Cánh tay phải của vua Quang Trung và đội tượng binh có một không hai

Gohan |

Hơn 200 năm trước, khi phong trào nông dân Tây Sơn nổ ra, có một người con gái chói sáng với tài hoa của mình và sau này trở thành một trong Tây Sơn Ngũ Phụng Thư. Bà là Bùi Thị Xuân.

Hàng trăm thớt voi hùng hậu kinh qua các chiến trường chinh phạt thù trong giặc ngoài, dưới sự chỉ huy của một người phụ nữ - một nữ anh hùng xuất hiện trong triều đại Tây Sơn với tài luyện voi chiến, tinh thông võ thuật đã trở thành biểu tượng về tinh thần chiến đấu kiên cường, khí phách hiên ngang của người con gái miền đất võ Bình Định.

Tương truyền, Bùi Thị Xuân được học võ từ rất sớm, đến khi theo học đô đốc Ngô Mạnh, bà thành thạo nhất sử dụng song kiếm.

Theo ông Lê Hoài Lương, chuyên gia nghiên cứu lịch sử Bình Định, ngoài song kiếm, bà rất giỏi cưỡi ngựa, bắn cung. Đặc biệt trong thời kỳ đầu, vai trò của bà hết sức quan trọng, chính là khả năng huấn luyện voi chiến. Đến năm 1771, Bùi Thị Xuân cùng chồng là Trần Quang Diệu nhanh chóng trở thành những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong công cuộc dựng nghiệp nhà Tây Sơn.

Cánh tay phải của vua Quang Trung và đội tượng binh có một không hai - Ảnh 1.

Voi chiến quân Tây Sơn - nỗi khiếp đảm của giặc phương Bắc. Ảnh: Bảo tàng quân sự Việt Nam.

Nhờ tài năng quân sự xuất chúng, bà lập nhiều chiến công và là nữ tướng kiệt xuất của nhà Tây Sơn với tư cách là Đô đốc, chỉ huy đội tượng binh dũng mãnh. Sau khi Tây Sơn khởi nghĩa, các sắc dân miền núi đem tặng nhiều thớt voi. Lúc này chúng lại trở thành những "binh sĩ" vô cùng đặc biệt của bà.

Phương pháp huấn luyện voi trong quân đội được ghi lại rất nhiều dưới thời Tây Sơn. Đội quân voi bao gồm hơn 100 con voi khỏe mạnh to lớn do nhiều quản tượng mà đứng đầu là Đô đốc Bùi Thị Xuân huấn luyện. Việc huấn luyện voi diễn ra hàng ngày tại gò Xuân Hòa (vì thế nhân dân thường gọi đây là Gò Tập Voi).

Dần dần, đội tượng binh của bà có thể nhìn theo cờ hiệu để biết lúc nào nên chạy tới, lúc nào nên bước lùi. Khi ra trận, con to khỏe nhất được Bùi Thị Xuân lựa chọn để chỉ huy; chỉ cần nghe tiếng tù và vang lên, cả đàn voi sẽ đi vào quy củ và nghe cờ lệnh. Chính Nguyễn Huệ còn ban tặng cho bà 4 chữ: "Cân Quắc Anh Hùng", có nghĩa là Bậc nữ lưu có khí phách.

Cũng theo ông Lê Hoài Lương: "Đây là bậc nữ lưu kỳ lạ của lịch sử Việt Nam. Ngoài tài sắc, bà đặc biệt có sự kiên trung. Tức là thời kỳ đầu hay thời kỳ sau khi các danh thần nghi kỵ, đấu đá lẫn nhau (sau khi vua Quang Trung băng hà) nhưng riêng bà và chồng là Thái phó Trần Quang Diệu lại là chỗ dựa tinh thần rất lớn".

Vào thời bấy giờ, lực lượng tượng binh mang lại ưu thế vô cùng lớn cho nghĩa quân Tây Sơn. Voi đã được thuần hóa khi xung trận là một đội quân đầy sức mạnh được coi như quái thú giữa chiến trường với sức mạnh địch hàng trăm người.

Dưới tài chỉ huy của vua Quang Trung và người trực tiếp điều khiển đội tượng binh là Đô đốc Bùi Thị Xuân thì những cố gắng của tướng sĩ quân địch đều trở nên vô nghĩa.

Trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và lịch sử quân sự nói chung, Đô đốc Bùi Thị Xuân là một hiện tượng đặc biệt, cùng với chồng và hàng vạn các nghĩa sĩ Tây Sơn, bà đã đi hết cuộc trường chinh suốt ba chục năm trời, anh dũng chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, một lòng vì sự nghiệp cứu dân cứu nước.

Từ một phụ nữ bình thường, bà đã trở thành danh tướng được đời đời kính trọng. Cái chết lẫm liệt của bà đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử.

photo-1

Ảnh minh họa. Bùi Thị Xuân sau khi bị bắt làm tù binh

Ông Lê Hoài Lương cho biết: "Lúc này, trong trận đấu quyết tử cuối cùng, chỉ có Đô đốc Bùi Thị Xuân chói sáng. Sau này, sử còn ghi rất rõ điều này, Nguyễn Ánh có hỏi Bùi Thị Xuân khi bà là tù binh:

- Ngươi tài người giỏi, sao không giúp Cảnh Thịnh không mất nước?

Bùi Thị Xuân đáp: - Nếu ở Nhật Lệ có thêm một nữ tướng như ta, nếu cửa Nhật Lệ không để lạnh thì người đừng hòng ra được Bắc Hà này".

Người ta cảm phục Bùi Thị Xuân ở chỗ có gan dạ và trí lược của một đại tướng, người đã có công gây dựng đội tượng binh hùng mạnh bậc nhất trong lịch sử. Hơn thế, bà là một nữ anh hùng xuất hiện trong triều đại Tây Sơn với tài luyện voi chiến, tinh thông võ thuật. Và Bùi Thị Xuân đã trở thành biểu tượng về tinh thần chiến đấu kiên cường, khí phách hiên ngang của người con gái miền đất võ Bình Định.

Nguồn: Khám phá Việt Nam - VTV

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại