Vài năm trở lại đây, Cao Thái Hà ngày càng khẳng định được tên tuổi của mình trong làng điện ảnh Việt. Những vai diễn như mợ Hai Sáng của Tiếng sét trong mưa hay Diệu Ngọc trong Bán chồng thực sự gây ấn tượng cho khán giả.
Thế nhưng, khi hào quang từ nghề diễn khiến tên tuổi Cao Thái Hà trở nên rực rỡ nhất trong mắt khán giả cũng là thời điểm cô phải tự mình học cách cân bằng cuộc sống trước những mất mát, xáo trộn lớn.
"Tôi đi thi Hoa khôi xứ dừa đơn giản vì thi thì sẽ có tiền"
Nhắc tới Cao Thái Hà, khán giả sẽ nhớ ngay tới cô diễn viên mang danh hiệu Hoa khôi xứ dừa. Hà có thể chia sẻ một chút về danh hiệu này?
Năm lớp 9, tôi đã đi làm thêm ở quán nước. Gia đình khó khăn nên trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ đến việc kiếm tiền.
Học xong THPT, tôi đã cao 1m68 nên "sư phụ" của tôi động viên tôi đi thi Hoa khôi xứ dừa. Tôi nghĩ đơn giản: Đi thi là có tiền, giải thưởng mấy chục triệu lúc đó đối với tôi rất lớn nên đồng ý thi và giành giải nhất.
Vậy là danh hiệu Hoa khôi đã trở thành bàn đạp giúp Cao Thái Hà từ cô bé quê thành diễn viên?
Đúng là danh hiệu Hoa khôi đã mở ra cho tôi những chặng đường tuyệt vời mà ở thời điểm đó tôi không hề nghĩ tới.
Nhận giải Hoa khôi rồi, tôi tiếp tục đi làm để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Sau một thời gian làm ở ngân hàng, tôi được giám đốc yêu cầu tôi lên Sài Gòn học thêm nghiệp vụ ngân hàng để về phòng tín dụng làm.
"Danh hiệu Hoa khôi đã mở ra cho tôi những chặng đường tuyệt vời mà ở thời điểm đó tôi không hề nghĩ tới".
Lên Sài Gòn, tôi gặp anh Quốc Trường – 1 người đồng hương của tôi. Thời điểm đó, anh Trường đã khá nổi tiếng rồi và anh muốn giúp đỡ tôi nên giới thiệu tôi đi casting. Đó là vai diễn khá đơn giản nên tôi được chọn ngay.
Nhưng những áp lực của cuộc sống showbiz khiến cô gái 19 tuổi như tôi cảm thấy ngột ngạt. Tôi nghĩ đây sẽ là bộ phim cuối cùng tôi làm nên ngay sau khi kết thúc phim, tôi trở về quê tiếp tục làm ngân hàng.
Nhưng sau khi bộ phim đầu tiên lên sóng không lâu thì tôi lại được mời vào vai chính của phim Tiếng đàn kìm. Kể từ đó, tôi nghĩ đây là một cơ duyên và là "số phận" của mình nên quyết tâm theo đuổi phim ảnh.
"Áp lực của cuộc sống showbiz khiến cô gái 19 tuổi như tôi cảm thấy ngột ngạt".
Sau vai diễn đầu tiên, Hà đã nghĩ đó là phim cuối cùng của mình? Điều gì khiến chị có suy nghĩ như vậy?
Ngày đầu tiên tôi làm diễn viên, tôi cảm thấy kiệt sức, không thể chịu đựng được áp lực của nghề. Tôi nghĩ những ai mới vào nghề, chưa có sự chuẩn bị về tinh thần đều cũng có cảm giác như tôi ở thời điểm đó.
Làm diễn viên, lại là diễn viên mới thực sự rất khắc nghiệt. Áp lực này khiến cho những người mới, người trẻ tuổi dễ dàng bỏ cuộc, rời khỏi phim trường.
Và cái cảm giác này, cái ý nghĩ "nghề này không dành cho mình" theo đuổi tôi tới 4, 5 bộ phim đầu. Tôi phải luôn động viên mình trong đầu rằng: Phải cố lên, không được từ bỏ. Tôi đã chứng kiến không ít đồng nghiệp, bạn bè đã bỏ cuộc.
Tới bây giờ, khi nhìn những diễn viên mới vào nghề tôi luôn dành cho họ sự đồng cảm, chia sẻ bởi tôi thấy mình của những ngày đầu trong từng bước đi của họ.
"Tôi phải luôn động viên mình trong đầu rằng: Phải cố lên, không được từ bỏ".
