Cao thủ có đòn cùi chỏ “quỷ khóc thần sầu”, khiến trùm giang hồ Sài Gòn phải kính nể

Tiểu Mã (ghi) |

Mười lần như một, hễ Chà Và Hương quay lưng giật chỏ thì y như rằng đối thủ phải đo ván. Nhiều võ sĩ đều biết điều ấy nhưng lúc thượng đài vẫn không bao giờ tránh nổi.

Nếu trong thập niên 1930-1940, làng võ miền Nam nổi lên Sáu Nhỏ (hay Sáu Cường) với cặp chân mạnh như sấm sét thì sang thập niên 1960-1970 lại xuất hiện Chà Và Hương (Phi Hoàng) với đòn chỏ "quỷ khóc thần sầu". Chính vì thế, người ta mới có câu "Cặp chân Sáu Nhỏ, cặp chỏ Chà Và Hương" để ca ngợi tuyệt kỹ của hai nhân vật này.

Khi còn tung hoành trên khắp các võ đài ở miền Nam, Chà Và Hương gần như bất khả chiến bại nhờ vào cặp chỏ danh bất hư truyền của mình. Tuyệt kỹ của ông thật sự khiến võ lâm phải dành sự thán phục.

Đứa trẻ đánh giày và chặng đường trở thành cao thủ

Võ sư Chà Và Hương tên thật là Ngô Văn Hương, sinh năm 1940, tại An Giang, lớn lên ở Hóc Môn, TP.HCM. Chà Và Hương là con thứ 5 trong gia đình có 8 anh em. Ông là con lai gốc Ấn Độ (thường gọi Chà Và) nên người ta thường gọi ông là Chà Và Hương.

Thuở nhỏ, Hương thường bán bánh ít giúp mẹ, rồi đánh giày và sau đó là bỏ nhà đi bụi. Năm 14 tuổi, Hương đánh giày cho Sáu "cà" cụt một cánh tay, bảo kê quán bar và sống nhờ vào vợ chồng anh này. Hương quay lại nghề đánh giày ở Tân Định, làm quen với Cà Na (võ sĩ nổi tiếng ở miền Nam, cùng thời với Chà Và Hương) cũng là một thợ đánh giày khu Đa Kao.

Cao thủ có đòn cùi chỏ “quỷ khóc thần sầu”, khiến trùm giang hồ Sài Gòn phải kính nể - Ảnh 1.

Võ sĩ Chà Và Hương (Phi Hoàng) khi còn trẻ (ảnh do võ sư Hồ Tường cung cấp).

Một lần, Hương và Cà Na đi Trảng Bàng (Tây Ninh) đấu võ đài, bởi Hương nghĩ rằng đấu đài giống như đánh lộn nhưng lại được trả tiền. Lúc đó Hương chỉ mới 14 tuổi, nặng 37kg. Kỳ đó, Hương hoà với một nam võ sĩ của làng võ Tân Khánh. Còn Cà Na thắng võ sĩ Văn Tâm, học trò của võ sư Văn Hai.

Sau trận này, Cà Na được võ sư Huỳnh Tiền nhận làm đệ tử, còn Hương lại được võ sĩ Long Mouse (học trò võ sư Long Hổ Hội), tên thật là Tú đưa về Bà Quẹo vừa dạy võ, vừa chăn bò. Hằng ngày, Long Mouse để bao cát trong chuồng bò, bắt Hương tập đá.

Sau sáu tháng Hương được thầy đưa xuống Mỹ Luân đánh đài. Tối đó, Hương gặp Hoàng Mã và lập tức thắng thuyết phục đối thủ này bằng những cú đá sấm sét.

Mấy trận đầu tiên Chà Và Hương đều lấy tên của võ đường Nguyễn Nhiều, một võ sư dạy võ ở gần khu vực Thanh Đa nơi cự ngụ của Chà Và Hương. Đất miền Tây thời ấy có rất nhiều cao thủ, nhưng hầu hết những người đấu với Chà Và Hương đều phủ phục. Lúc này, Chà Và Hương lấy tên Phi Hoàng để đánh đài.

Trong số những võ sĩ miền Tây có người tên Nguyễn Hữu Tiết (thường gọi là Sáu) đã đấu với Chà Và Hương. Tối đó, trong không khí sục sôi, võ sĩ Sáu đã không giữ được bình tĩnh, lao vào toan hạ gục Chà Và Hương. Nhưng võ sĩ Sáu đâu ngờ Chà Và Hương nhanh như sóc, tung chân đạp văng ông ra ngoài. Tiếp theo đó, Chà Và Hương nhấp chân trái, tung chân phải đá tạt ngang trúng ngay tay võ sỹ Sáu, rồi bồi thêm cú chỏ cực mạnh khiến đối thủ gục xuống sàn.

