Tuy nhiên, mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang đối mặt với những cáo buộc là một bên hưởng lợi trong chiến tranh. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là quốc gia giúp Nga thoát khỏi các lệnh cấm vận quốc tế vì lợi ích của bản thân mình. Sự phát triển trong quan hệ thương mại Nga - Thổ Nhĩ Kỳ cũng như việc các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận hệ thống thanh toán của Nga đã làm dấy lên những suy đoán rằng, Ankara đã phát hiện ra lợi ích của việc hỗ trợ Moscow khi nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng bởi lạm phát và những sai phạm trong quản lý của nước này có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát.
Thổ Nhĩ Kỳ là một nước "ủng hộ Ukraine mà không chống lại Nga", cựu quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sinan Ülgen, đồng thời là một học giả cấp cao tại Quỹ Carnegie châu Âu nhận định.
Dù vậy, nhiều nhà ngoại giao châu Âu cảm thấy khó có thể tha thứ cho thái độ nước đôi của Ankara.
"Bạn không thể đứng về cả hai bên trong một cuộc chiến như thế này. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO", một quan chức EU bình luận.
Mỹ và EU có thể thực hiện một số biện pháp gây sức ép với Ankara nhưng rủi ro của việc thực hiện chúng cũng khá cao. Hy Lạp cũng đang cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ có những hành động khiêu khích quân sự khi triển khai chiến đấu cơ trên Biển Aegean và đẩy người di cư vào vùng biển của nước này. Phương Tây cũng không muốn Tổng thống Erdogan phủ quyết việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ “đi trên dây” trong hệ với Nga và phương Tây Hiện nay, Brussels và Washington đang theo dõi sát sao các động thái của Ankara.
Kim ngạch thương mại giữa Moscow và Ankara đang tăng lên. Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga đã tăng từ 417,3 triệu USD vào tháng 7/2021 lên 730 triệu USD vào tháng 7/2022. Nhập khẩu từ Nga tăng từ 2,5 tỷ USD vào tháng 7/2021 lên 4,4 tỷ USD vào tháng 7/2022. Trước những tác động do giá dầu mỏ và khí đốt tăng cao, Nga hiện đã vượt Trung Quốc để trở thành nước nhập khẩu lớn nhất của Thổ Nhĩ. Nga chiếm 17% thị phần nhập khẩu ở Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 4 - 6/2022, cao hơn hẳn so với con số 10% vào một năm trước đó.
Các nước châu Âu luôn thận trọng với hoạt động trao đổi thương mại với Nga, thậm chí cả với những mặt hàng không bị trừng phạt.
Theo các chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ đang áp dụng chiến lược "vùng xám".
Nếu các công ty châu Âu xuất khẩu hàng hóa bị trừng phạt sang Thổ Nhĩ Kỳ, những mặt hàng mà sau đó được bán lại sang Nga, điều này có thể được coi là hành vi gian lận trừng phạt, Jan Dunin-Wasowicz - luật sư tại Hughes Hubbard nhận định.
Maria Shagina, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho rằng: "Trong khi mọi người đang tập trung vào Trung Quốc thì Thổ Nhĩ Kỳ là nước cứng rắn và quyết đoán hơn nhiều khi cố gắng cân bằng sợi dây mong manh giữa những gì được cho là hợp pháp và bất hợp pháp".
Một cựu quan chức cấp cao về các lệnh trừng phạt tại Bộ Tài chính Mỹ nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ, vốn hưởng lợi từ những đặc quyền trong việc tiếp cận thị trường châu Âu, đã nổi lên như một nước đi đầu trong việc lách khỏi các biện pháp trừng phạt.
Ngoài việc tăng cường trao đổi thương mại, phương Tây cũng lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang giúp Nga thoát khỏi các biện pháp hạn chế tài chính. Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan đã nhất trí đầu tháng này sẽ thiết lập một số hình thức trao đổi thương mại bằng đồng rúp. Một số ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chấp nhận hệ thống thanh toán thanh toán Mir của Nga - thay thế cho hệ thống thanh toán SWIFT của phương Tây - vốn đã loại hầu hết các tổ chức tài chính của Nga.
Dù vậy, một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhận định: "Chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi sẽ không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nơi để các bên lách khỏi trừng phạt. Chúng tôi muốn duy trì quan hệ thương mại hiện tại với Nga và chúng tôi sẽ không thực hiện bất kỳ biện pháp mới nào". Tuy nhiên, quan chức này thừa nhận Akara đang "đi trên dây" và quốc gia này phải "thực hiện các hành vi một cách thận trọng".
Những mối quan hệ phức tạp của Thổ Nhĩ Kỳ Mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng sẽ đem lại lợi ích cho Tổng thống Erdogan khi ông sắp đối mặt với cuộc bầu cử vào năm tới giữa bối cảnh lạm phát ở nước này tăng cao.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Getty
Ankara cũng không dễ cắt đứt quan hệ với Nga.
"Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào Nga theo nhiều cách", Yevgeniya Gaber - học giả cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận định khi chỉ ra lượng du khách Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ và dòng chảy năng lượng của Moscow. Nga chiếm 1/4 nguồn cung dầu mỏ của Thổ Nhĩ Kỳ và khoảng gần một nửa nhu cầu khí tự nhiên của nước này trong năm 2021. Moscow cũng tham gia vận hành nhà máy điện hạt nhân Akkuyu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ "ngay lập tức sẽ gây ra phản ứng dữ dội và tạo ra nhiều vấn đề cho ông Erdogan trước thềm bầu cử", nhà quan sát Gaber đánh giá.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đứng về các bên đối lập trong một số cuộc xung đột trên thế giới. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan đã giúp giải quyết một số cuộc khủng hoảng, từ tiến trình hòa bình Astana cho Syria tới thỏa thuận cho khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Phản ứng của phương Tây Các nước phương Tây đang gây sức ép để Thổ Nhĩ Kỳ không trở thành một điểm nóng cho các hành vi gian lận nhằm giúp Nga thoát khỏi lệnh trừng phạt. Hiện nay, cánh cửa để phương Tây áp thêm lệnh trừng phạt mới lên Nga đang hẹp dần, với trọng tâm hiện nay là tập trung đảm bảo các lệnh trừng phạt hiện tại được thực thi hiệu quả.
Ông Francesco Giumelli, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Groningen ở Hà Lan nhận định, hiện vẫn cần phải xem liệu EU và các thành viên NATO khác sẽ chấp nhận chiến lược nước đôi của ông Erdogan trong bao lâu, khi mà Thổ Nhĩ Kỳ vừa tiến hành các thỏa thuận với Nga nhưng cũng vừa là một nước NATO và có quan hệ rất chặt chẽ với Mỹ.
Một quan chức Mỹ cho rằng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập quan hệ đối tác kinh tế chính thức với Nga, Washington sẽ xem xét đề nghị các công ty phương Tây rút khỏi nước này hoặc hạ cấp mối quan hệ kinh tế với Ankara.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách lách trừng phạt, Washington có thể hành động mạnh tay hơn thông qua các lệnh trừng phạt thứ cấp.