Cảnh báo nguy cơ cuộc chiến Balkan quay trở lại

Hữu Bình |

Ông Juncker cảnh báo về một cuộc chiến tranh mới tại Balkan nếu kế hoạch gia nhập EU của các nước trong khu vực không được xem xét nghiêm túc.

Ngày 5/10, phát biểu tại phiên họp toàn thể Hiệp hội Chính sách đối ngoại và Liên Hợp Quốc của Áo (UNA) ở thủ đô Vienna nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Áo, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker nói rằng nguyện vọng gia nhập Liên minh châu Âu của các nước khu vực Tây Balkan là có thực và nó cần phải được xem xét một cách nghiêm túc.

“Tất nhiên chúng ta không quá vội vàng trong vấn đề này, nhưng trong bối cảnh môi trường châu Âu đang quá phức tạp như hiện nay, nếu chúng ta tước đi cơ hội hội nhập của các nước Tây Balkan, nếu chúng ta không nghiêm túc về viễn cảnh các nước trong khu vực này gia nhập EU, không sớm thì muộn chúng ta sẽ lại phải chứng kiến những gì đã xảy ra tại khu vực này những năm 1990”, ông Juncker nói.

Cảnh báo của Chủ tịch Juncker ám chỉ tới cuộc xung đột đẫm máu nhất của châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai trong những năm 1990s, dẫn tới sự đổ vỡ của Liên bang Nam Tư cũ và chia tách thành những nước nhỏ hơn tại khu vực Balkan.

Hiện tại sáu quốc gia trong khu vực bao gồm Bosnia & Herzegovina, Albania, Serbia, Macedonia, Montenegro và Kosovo đang ở trong những giai đoạn khác nhau của quá trình đàm phán hội nhập EU.

Mặc dù vậy, những tranh cãi sắc tộc và lãnh thổ do lịch sử để lại luôn là rào cản để các quốc gia nhỏ bé này bước vào ngôi nhà chung.

Tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Juncker nói rằng việc kết nạp các nước khu vực Balkan là cần thiết để duy trì ổn định cho khu vực, và ông hy vọng Serbia và Montenegro sẽ là hai nước gia nhập sớm nhất vào năm 2025.

Tuy nhiên con đường còn nhiều chông gai ở phía trước, bởi những tiến bộ đạt được tại các quốc gia này chưa đủ sức thuyết phục đối với giới lãnh đạo EU.

Vì vậy, Chủ tịch Juncker mong muốn EU cần cân nhắc hỗ trợ kịp thời các quốc gia vùng Balkan, đồng thời yêu cầu các nước này cần giải quyết dứt điểm các tranh cãi sắc tộc hay lãnh thổ trước khi đạt được quy chế thành viên EU.

Trong số những vấn đề nan giải nhất hiện nay, tính hợp pháp của Kosovo vẫn chưa được giải quyết triệt để. Là một tỉnh tách ra từ Serbia và đơn phương tuyên bố độc lập năm 2008, nhưng Kosovo không được Serbia công nhận.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU hiện nay, Áo, và trước đó là Bulgaria, đều mong muốn thúc đẩy kế hoạch hội nhập của các nước khu vực Tây Balkan./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại