Với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc kết nối, chia sẻ thông tin ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đây cũng điều kiện thuận lợi để nhiều đối tượng lợi dụng sự mất cảnh giác và sơ hở của người sử dụng mạng Internet nhằm đánh cắp các thông tin cá nhân .
Tình trạng rò rỉ, để lộ thông tin cá nhân trên không gian mạng đang ngày càng trở nên phức tạp. Đây cũng là mối lo chung của nhiều cơ quan chức năng, doanh nghiệp cũng như người dùng.
Bằng chiêu thức tuyển nhân viên quán cà phê với lương cao nhằm thu hút nhiều người liên hệ để xin việc làm, những ngày qua, nhiều bạn trẻ là sinh viên tại Thừa Thiên - Huế đã rơi vào bẫy cung cấp CMND/CCCD và hình ảnh cá nhân cho các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội.
Ngay sau khi lấy được thông tin cá nhân, các đối tượng này nhanh chóng yêu cần các nạn nhân phải chuyển tiền vào số tài khoản mà chúng cung cấp, nếu không sẽ rao bán các thông tin cá nhân này hoặc dùng để vay nóng trên các diễn đàn.
Trong đường dây mua bán hơn 6,2 triệu dữ liệu cá nhân vừa bị triệt phá tại Thừa Thiên - Huế, bên cạnh việc thu thập dữ liệu cá nhân bằng cách lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dùng, các đối tượng còn truy cập trái phép vào trang nội bộ của các công ty tài chính, doanh nghiệp… để đánh cắp thông tin rồi rao bán trên mạng xã hội để thu lợi bất chính.
Thượng tá Mai Văn Toàn - Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng: "Những hành vi của đối tượng trực tiếp xâm hại đến sự an toàn của thông tin mạng máy tính, đồng thời xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân được pháp luật bảo hộ. Hệ lụy của việc mua bán dữ liệu trái phép là tạo điều kiện cho các đối tượng khác thực hiện hành vi phạm tội".
Không chỉ bị tổn hại về quyền riêng tư, người bị đánh cắp thông tin cá nhân còn có thể gặp phải rủi ro về pháp lý cũng như tài chính. Việc mỗi người nâng cao hơn nữa nhận thức về an ninh mạng chính là cách để tránh trở thành nạn nhân của hành vi mua bán dữ liệu cá nhân trái phép.