Sau đòn liên hồi, võ sỹ Sáu được đỡ dậy, đưa tay lên thì thấy cánh tay mình đã bị gãy gập. Trận đấu kết thúc chóng vánh khiến cả khán đài ồ lên tiếc nuối.

Cặp chỏ "quỷ khóc thần sầu" khiến võ lâm khiếp đảm

Khoảng từ  năm 1965 trở đi, Chà Và Hương thường mang danh võ đường Kid Dempsey vì võ sư này dạy thêm cho Phi Hoàng về bộ tay Quyền Anh. Chà Và Hương đấu với võ sĩ nổi tiếng đương thời là Hoàng Sơn sau hồi giao đấu kinh thiên động địa, hết hiệp mà Hoàng Sơn vẫn không ngã trước những đòn tấn công vũ bão của Chà Và Hương nên người ta xử hòa.

Chà Và Hương (Phi Hoàng) sử dụng đòn cùi chỏ nào cũng tốt. Khi tung cùi chỏ ra là lấy máu đối thủ hay cho đối thủ knock-out. Chỏ đánh ngang vai, chỏ đánh từ dưới lên, từ trên xuống... đòn nào cũng lợi hại nhưng đòn chỏ đang sợ nhất của Phi Hoàng chính là đòn xoay người 180 độ rồi giật chỏ, gọi là đánh chỏ lái.

Có thể nói mười lần như một, hễ Phi Hoàng quay lưng giựt chỏ thì y như rằng đối thủ phải đo ván. Biết bao nhiêu võ sĩ đều biết sở trường của Phi Hoàng là như vậy, nhưng không bao giờ tránh khỏi, trong tích tắc sơ hở thì lập tức bị lãnh ngay đòn chỏ lái của Phi Hoàng rồi gục ngã. Từ nhiều năm trước, người ta đã dùng từ "quỷ khóc thần sầu" để nói về đòn chỏ lái của Phi Hoàng.

Cao thủ có đòn cùi chỏ “quỷ khóc thần sầu”, khiến trùm giang hồ Sài Gòn phải kính nể - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa về các trận đánh của Chà Và Hương).

Khắp các vùng từ miền Tây đến Tây Nguyên, miền Trung đều biết đến tên "cặp dao cạo" Chà Và Hương. Năm 25 tuổi, Chà Và Hương xuống Trà Ôn (nay thuộc Vĩnh Long) được Lê Ngọc Sánh thuộc ban tổ chức cáp cho Chà Và đấu với võ sư Nguyễn Khâm. Đây là trận đấu then chốt trong đêm võ đài ở Trà Ôn.

Hôm đó, sân vận động không còn chỗ đứng. Lên võ đài võ sư Nguyễn Khâm khinh thường địch thủ khi không mang cuki (dụng cụ bảo hộ vùng hạ bộ), không mang găng, nhưng trọng tài bắt buộc theo luật lệ, không được quyền chấp.

Vào tiếp chiêu võ sư Nguyễn Khâm, ban đầu Chà Và Hương còn e dè, cẩn trọng, nhưng chỉ sau vài bước di chuyển, Chà Và Hương liền áp sát ra đòn. Trong thế tấn chắc cộng thêm tốc độ kinh hồn, Chà Và Hương khóa chân võ sư Nguyễn Khâm, vung tay tung chỏ, tung cước đạp văng võ sư Nguyễn Khâm ngã bắn xuống sàn.

Bỗng dưng nhà thi đấu trở nên cực nóng bởi dân chúng ùa lên ném ghế hành hung Chà Và Hương. May mắn là lúc này có ông Quận trưởng đứng lên quát lớn, tay cầm súng đe dọa nếu có kẻ nào manh động ông sẵn sàng bắn bỏ. Nhờ vậy mà Chà Và Hương được giải thoát.

Hôm sau, đến lượt Nguyễn Khiêm, một võ sĩ khác rất lực lưỡng, võ nghệ cao cường đã thách đấu Chà Và Hương. Nhưng khi nhập trận, khí thế sục sôi khiến Chà Và Hương không thể kìm hết, vô tình ông quay gót ngay cằm võ sỹ Nguyễn Khiêm. Trong tích tắc, Chà Và Hương dừng đòn rồi đề xuất trọng tài cho xử hòa để được yên ổn ra về.

