Trên mạng xã hội trong những ngày cuối tháng 5 xuất hiện hình ảnh đàn châu chấu "lạ" xuất hiện tại khuôn viên một trường tiểu học của huyện Gia Bình, tỉnh Lạng Sơn. Trong ảnh, đàn châu chấu bu kín trên bờ tường, bám trên xe ô tô, thậm chí bò lổm ngổm trên đường bê tông. Người dân cho biết lần đầu tiên thấy hiện tượng lạ này xuất hiện ở địa phương.
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương tại tỉnh Lạng Sơn ngày 1/6, đây chính là giống châu chấu tre lưng vàng, xuất hiện với mật độ khá cao tại địa bàn xã Thiện Hoà (huyện Bình Gia) và các xã Đại Đồng, Khánh Long (huyện Tràng Định).
Châu chấu tre lưng vàng được ghi nhận bùng phát lần đầu tiên ở Lào, đến nay đã có ở nhiều vùng Đông Nam Á. Thông thường, châu chấu tre lưng vàng chỉ cắn phá, gây thiệt hại trên cây tre, luồng, vầu, ngô và ghi nhận xuất hiện với mật độ ít trên cây lúa.
Trên địa bàn xã Thiện Hòa (Bình Gia, Lạng Sơn), châu chấu lưng vàng đang phá hoại những cánh rừng tre, vầu và đã lan sang hơn 11ha diện tích hoa màu của người dân. Dự báo trong thời gian tới, nắng nóng xen kẽ mưa rào là điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của châu chấu, tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.
Cụ thể, trên địa bàn ba thôn Ba Biển, Yên Hùng, Thâm Khôn xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia, xuất hiện Châu chấu tre lưng vàng phá hoại cây tre, cây vầu và khoảng 1hacây ngô và lúa của người dân. Mật độ châu chấu trung bình 30- 50 con/m2, cục bộ 150- 205 con/m2, tổng diện tích nhiễm khoảng 10 ha. Châu chấu tấn công khu dân cư, bò vào nhiều hộ dân, ăn trụi cây cối, đậu ở khắp nơi.
Ngày 29/5, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện đã cấp phát thuốc bảo vệ thực vật để UBND xã Thiện Hòa tổ chức phun trừ tại điểm dân cư, trường học nhằm giảm thiểu sự phá hoại của loài vật này đối với địa phương.
Thông tin thêm về hiện tượng này, hôm 30/5, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTN cho biết đàn châu chấu tre lưng vàng xuất hiện ở Lạng Sơn vẫn trong phạm vi nhỏ. Tỉnh giáp ranh, Cao Bằng, mới là địa phương đang chịu nhiều thiệt hại bởi nạn dịch này.
Theo thống kê sơ bộ của Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 30/5, diện tích tre, vầu và cây trồng bị châu chấu tre lưng vàng gây hại là 11,6ha. So với ngày ngày 29/5, mật độ châu chấu gây hại đã giảm do thời tiết có mưa to, châu chấu không di chuyển được nên người dân dùng vợt bắt diệt trừ.
Đàn châu chấu phá hoại mùa màng khi cả trăm, ngàn con ăn trụi hết các loại cây cối, hoa màu, đậu ở khắp nơi.
Clip hàng vạn con châu chấu tấn công khu dân cư ở Lạng Sơn
Hàng ngàn con châu chấu lao vào, bám đầy các bức tường nhà dân ở Lạng Sơn làm ảnh hưởng nặng tới cuộc sống của người dân địa phương
Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Cao Bằng hôm 31/5, từ đầu tháng 4/2024, châu chấu tre bắt đầu xuất hiện tại các huyện Nguyên Bình, Thạch An và Hoà An. Đến thời điểm này, mật độ châu chấu tre trên các cánh rừng vầu phổ biến 600 - 1.000 con/m2, nơi cao 2.500 - 3.000 con/m2, cục bộ 7.000 - 8.000 con/m2.
Tổng diện tích cây trồng tại tỉnh Cao Bằng bị châu chấu tre gây hại lên đến gần 500 ha (trong đó có khoảng 300 ha rừng vầu).
Với mật độ cao hơn nhiều lần so với năm ngoái, các đàn châu chấu tre có xu hướng di chuyển nhanh, gây hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nếu không có biện pháp phun thuốc, diệt trừ kịp thời.
Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đang phối hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ các ổ dịch châu chấu tre lưng vàng, để có các biện pháp phòng chống phù hợp. Đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật đã có chuyến công tác tại Cao Bằng sẽ đánh giá quy mô ổ dịch châu chấu tre lưng vàng có đủ điều kiện để công bố dịch hay không.