Vẫn biết rằng chuyện chi tiêu nhiều hay ít là của mỗi gia đình và còn tùy thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế cũng như nhu cầu của gia đình đó nhưng phụ nữ mà, đôi khi họ sẽ nhòm sang nhà hang xóm xem người ta ăn tiêu mà để ra được lắm tiền thế, hay đơn giản là nghe ngóng vài câu chuyện trên mạng xã hội để học lỏm bí quyết chi tiêu của các bà mẹ bỉm sữa thông thái.
Và cách thứ hai cũng không hẳn là không có hiệu quả khi từ đây rất nhiều "cao thủ" chi tiêu đã lộ diện.
Như trường hợp của một mẹ trẻ tên T. dưới đây chẳng hạn, bảng thống kê thu chi của nhà mẹ chỉ vỏn vẹn có hơn 4 triệu đồng, trong đó đã dành hẳn 1 triệu để đóng tiền phường tiết kiệm, còn lại là để lo cho gia đình 5 miệng ăn.
Mẹ T. đã khiến cư dân mạng chia làm 2 phe, một bên há hốc miệng vì kính phục, bên khác lại tranh cãi vì thời buổi này làm gì có chuyện chi ít tiền thế mà đủ được.
Bức ảnh chụp lại bảng chi tiêu của gia đình chị T. được chia sẻ trên mạng xã hội khiến không ít người bất ngờ.
Nhìn vào đây có thể thấy nhà chị T. chi khoản tiền tiêu cố định cho con bao gồm các khoản: sữa chua 4 vỉ hết 96k, váng sữa 2 vỉ hết 98.000 đồng, sữa tươi 5 lốc hết 115k, 1 bịch bỉm 170k, tiền ăn 25 ngày hết 750k (thức ăn chủ yếu là cháo và hoa quả). Tiền thuốc phát sinh khi con ốm đau hết 100k. Tổng chi tiêu cho con hết gần 1,3 triệu đồng.
Phần chi tiêu cho người lớn: Tiền xăng xe hết 200k, tiền mạng internet hết 110k đồng, tiền ăn của 4 người lớn trong 26 ngày (mỗi ngày 3 bữa) hết 1,56 triệu (hết 60k/ngày), tiền dầu gội, kem đánh răng 100k. Cộng tổng hết gần 2 triệu đồng.
Như vậy, cộng tổng tất cả chi tiêu nhà chị T. chỉ vào hơn 3 triệu đồng một chút. Số tiền này chưa tính các chi phí phát sinh như cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp hay đi chơi.
Ngoài ra, chị T. cũng chưa liệt kê tiền điện nước, có lẽ ít nhất cũng khoảng 1 triệu nữa. Nếu tính tổng thì chắc trung bình mỗi tháng nhà chị cũng hết chưa tới 5 triệu đồng, một con số khá ít so với phần đông các gia đình khác bây giờ.
Được biết, nhà chị T. hiện đang sinh sống ở Hà Nội nhưng hoàn cảnh gia đình cũng không khá giả, tổng thu nhập nhà chị chỉ vào khoảng trên dưới 6 triệu đồng/tháng mà thôi. Vì lẽ đó nên chị T. mới phải tiết kiệm căn ke từng đồng một cho việc chi tiêu chứ nếu không sẽ xảy ra tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền.
Sau khi bảng chi tiêu này được công bố, nhiều chị em đã không khỏi bất ngờ vì tại sao giữa thủ đô đông đúc, đắt đỏ mà chị T. lại có thể tiêu tiết kiệm đến như vậy dù vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng cho con lại đủ ăn cho cả nhà.
Bạn đọc Ngọc Anh chia sẻ: "Nhà mình ờ ngoại thành thôi và cũng có 1 em bé nhưng chi tiêu mỗi tháng phải hết đến cả gần 10 triệu. Mình cũng chẳng chi tiêu gì nhiều cả, chỉ cơm ăn 3 bữa rồi phục vụ các nhu cầu thiết yếu nhất thôi. Mẹ nó làm được như thế này mình phục quá".