Bên cạnh việc đấu võ, cuộc đời Chà Và Hương còn gắn liền với một số tay giang hồ tên tuổi như: Minh Cầu Muối, Đại Cathay, Năm Cam, Sơn Đảo… Dù là những ôm trùm sừng sỏ nhất trong giới giang hồ ở Sài Gòn cũng đều kính nể tài năng và đặc biệt là khí chất ngang tàng, bản lĩnh hơn người của Chà Và Hương.

Tuy nhiên, khi những tay anh chị này, kẻ mất, người bị sa lưới, rồi khi về lại Sài Gòn, địa bàn làm ăn của Chà Và Hương đã bị các giang hồ mới nổi chiếm đóng lại càng làm ông buồn bực. Ông lang thang ở quận 3 cùng đám đệ tử tối ngày luyện tập đấu võ đài như những võ sĩ vô định.

Cao thủ có đòn cùi chỏ “quỷ khóc thần sầu”, khiến trùm giang hồ Sài Gòn phải kính nể - Ảnh 3.

Chà Và Hương sau nhiều năm "quy ẩn giang hồ".

Thời gian này, Kid Dempsey vẫn luôn sát cánh bên Chà Và Hương trong từng trận đấu. Nhưng sau nhiều năm gần như bất khả chiến bại trên võ đài thì Chà Và Hương cũng đấu trận cuối cùng với Hà Trọng Khôi, học trò võ sư Hà Trọng Sơn.

Vừa vào trận đấu Chà Và Hương đã tính đánh đòn phủ đầu, ông tung cước đá vào mạng sườn của Hà Trọng Khôi, đối thủ không hề nao núng liền chụp chân Hương. Ngay sau đó, Trọng Khôi bốc cả thân hình của Chà Và Hương lên toan ném mạnh xuống sàn. Là con nhà nghề lâu năm, Chà Và Hương ôm chặt lấy đầu của đối thủ, như thế nếu võ sĩ Khôi ném Chà Và Hương thì ngay lập tức ông ta cũng ngã sàn.

Trọng tài liền tới can ngăn kêu hai người thả nhau ra, nhưng hiệp đấu chưa kết thúc. Hai người vừa buông nhau ra thì võ sĩ Khôi quay người bỏ đi, bất ngờ trọng tài kêu "dô", Chà Và Hương liền tấn công. Không kịp trở tay, võ sỹ Khôi lãnh trọn một cú lên gối, tiếp thêm một cùi chỏ vào mặt, tứa máu, ngã xuống sàn.

Nhìn thấy đòn đánh quá nặng, lại thấy thần sắc của võ sĩ Hà Trọng Khôi rũ rượi trong gương mặt nhuốm đỏ, võ sư Hà Trọng Sơn (thầy của Hà Trọng Khôi) liền ném khăn trắng xin hàng.

Nào ngờ, Hà Trọng Khôi lại lượm khăn trắng, lau mặt rồi ném xuống đất ý muốn đấu tiếp. Song, thị trưởng thành phố đã bước đến nói với trọng tài rằng nên ngừng trận đấu, vì nếu đấu tiếp ắt võ sĩ Khôi sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Trận đấu kết thúc, trọng tài xử Chà Và Hương thắng.

Tuy vậy, đám lính đồng đội với Hà Trọng Khôi ở Quy Nhơn với tâm lý quá khích đã lao lên sàn đấu. Hàng trăm người xách cả ghế lên sàn đấu đòi xé găng của Chà Và Hương. Họ đòi tấn công Chà Và Hương trong tiếng thét inh ỏi. Lúc này, thị trưởng phải huy động cảnh sát kéo Chà Và Hương người đầy máu, cho lên xe mang đi khỏi võ đài.

Sau giải phóng, cuộc sống của Chà Và Hương trải qua nhiều biến cố thăng trầm. Ông từng bị đưa đi cải tạo rồi về lại sống với mẹ già ở Hóc Môn. Khi bà mất thì ông về Củ Chi tạm lánh cuộc sống xô bồ.

Hiện giờ, sau nhiều năm "rửa tay gác kiếm" thì Chà Và Hương (Phi Hoàng) sống tại An Nhơn Tây, Củ Chi bằng nghề Đông y, bỏ lại sau lưng sự nghiệp đánh đài lừng lẫy cũng như một thời làm tay anh chị.

(Bài viết được ghi theo lời kể và quá trình tổng hợp tư liệu từ võ sư, nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường, Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, chủ nhiệm võ đường Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại