Trước thềm kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải quân Trung Quốc (23/4) vào cuối tháng 12/2018, báo Giải phóng quân (Trung Quốc) cho biết, trong 10 năm qua, hơn 6.600 tàu thuộc 1.198 biên đội tàu hộ tống của hải quân nước này hiện diện ở nhiều khu vực lãnh hải, bao gồm Vịnh Aden, gần biển Đỏ và vùng lãnh hải Soomaali nhằm thực thi trách nhiệm của nước lớn của quân đội Trung Quốc PLA.
Giới phân tích cho rằng, chống cướp biển ở Vịnh Ade không phải là mục tiêu thực sự của PLA mà mục tiêu thực sự của quân đội nước này chính là bảo vệ lợi ích của họ ở biển Đỏ và Vịnh Aden trong bối cảnh những cuộc xung đột giữa các cường quốc có thể xảy ra trong tương lai.
Một số ý kiến cho rằng, động thái triển khai lực lượng ở Vịnh Aden hay thành lập căn cứ quân sự mà nước này gọi là căn cứ hậu cần ở Djibouti đều nhằm mục đích chuẩn bị cho việc toàn cầu hóa của hải quân Trung Quốc.
Mục đích thực sự của Trung Quốc
Thời báo Hoàn cầu ngày 19/4 đưa tin, hạm đội hải quân Trung Quốc bắt đầu thực hiện nhiệm vụ hộ tống hàng hải ở Vịnh Aden từ tháng 12/2008; tính cho đến thời điểm hiện nay, hải quân PLA có hơn 6.600 tàu chia làm 1.198 biên đội, trong đó có hơn 30 biên đội, hơn 100 tàu, hơn 26.000 sĩ quan binh lính hoạt động ở khu vực Vịnh Aden.
"Quân đội Trung Quốc đã hợp tác với lực lượng hải quân các nước khác nhằm chống cướp biển và có những đóng góp nổi bật cho an toàn hàng hải", báo Trung Quốc viết.
Tuy nhiên, VOA dẫn lời giới chuyên gia cho rằng, chống cướp biển ở Vịnh Aden, Ấn Độ Dương hay biển Đỏ chưa bao giờ là mục đích thực sự của Bắc Kinh.
Căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti. Ảnh: AFP
Tại một hội thảo về Địa chính trị mới ở hải ngoại, vùng Sừng châu Phi và biển Đỏ hôm thứ 5 vừa qua, ông Rush Doshi - nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Viện Brookings cho biết, Trung Quốc đã phát hiện sự cạnh tranh chiến lược ở biển Đỏ.
"Trung Quốc nhất định đã nhìn thấy sự cạnh tranh chiến lược ở khu vực này, không liên quan đến hoạt động chống cướp biển, mà dù có liên quan tới chống cướp biển thì nhiệm vụ này cũng chưa bao giờ là mục tiêu cho sự hiện diện của nước này ở Ấn Độ Dương và biển Đỏ.
Tôi nghĩ, họ đang chuẩn bị cho tương lai, cho việc có thể bảo vệ tốt nhất cho lợi ích của bản thân. Họ lo lắng những hành động gây bất lợi từ Mỹ và Ấn Độ trong các xung đột có thể phát sinh trong tương lai, họ cũng suy xét đến lượng lớn tài nguyên đang lưu thông qua vùng biển này", ông nói.
Khoảng 60% lượng dầu thô nhập khẩu và 40% thương mại của nước này vận chuyển qua kênh đào Suez - nơi nối liền Địa Trung Hải và biển Đỏ.
Ông Doshi nhận định, Trung Quốc từ lâu đã nhận ra rằng có nhiều vấn đề ở khu vực này và Bắc Kinh lo lắng, khi một cuộc xung đột nổ ra, Mỹ hoặc Ấn Độ sẽ ngăn chặn tuyến đường vận chuyển hàng hóa của nước này.
Djibouti là căn cứ thử nghiệm để quân đội Trung Quốc tiến ra toàn cầu
Chuyên gia Rush Doshi chỉ ra, Trung Quốc thành lập căn cứ tại Djibouti cũng xuất phát từ những cân nhắc trên.
Theo ông này, việc Bắc Kinh lựa chọn xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti, thậm chí chỉ gọi căn cứ này là căn cứ hậu cần cho thấy Trung Quốc muốn làm dịu quan điểm chỉ trích của quốc tế và Djibouti giống như một trường hợp thử nghiệm cho quá trình toàn cầu hóa quân đội của Trung Quốc.
"Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn cam kết không xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài... Nhưng hiện nay họ đã thành lập một căn cứ và gọi đó là căn cứ hậu cần chứ không phải căn cứ quân sự... Tôi cho rằng, điều này cho thấy họ mong muốn "học hỏi" bởi họ biết trong tương lai họ sẽ hiện diện trên toàn cầu và bây giờ là cơ hội tốt để họ học cách thực hiện điều này", ông Doshi khẳng định.
Chuyên gia này cho biết thêm, cùng với sự phát triển của sức mạnh quốc gia, chính phủ Trung Quốc, bao gồm cả người dân Trung Quốc ngày càng nhận thức được lợi ích toàn cầu, lợi ích - vị thế chính trị trên biển Đỏ cũng như những bất lợi có thể xảy ra đối với Trung Quốc ở khu vực này.
Đồng thời theo ông, tác phẩm điện ảnh Điệp vụ biển Đỏ được công chiếu năm 2018 của Trung Quốc đã phản ánh đầy đủ điều này.
Được biết, ở Địa Trung Hải và vùng Sừng châu Phi - Trung Quốc không chỉ có lượng lớn kiều dân mà còn có lợi ích kinh tế cực kỳ lớn. Cùng với việc mở rộng sáng kiến Vành đai và con đường, Trung Quốc sẽ có nhiều lợi ích thương mại hơn trong khu vực.
Doshi cho rằng, hộ tống chống cướp biển ở Vịnh Aden là một trong những cách mà hải quân Trung Quốc đang "học hỏi", "học hỏi" cách làm thế nào để bảo vệ lợi ích của bản thân trên toàn cầu.
Ở Vịnh Aden, chỉ có 1% các tàu thương mại đi qua có thể gặp vấn đề về cướp biển trong khi Trung Quốc đã gửi một hạm đội tàu tương đối lớn tới khu vực này.
Zach Vertin, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Brookings - từng là cố vấn cấp cao cho Đặc sứ tại Sudan dưới thời cựu Tổng thống Barack Obam, cho rằng, Trung Quốc đến Djibouti không chỉ khiến khu vực biển Đỏ thu hút sự chú ý mà còn đưa biển Đỏ vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.
Ông nói: "Trung Quốc đến Djibouti, một quốc gia nhỏ bờ Nam biển Đỏ, tài nguyên duy nhất của nó là vị trí địa lý. Trung Quốc đến đây, không chỉ đến vì kinh tế mà họ còn xây một căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài. Hơn nữa, căn cứ này nằm cách không xa căn cứ quân sự duy nhất của Mỹ ở châu Phi. Hơn một năm qua, Washington đã thể hiện sự lo ngại vì vấn đề này...".