Hay như mẹ Trịnh Luận thì cho hay: "Tớ chưa lấy chồng nhưng nhìn nhà chị gái tiêu tiền mà phát sợ, chị ấy ngày trước hồi con gái cũng thuộc dạng chắt bóp đấy mà đến khi có con cũng chẳng tiết kiệm được.
Tiền lương chồng lương vợ lấy về cứ ra đi như bay mà chẳng để ra được đồng nào. Lúc nào gặp cũng kêu chị thiếu tiền lắm. Đến khổ".
Các bà nội trợ nhiều khi cũng đau đầu lắm khi phải cân đối chi tiêu gia đình. (Ảnh minh họa)
Còn mẹ Nguyễn Ngân thì gay gắt hơn trong quan điểm của mình: "Mẹ nó chưa liệt kê hết các khoản vào đây thì bảo sao hết ít tiền. Tạm thời là mình thấy thiếu tiền điện nước, bếp ga, gạo, xăng xe, điện thoại, chi phí phát sinh như bạn nói và tiền học hành của con.
Kể cả ông bà nội có chi hết những khoản này đi nữa, chẳng lẽ hằng tháng bạn không mua cái gì mới cho con hay cho chồng à? Mình tính sơ sơ nếu nhà bạn kê đủ ra thì phải gấp rưỡi chỗ này may ra mới đủ ấy chứ".
Chi tiết vô lý nhất mà các mẹ đem ra mổ xẻ là việc chị T. chỉ chi 60k/ngày cho 4 người lớn, mà còn ăn 3 bữa/ngày, tính ra chi phí cho mỗi bữa ăn chỉ 5k/người. Nhiều người khẳng định, ở Hà Nội, kể cả ở ngoại thành, con số này vẫn rất bất khả thi.
Đồ ăn thức uống, dù một tí rau hay chút thịt cá thì vẫn phải chi tiền, 5k cho bữa sáng thì gói mì cũng xong, còn bữa trưa, bữa tối thì biết xoay sở thế nào?
Đề bài đã đưa ra lại mỗi người mỗi ý kiến. Một số mẹ khác thì đồng tình với cách tính của mẹ T. bởi cho rằng "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", hoàn cảnh nhà mình ra sao thì mình phải chi tiêu theo đấy thôi.
Ai chẳng muốn cho chồng con ăn ngon mặc đẹp nhưng điều kiện không cho phép thì cũng chẳng làm thế nào được.
"Các mẹ đừng vội trách mẹ ấy vì có cầm đồng tiền trong tay mới thấy tiêu sao cho vừa vặn 1 tháng mà cả nhà không bị đói nó khó đến thế nào.
Mình từng rơi vào hoàn cảnh đó rồi mình biết, nhiều khi ra chợ chỉ mua mỗi mớ rau rồi lững thững đi về vì ngày hôm trước đã trót tiêu quá đà rồi", mẹ Linh Nga bình luận.
Nhiều khi khó khăn quá thì mâm cơm gia đình cũng chỉ đạm bạc cho qua mà thôi. (Ảnh minh họa)
Quả thực, ai nói cũng đều có cái lý của mình nhưng chung quy lại thì vẫn là đèn nhà ai nhà ấy rạng, có mang đi chia sẻ cũng chỉ là để gom góp thêm thông tin và nhặt nhạnh kinh nghiệm của ai đó nếu mình còn thiếu sót mà thôi.
Người phụ nữ cầm trịch căn bếp thì đương nhiên lúc nào cũng muốn nó đỏ lửa và cả nhà được no ấm nhưng cũng phải tùy vào hoàn cảnh. Nhiều khi không muốn đâu nhưng vẫn phải "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" đến phát mệt lên ấy chứ chẳng đùa.
Nguồn: Tổng hợp