Cao thủ Việt khiến Trung Quốc phải e dè

Lê Sơn |

Đánh đổi tuổi trẻ, những hạnh phúc riêng tư và cả tương lai bấp bênh, võ sĩ này mang về cho Việt Nam rất rất nhiều, đặc biệt là sự e sợ của Trung Quốc.

Bị ngăn cản, kỳ thị

Vốn gắn bó cùng nghề nông, quanh năm đầu tắt mặt tối với khoảng hơn mẫu ruộng, bố mẹ Lụa khi xưa chỉ mong cô bé chăm chỉ học hành, sau này đỗ đạt để lo cuộc sống bằng cái chữ, khỏi phải chân lấm tay bùn.

Ấy vậy mà chẳng hiểu vì “duyên phận” hay là gì, Lụa lại quyết tâm đi theo con đường vật kể từ ngày còn học lớp 6, khi cô giấu bố mẹ ứng tuyển vào lớp năng khiếu của tỉnh và phải hết một học kỳ, gia đình mới hay biết sau một lần họp phụ huynh.

Lụa kể, hồi đó bố vì thích vật nên không ngăn cản, nhưng mẹ và bà nội thì hoàn toàn khác.

“Em là lứa nữ đầu tiên. Mẹ nhìn thấy các anh ở những lứa trước trong làng, đứa thì học hành dở dang, đứa thì chơi bời, lêu lổng. Mẹ bảo thôi ở nhà đi học, con gái con nứa, ai đi vật làm gì”.

Nhưng rồi trước quyết tâm sắt đá của cô con gái, người mẹ cũng đành bất lực. Cuối cùng, mẹ chỉ bảo với Lụa: “Thôi con đi thì nhìn mọi người đấy. Đã xách ba lô đi rồi thì đừng bao giờ quay về với con số 0”.

Những lời nói của mẹ bỗng chợt làm Lụa nghẹn ngào, nhưng rồi chính những lời đó đã tiếp thêm cho cô sức mạnh để quyết tâm theo đuổi tới cùng, để một ngày nào đó, Lụa sẽ khiến mọi người trong gia đình phải tự hào.


Nguyễn Thị Lụa tại ASIAD Quảng Châu 2010.

Nguyễn Thị Lụa tại ASIAD Quảng Châu 2010.

Ban đầu lớp vật của Lụa có tới 90 em, nhưng vì điều kiện tập luyện vất vả nên cứ rụng dần, rụng dần.

Thậm chí nếu như ở những môn khác, các VĐV chưa có thành tích muốn tập luyện đều phải đóng tiền thì môn vật, dù đi tập được tiền cũng chẳng mấy người theo.

Suốt những tháng ngày sau đó, cứ mỗi lần về làng, Lụa lại nghe mọi người xì xào: “Con gái con đứa cũng đòi đi vật”.

Lắm lúc nghe các bà trong làng bĩu môi: “Con trai người ta đi vật đã đành, đằng này con gái cũng đi vật, không biết ngại à? Con gái đi vật sau này chỉ có ế, ai người ta dám lấy…”.

Nhiều lúc cũng bực dọc và tủi thân, nhưng với ý chí sắt đá, Lụa bỏ ngoài tai tất cả để trụ lại…

Thậm chí, đã bao lần gặp phải chấn thương rất đau đớn nhưng Lụa chẳng bao giờ kể với gia đình một câu vì sợ mẹ phiền lòng. Chỉ thi thoảng thấy con gái về với đôi chân tập tễnh, bố mẹ mới hay biết Lụa bị đau.

“Cô gái vàng” chưa từng biết đánh phấn tô son

Theo lời kể của Lụa thì điều khiến những VĐV nữ theo môn vật cảm thấy thiệt thòi và tự ti nhất chính là việc họ chẳng bao giờ được làm đẹp, được điệu đà giống như bao người con gái khác.

“Bọn em gần như chẳng bao giờ biết đến trang điểm. Ở trên tuyển thì suốt ngày chưng bộ đồ thể thao. Thi thoảng tranh thủ về nhà được chốc lát rồi lại lên tuyển, lại cắm đầu xuống thảm, muốn diện cũng chẳng biết diện với ai”.

Lụa bảo, hầu hết các VĐV vật nữ đều phải để tóc ngắn bởi đơn giản nếu để tóc dài thì ko thể tập nổi vì nóng và vướng víu.

Thi thoảng tranh thủ ngày được nghỉ, Lụa lại về phụ giúp bố mẹ những công việc đồng áng (ảnh: NVCC).
Thi thoảng tranh thủ ngày được nghỉ, Lụa lại về phụ giúp bố mẹ những công việc đồng áng (ảnh: NVCC).

Đặc thù của môn vật là khối lượng tập luyện rất lớn, suốt chỉ ngày chỉ lăn lê bò toài, mồ hôi thì như tắm ở bể bơi, có nhiều bài tập chỉ có 20-30 giây không lẽ đứng buộc tóc thì làm gì còn thời gian mà theo nổi giáo trình.

“Với các VĐV điền kinh hay nhiều môn đối kháng như võ thuật, dù ít nhưng dẫu sao các bạn vẫn còn có thời gian để làm đẹp.

Chứ như tụi em, chẳng đứa nào biết tới đánh phấn, làm tóc, sơn móng tay… bao giờ. Vậy nên nhiều đứa đã bỏ môn vật cũng là vì thế.

