Cánh đồng mẫu lớn đang ngày càng hẹp, vì sao?

Nguyễn Huyền |

Chuyển đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, nhưng ĐBSCL hiện đang đối mặt với một thách thức lớn đó là mô hình sản xuất nông hộ nhỏ và phân tán.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 4 tháng đầu năm 2021 đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng xuất khẩu gạo đạt 1,9 triệu tấn với giá trị 1,01 tỷ USD, giảm 10,8% về khối lượng nhưng tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 41,25 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng gạo xuất khẩu đạt 3,07 tỷ USD, số lượng xuất được 6,34 triệu tấn gạo, giá trị trên mỗi tấ

MÔ HÌNH SẢN XUẤT NÔNG HỘ NHỎ ĐANG LÀ THÁCH THỨC LỚN

Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, thắng lợi rõ nhất của ĐBSCL là duy trì được quá trình sản xuất lúa với tốc độ nhanh và ổn định trong thời gian dài, trong điều kiện diễn biến khí hậu và xâm nhập mặn vô cùng khốc liệt.

ĐBSCL đang chuyển đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, nhưng khu vực này đang đối mặt với một thách thức không nhỏ đó là mô hình sản xuất nông hộ nhỏ và phân tán cùng với chi phí logistics cao.

Sự kiện gạo Việt có mặt tại những siêu thị khó tính ở châu Âu là kết quả vô cùng khích lệ, dù số lượng còn rất nhỏ so với thị trường lớn là Trung Quốc, Philippines và các nước khác của châu Á và châu Phi.

“Song, sản xuất nông nghiệp đang đứng trước ba thách thức lớn: Qui mô sản xuất nhỏ, chưa tiếp cận tốt với thông tin thị trường; thị trường nông sản kém ổn định, khả năng cạnh tranh chưa mạnh; biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan hơn đang diễn biến ra tại ĐBSCL và mọi giải pháp cho đồng bằng đều phải vượt qua được ba thách thức ấy.

Mỗi nông hộ canh tác 3 vụ lúa ước thu được 35 - 40 triệu đồng/ha/năm, mức này thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan; 1,5 lần so với Indonesia và Philippines.

ĐBSCL chính là vựa lúa của cả nước, đóng vai trò “trụ cột” đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nhưng ĐBSCL chỉ chiếm 12% diện tích đất tự nhiên, 32% diện tích đất nông nghiệp cả nước. Mỗi nông hộ canh tác 3 vụ lúa thu được 35 - 40 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan; 1,5 lần so với Indonesia và Philippines.

Chính sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đang là nút thắt ở khu vực này. Do vậy, tập trung ruộng đất là một trong những điều kiện để năng suất lao động Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước ASEAN”, ông Bửu nhấn mạnh.

ĐBSCL có quy mô sản xuất trung bình là 1,29 ha/hộ, tuy lớn hơn các vùng khác (trung bình 0,44 ha/hộ), nhưng vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, vì vậy tập trung ruộng đất sản xuất quy mô lớn đáp ứng được tiêu chuẩn cơ giới hóa và nông sản làm ra sẽ cho chất lượng đồng đều đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của các thị trường khó tính.

CÁNH ĐỒNG LỚN "CHẾT YỂU" VÌ DOANH NGHIỆP THIẾU TIỀN

Những năm 1990, Bộ NN-PTNT đã cố gắng phát triển mô hình cánh đồng lớn, với khẩu hiệu “nông dân nhỏ, cánh đồng lớn”, được bạn bè trên thế giới khen ngợi. Tuy nhiên, cánh đồng lớn chỉ đạt đến 200.000 hecta năm 2015 rồi giảm xuống còn 170.000 ha (2019).

Nguyên nhân do doanh nghiệp thiếu vốn và ngân hàng thì cho vay rất ít hoặc không cho vay khi doanh nghiệp cần thu mua lúa bằng tiền mặt, theo cam kết với nông dân trong mô hình.

Năm 2015, diện tích cánh đồng lớn của tập đoàn Lộc Trời là 90 nghìn hecta nhưng nay chỉ còn 30 nghìn ha. Đồng Tháp xuống giống 205 nghìn hecta theo mô hình liên kết, nhưng lúa được tiêu thụ theo cam kết ấy có 9% diện tích.

“Đó là nút cổ chai tại thời điểm thu hoạch. Doanh nghiệp không có tiền để mua lúa cho nông dân một cách ổn định, do đó giá lên xuống thất thường; không có đủ hệ thống sấy một lượng lớn lúa khoảng 10 triệu tấn... và chúng ta chưa có nguồn tài chính ổn định để nông dân làm vụ sau”, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết.

Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông Nghiệp Trung An, đầu tư 1 ha lúa cánh đồng lớn cần đến 50 triệu đồng. Trong đó, 25% chi phí đầu vụ từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; 75% còn lại sẽ thanh toán cho nông dân ngay khi thu hoạch.

"Đầu tư 1 ha lúa cánh đồng lớn cần đến 50 triệu đồng. Trong đó, 25% chi phí đầu vụ từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; 75% còn lại sẽ thanh toán cho nông dân ngay khi thu hoạch."

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc CTCP Nông nghiệp Trung An

Như vậy, chỉ riêng khoản đầu tư 5.000 ha lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn của công ty đã lên đến 250 tỷ đồng/vụ chưa kể hệ thống sấy lúa, kho chứa. Điểm nghẽn đó làm Trung An hiện chỉ còn 2.000 ha mô hình.

Cánh đồng lớn là mô hình liên kết bền vững theo chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo. Chỉ cần 1/3 diện tích gieo trồng được thực hiện mô hình này, giá trị dự kiến tăng gấp 3 lần hiện nay. Chậm đầu tư phát triển, nhân rộng mô hình, sẽ đánh mất cơ hội cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

“ĐBSCL sản xuất lúa nổi tiếng cả thế giới nhưng nông dân trồng lúa vẫn nghèo do chi phí logistic khá cao và năng suất lao động thấp. Nghiên cứu của WB cho thấy, đầu tư vào giao thông nông thôn có thể đem lại mức lãi gấp 3 lần từ sản xuất nông nghiệp, có tác động rõ rệt cho xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, đầu tư giao thông ở ĐBSCL luôn là vấn đề còn tranh cãi. Đặc biệt là đường cao tốc”, ông Bửu nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại