Chi phí cho đám cưới của nam giới ở nông thôn Trung Quốc không ngừng tăng lên. Ảnh: Sohu
Tác giả bài báo nhận thấy rằng, trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng ở Trung Quốc, chi phí cho sính lễ - một phần quan trọng trong đám cưới - đã không ngừng tăng lên và "sính lễ trên trời" đã trở thành một vấn đề xã hội ở các vùng nông thôn Trung Quốc. Việc này đã khiến nhiều người trẻ tuổi trì hoãn hôn nhân, thậm chí sợ kết hôn và không kết hôn. Một số gia đình cũng trở nên bần cùng sau hôn nhân do những món sính lễ có giá trên trời.
Dựa trên phân tích dữ liệu khảo sát mẫu tại 11 tỉnh thành trên khắp Trung Quốc năm 2018, tác giả nhận thấy, sự phát triển của đô thị hóa đã ảnh hưởng sâu sắc đến tập quán hôn nhân hiện nay ở các vùng nông thôn Trung Quốc, cơ cấu và hạn mức về chi phí đám cưới của nam giới ở nông thôn Trung Quốc đã có những thay đổi.
Chi phí đám cưới gấp 16 lần thu nhập trung bình năm
Nghiên cứu cho thấy, năm 2018, chi phí đám cưới trung bình của nam giới ở nông thôn 11 tỉnh cao gấp 16 lần so với thu nhập khả dụng bình quân đầu người của cư dân nông thôn Trung Quốc; nam giới là đối tượng phải chịu chi phí chính cho đám cưới, gấp khoảng ba lần so với chi phí mà nữ giới phải bỏ ra.
Ngoài ra, có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng về chi phí đám cưới của nam giới ở nông thôn Trung Quốc. Chi phí đám cưới trung bình ở miền đông, miền trung và miền tây Trung Quốc lần lượt là 86.900 Nhân dân tệ (NDT, khoảng 299 triệu VNĐ), 90.600 NDT (311 triệu VNĐ) và 73.000 NDT (251 triệu VNĐ). Chi phí đám cưới ở miền tây là thấp nhất, phù hợp với sự khác biệt giữa các vùng về trình độ phát triển kinh tế và thu nhập bình quân đầu người.
Tuy nhiên, nếu xét về tỷ lệ của sính lễ trong chi phí đám cưới thì miền tây lại có tỷ lệ cao nhất. Theo khảo sát, số lượng sính lễ và tỷ lệ của nó trong chi phí đám cưới lần lượt là: 22.700 NDT (78 triệu VNĐ, chiếm 26,19%) ở miền đông, 27.200 NDT (94 triệu VNĐ, chiếm 30,02%) ở miền trung, và 28.000 NDT (96 triệu VNĐ, chiếm 38,36%) ở miền tây. Trong số đó, vấn nạn "sính lễ trên trời" ở tỉnh Cam Túc đặc biệt nghiêm trọng, giá trị trung bình của sính lễ cao tới 44.100 NDT (152 triệu VNĐ), chiếm 52,88% chi phí đám cưới.
Theo "Niên giám thống kê Trung Quốc 2018", thu nhập khả dụng bình quân đầu người hàng năm của cư dân nông thôn ở miền đông, miền trung và miền tây Trung Quốc năm 2017 lần lượt là 16.800 NDT (58 triệu VNĐ), 12.800 NDT (44 triệu VNĐ) và 10.800 NDT (37 triệu VNĐ). Xét về tỷ lệ giữa giá trị sính lễ so với thu nhập khả dụng bình quân đầu người hàng năm của cư dân nông thôn ở các miền, tỷ lệ này lần lượt là 1,35 lần, 2,13 lần và 2,59 lần; tỷ lệ này vẫn là lớn nhất ở miền Tây.
Trên "thị trường hôn nhân", số lượng nam giới đến tuổi kết hôn nhiều hơn số lượng nữ giới đến tuổi kết hôn, đặt phái nữ vào vị trí tương đối thuận lợi và đòi hỏi về sính lễ của nhà cô dâu sẽ tăng dần. Ảnh: Sina
Theo phân tích của tác giả, nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn "sính lễ trên trời" là do sự cạnh tranh gay gắt giữa các nam thanh niên trên "thị trường hôn nhân" do mất cân bằng giới tính và dòng chảy dân số, cũng như tác động của quá trình đô thị hóa, kinh tế thị trường và quan niệm hiện đại...
Trên "thị trường hôn nhân", số lượng nam giới đến tuổi kết hôn nhiều hơn số lượng nữ giới đến tuổi kết hôn, điều này sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh của nam giới để giành lấy số lượng hạn chế nữ giới, đặt phái nữ vào vị trí tương đối thuận lợi và đòi hỏi về sính lễ của nhà cô dâu sẽ tăng dần.
Đồng thời, di cư dân số cũng làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn trong hôn nhân của nam giới ở những khu vực kinh tế tương đối lạc hậu. Những khu vực kinh tế phát triển tốt hơn sẽ thu hút nhiều lực lượng lao động hơn, khiến số lượng nữ giới đến tuổi kết hôn ở khu vực xuất cư khan hiếm và nam giới ở những khu vực này sẽ trở nên bị động, rơi vào cuộc cạnh tranh khốc liệt trên "thị trường hôn nhân".
Để giải quyết vấn nạn "sính lễ trên trời", tác giả đề xuất, cần nhìn nhận kỹ về phong tục cưới hỏi, phân biệt sự khác nhau giữa sính lễ phù hợp và "sính lễ trên trời", bắt đầu từ những biện pháp căn cơ như nâng cao trình độ dân trí ở nông thôn... Ngoài ra, tác giả cũng cho rằng, cần phải bảo vệ quyền sinh sống và phát triển của nam giới lớn tuổi chưa lập gia đình ở nông thôn, đáp ứng nhu cầu dưỡng lão của họ và giảm bớt sự bài xích của xã hội...