"Khi ba mất, tôi lo chu toàn tang lễ cho ba và cảm thấy mình tỉnh táo đến mức đáng sợ"
Choáng ngợp với những áp lực của nghề nghiệp và muốn bỏ nghề ngay từ phim đầu tiên, vậy đâu là động lực để Cao Thái Hà quyết tâm "bám trụ" với nghiệp diễn?
Hai năm đầu tiên, tôi làm việc cho bản thân mình. Tôi muốn thoát khỏi cuộc sống mà đa phần những người bạn của tôi ở dưới quê đang sống. Tôi thấy họ lựa chọn lập gia đình từ rất sớm, vất vả với việc sinh con, lo cho gia đình. Tôi muốn có cuộc sống khác, có sự tự do và được tận hưởng.
Sang năm thứ 3 kể từ khi làm diễn viên, tôi đón ba lên Sài Gòn sống cùng. Không lâu sau đó, tôi phát hiện ra ba bị ung thư. Lúc này, mục đích sống và làm việc của tôi hoàn toàn thay đổi. Tôi không còn làm việc để hưởng thụ cho bản thân nữa.
Đối diện với căn bệnh của ba, tôi tự nhủ: Đây là lúc mình phải kiên cường nhất vì gia đình cần mình. Ở ngoài kia chẳng có gì đáng sợ hơn nữa, mình phải làm việc, phải thành công để có thể lo cho ba. Và đó chính là động lực, là sức mạnh để tôi lao vào công việc suốt 4 năm sau đó.
Tôi làm tất cả mọi việc có thể kiếm ra tiền: Bất cứ vai diễn nào tôi cũng nhận, tôi nhận cả những công việc nhỏ như quảng cáo trên facebook… Tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất là tích cóp tiền, trong thời gian sắp tới phải làm gì đó cho ba trước khi ba mất.
"Tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất là tích cóp tiền, trong thời gian sắp tới phải làm gì đó cho ba trước khi ba mất".
Suốt 4 năm liền lao vào công việc, về nhà lại chăm sóc cha bị bệnh, hẳn là chị rất mệt mỏi?
Thời gian 4 năm đó, ngoài công việc, thứ duy nhất tồn tại trong đầu tôi là những lo lắng, dự định dành cho ba. Bác sĩ có nói bá tôi chỉ có thể sống được khoảng 3 năm nữa nên tôi muốn dành tất cả thời gian cho ba.
Tới mức, đi chơi với người yêu tôi cũng đưa ba theo. Rất may mắn là bạn trai tôi lúc đó hiểu và cùng tôi chăm sóc cho ba. Vậy nên tôi nghĩ 4 năm đó tuy mệt mỏi nhưng tôi sống có ý nghĩa hơn bây giờ rất nhiều. Vì đi làm về mình còn được nhìn thấy người mình thương yêu nhất chứ không phải cô đơn như bây giờ.
Yêu thương và dành tất cả hi vọng, điểm tựa cho ba, chắc hẳn chị đã có một quãng thời gian khó khăn sau khi ba chị qua đời?
Từ khi biết ba bị ung thư, tôi đã được chuẩn bị tâm lý cho việc ba sẽ ra đi bất cứ lúc nào. Nhưng thú thực, tôi không thể hình dung được mình sẽ đón nhận chuyện đó như thế nào. Tới khi ba mất, tôi lo chu toàn tang lễ cho ba và cảm thấy mình tỉnh táo đến mức đáng sợ.
"Giờ đây tôi đang tập chấp nhận, tập suy nghĩ tích cực hơn".
Một tuần sau tang lễ của ba, sự mất mát mới thực sự hiện hữu, tôi thấy cuộc sống của mình bắt đầu xáo trộn. Nỗi đau vì mất người thân yêu nhất, mất đi điểm tựa lớn nhất trong đời khiến tôi rơi vào cảm giác chông chênh, thấy cuộc đời mình thực sự vô nghĩa.
Lúc này tôi đã thành công, đã có chút tài sản nhưng tôi không còn cảm thấy vui nữa. Tôi luôn cảm thấy cô đơn, không gì khỏa lấp được.
Ba mất rồi, tôi có suy nghĩ rất tiêu cực là chẳng còn ai thương tôi, cho tôi niềm tin vững chắc như ba nữa. Suy nghĩ này khiến cho sự cô đơn, chông chênh vẫn luôn theo tôi tới tận bây giờ. Giờ đây tôi đang tập chấp nhận, tập suy nghĩ tích cực hơn.