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô. Bởi nó sẽ tạo nên không gian phát triển mới cho Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Thủ đô, đặc biệt còn được gọi là "lối thoát" cho ùn tắc giao thông của Hà Nội".

Cao tốc 85.813 tỷ nối Hà Nội với 2 tỉnh: Tương lai mức phí cao nhất 815.000 đồng cho 113 km? - Ảnh 3.

Ảnh: Tuệ Nhật - T.H

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại