Cổng chính vào Đàn tế trời. (Ảnh: Aboluowang)
Trong khuôn viên di tích Công viên Thiên đàn ngày nay tại Bắc Kinh, có một cánh cổng bị niêm phong. Du khách có thể tham quan ngoài khuôn viên, nhưng không được vào trong.
Đó là cổng Cổ Hy Môn, bí mật đằng sau cánh cổng được ghi lại trên tấm bia đá đặt bên ngoài.
Cổng Cổ Hy Môn (Ảnh: Aboluowang)
Nội dung trên tấm bia cho biết: Vào năm Càn Long thứ 14 (1779), Hoằng Lịch (hoàng đế Càn Long) đã 71 tuổi, các quan chức của Thái Thường Tự đề nghị xây dựng một cánh cổng nhỏ phía tây của Hoàng Càn điện để giảm bớt quãng đường di chuyển đến Thiên Đàn (Đàn tế trời).
Khi đã 71 tuổi, Càn Long tuy tai nghe còn rõ nhưng sức khỏe đã không được như trước, việc di chuyển đến Thiên Đàn đã trở nên rất vất vả và khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, những viên quan đã nghĩ ra cách xây dựng một cánh cổng mới ở phía tây của Hoàng Càn điện. Với cánh cổng này, quãng đường di chuyển từ cung điện tới Thiên Đàn của hoàng đế sẽ được giảm đi đáng kể.
Vì vậy, Càn Long đã quyết định đặt tên cho cánh cổng là "Cổ Hy Môn", với ý nghĩa chỉ những người trên 70 tuổi mới đủ điều kiện đi qua cánh cổng này.
Từ câu chuyện này, có thể thấy hoàng đế Càn Long thực sự là một vị vua không chỉ nghiêm khắc với bản thân mà còn nghiêm khắc với thế hệ sau này. Đáng tiếc, sau hoàng đế Càn Long, không có vị hoàng đế nào có thể sống quá bảy mươi tuổi. Vì thế, cho đến nay, chỉ có hoàng đế Càn Long đi qua cánh cổng này.
Sảnh Đàn tế trời. (Ảnh: Aboluowang)
Nói thêm về Thiên Đàn (Đàn tế trời). Thời cổ đại, các hoàng đế đều tự xưng là thiên tử, vì vậy nhiệm vụ tế trời đối với họ rất quan trọng. Đặc biệt nhất trong tất cả các vị vua phải kể đến hoàng đế Càn Long, ông rất chăm chỉ thực hiện các lễ tế trời và Thiên Đàn (Đàn tế trời) đã được chọn là nơi diễn ra nghi lễ này.
Đàn tế trời này vốn do hoàng đế Minh Thành Tổ nhà Minh xây dựng cùng với Tử Cấm Thành trong 14 năm, với tên gọi ban đầu là Thiên Địa Đàn. Tuy nhiên vào thời Gia Tĩnh nhà Minh, trời và đất cúng tế riêng nên nơi đây được chia thành 2 khu gồm: Thiên Đàn và Địa Đàn.
Vào thời nhà Thanh, Hoàng đế Càn Long không chỉ ra lệnh mở rộng Thiên Đàn, mà số lượng lễ tế cũng tăng rất nhiều so với các vị hoàng đế trước đó, ông luôn duy trì việc thực hiện những lễ tế này đến tận những năm cuối đời.