Là con gái, ai cũng muốn mình nữ tính và đẹp trong mắt mọi người. Nhưng điều kiện không cho phép thì tụi em cũng đành phải hy sinh thôi.

Nhiều lúc thấy mọi người bảo tụi em đứa nào đứa đấy hệt như con trai, bọn em cũng tủi thân chứ, nhưng biết làm sao được”.

“Mấy đứa tụi em trên đội cũng thích đi mua sắm quần áo, thi thoảng có thời gian cũng rủ nhau đi mua xong rồi lại cất ở phòng, chẳng có thời gian mặc.

Thi thoảng, mấy chị em hay đùa với nhau rằng chắc sắm quần áo đẹp về chỉ để chụp ảnh trong phòng” - Lụa tâm sự.

Có lẽ cũng vì eo hẹp thời gian, lại cộng thêm sự mặc cảm của bản thân nên đến giờ, dù đã bước sang tuổi 25 nhưng Lụa vẫn chưa từng có một mảnh tình vắt vai.

Những bài tập “cực hình” khiến con trai cũng… phát hoảng

Lụa kể, những bài tập của cô còn “kinh khủng” hơn hẳn so với những bạn bè mà cô quen ở các đội tuyển như Judo, điền kinh…

Những đợt cao điểm, ngày nào Lụa cũng phải trải qua lịch tập 3 ca, sáng sớm dậy tập ca đầu tiên từ 5 rưỡi vào mùa Hè, 6h từ mùa Đông, 2 ca còn lại vào tập đến gần trưa và buổi chiều.

Lần “cực hình” nhất với cô chính là đợt tập huấn tại Trung Quốc để chuẩn bị cho đợt thi đấu Olympic năm 2012, suốt mấy tháng ròng. Hồi đó đến đội tuyển nam của Trung Quốc nhìn thấy Lụa tập cũng phải lắc đầu ngao ngán.

Một “cực hình” như cơm bữa không thể tránh khỏi đó là việc ép cân trước khi tham dự các giải đấu. Thông thường, Lụa phải ép khoảng 6-7kg trong thời gian từ 7-10 ngày, một thử thách không dễ đạt được ngay cả với những VĐV nam.

Ông Nguyễn Văn Phẩm, bố của Lụa rất tự hào về con gái.
Ông Nguyễn Văn Phẩm, bố của Lụa rất tự hào về con gái.

Lụa bảo, môn vật muốn giỏi cần hội tụ đủ 4 yếu tố “khéo, sức mạnh, dẻo, nhanh” và chỉ cần mất một yếu tố là ảnh hưởng rất lớn đến phong độ thi đấu.

Vì thế trong giáo án, em bắt buộc phải trải qua rất nhiều bài tập khác nhau từ tập tạ, đu xà, chơi bóng, ép dẻo, chạy bền, chạy tốc độ…

Khối lượng tập quá nặng nên Lụa cũng là người bị chấn thương nhiều nhất trong ĐT vật Việt Nam. Ngoài đứt dây chằng, rách bao ổ khớp ở gối, vai… thì thì ngay đến hàm răng của Lụa cũng chẳng còn nguyên vẹn bởi cô từng bị gãy và phải thay răng tới 5 lần.

Có những lúc tập quá mệt, Lụa cũng mong … được ốm để có thời gian nghỉ ngơi. Thi thoảng chấn thương dây chằng gối lại đau, đôi chân Lụa như muốn bại đi, nhưng rồi cô vẫn gắng gượng đứng dậy, tiếp tục tập luyện vì nghĩ tới câu nói của mẹ ngày nào.

Trong suốt gần chục năm qua, vật nữ Việt Nam chỉ duy nhất có Lụa vẫn duy trì được phong độ và còn thi đấu đỉnh cao, bởi rất nhiều VĐV vào nghề cùng thời điểm với cô đều đã phải giải nghệ chỉ sau 2-3 năm vì không thể “chịu nổi nhiệt”.

Ông Nguyễn Văn Phẩm, bố của đô vật Nguyễn Thị Lụa tâm sự: “trước kia, mặc dù thích vật nhưng chú cũng chẳng muốn cho Lụa theo nghề này.

Nhưng vì con bé cương quyết quá nên đành chịu, chắc cũng do cái duyên cái số”.

Tính đến nay, dù mang về nhiều tấm huy chương quý giá cho đoàn TTVN và đã tốt nghiệp trường Đại học TDTT (Bắc Ninh) từ năm ngoái nhưng Lụa vẫn chưa có một suất chính thức vào biên chế của thành phố Hà Nội.

Lụa tâm sự: “Dự định của em sau này vẫn mong muốn được trở thành một HLV. Thực ra nếu em mà về các tỉnh thì đã được biên chế từ lâu rồi vì ở đó chỉ cần đạt HCB SEA Games là được.

Nhưng ở Hà Nội thì em vẫn phải chờ đợi thêm một thời gian nữa”.

Hiện tại, dù đã trở thành niềm tự hào rất lớn của cả gia đình, nhưng thi thoảng ghé về thăm nhà, bà nội của Lụa nay đã sắp đến tuổi cửu tuần lại hỏi câu quen thuộc: “Thế cứ định đi vật mãi à? Không chịu chồng con gì à?...”

Còn mẹ Lụa thì nói đùa: “Nhìn chúng bạn đấy, chúng nó nghỉ vật và cũng có gia đình, con cái, có tài sản hết rồi. Chỉ còn mỗi mày là chưa có cái gì…”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại