Cảnh báo: Đừng bật quạt khi trời nóng... nhưng khô

Bảo Nam |

Nghiên cứu mới cho thấy việc sử dụng quạt điện trong các môi trường khác nhau mang lại hiệu quả khác nhau và người dùng nên tắt thiết bị này khi độ ẩm trong không khí quá thấp.

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney cùng một số tổ chức y tế đã tiến hành nghiên cứu về tác dụng của quạt trong các điều kiện môi trường khác nhau. Tiêu chuẩn để đo đạc là mức chỉ số nhiệt (mức nhiệt độ cảm nhận thực tế), là thông số kết hợp giữa nhiệt độ và độ ẩm. Kết quả cho thấy độ ẩm không khí còn quan trọng hơn cả nhiệt độ môi trường trong việc làm mát bằng quạt với con người.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm trên 12 người đàn ông trưởng thành khỏe mạnh, những người không dùng thuốc và không mắc bệnh liên quan đến sự biến nhiệt. Tất cả được đưa vào những căn phòng nhỏ nơi có thể kiểm soát được nhiệt độ và độ ẩm của không khí.

Một căn phòng được đặt ở nhiệt độ 40 độ C và độ ẩm 50%, tương đương với chỉ số nhiệt là 56 độ C. Một căn phòng khác có nhiệt độ 47 độ C và độ ẩm 10%, tương đương chỉ số nhiệt là 45 độ C. Những người đàn ông phải bước vào và ngồi trên một cái ghế 2 tiếng, với một chiếc quạt vận hành ở cách xa khoảng 1,2 mét. Trong bốn ngày, họ phải thay phiên trải nghiệm các tình trạng khác nhau như có quạt (hoặc không) trong phòng có độ ẩm cao hoặc thấp. Nhóm nghiên cứu đã đo nhịp tim và nhiệt độ cơ thể của họ trong suốt buổi, cùng lượng mồ hôi và huyết áp, nhằm xác định tác động của môi trường và sự hiện diện của quạt trên cơ thể.

Kết quả cho thấy chỉ số nhiệt cao trong phòng có độ ẩm cao, nhưng quạt điện làm hạ nhiệt độ cơ thể và giảm áp lực lên hệ thống tim mạch, khiến mọi người thoải mái. Trong khi bật quạt trong phòng khô, mặc dù chỉ số nhiệt thấp hơn nhưng mọi người lại cảm thấy khó chịu, hệ tim mạch phải vận động với áp lực lớn.

Cảnh báo: Đừng bật quạt khi trời nóng... nhưng khô - Ảnh 1.

Theo các nhà nghiên cứu, cơ thể con người có chức năng cố gắng hạ nhiệt bằng cách thoát mồ hôi trên da. Trong phòng có độ ẩm cao, quạt gửi gió đến làm đẩy nhanh quá trình bay hơi của mồ hôi, khiến cơ thể thoải mái. Nhưng trong phòng có độ ẩm thấp, cơ thể không đổ mồ hôi, do đó quạt thổi gió đến cũng không có tác dụng làm mát. Thậm chí ngược lại, nó khiến cho cơ thể ấm lên.

Do đó, các nhà nghiên cứu đã đưa ra lời khuyên rằng không nên sử dụng quạt ở những vùng hay môi trường có nhiệt độ cao và khô như vùng Nam Trung Mỹ, Trung Đông và Nam Úc. Còn các khu vực nóng nhưng có độ ẩm cao như vùng Bắc Mỹ, Đông Nam Á, Nam Mỹ và châu Âu hoàn toàn có thể sử dụng quạt, thậm chí tốt hơn cả điều hòa không khí hay các thiết bị làm mát khép kín khác. Tất nhiên, nghiên cứu trên chỉ giới hạn ở một số lượng người tham gia nhỏ và vẫn cần phải điều tra xem liệu điều này có áp dụng cho các đối tượng khác ngoài nam giới trưởng thành hay không.

Cảnh báo: Đừng bật quạt khi trời nóng... nhưng khô - Ảnh 2.

Không giống như điều hòa, quạt điện không thổi khí lạnh vào phòng mà chỉ phát ra gió bằng cách tạo ra các luồng không khí.

Hiện tại, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã đưa ra một hướng dẫn sử dụng quạt trong đó xây dựng một mức giới hạn trên là 95 độ F, tương đương 35 độ C. Tức là người dùng chỉ nên dùng quạt khi nhiệt độ dưới 35 độ C. Nếu sử dụng quạt trên mức nhiệt độ này, nguy cơ đột quỵ do nhiệt sẽ tăng cao.

Ngoài ra, tổ chức nào cũng khuyến cáo người dân nên sử dụng quạt trần và quạt cửa sổ trong thời tiết nóng vì chúng làm mát phòng hiệu quả hơn bằng tạo ra các luồng gió lùa khắp các ngóc ngách.

Để sử dụng quạt hiệu quả nhất, nên đóng chặt các cửa sổ gần quạt và mở các cửa sổ cách xa quạt ở trong phòng, tốt nhất là phía có luồng gió thổi vào. Các cửa sổ gần khu vực ngoài trời râm mát sẽ cung cấp luồng không khí tốt nhất. Họ cũng khuyên người dùng nên tắt quạt khi đi ra ngoài vì mục đích chính của quạt là làm mát người chứ không phải căn phòng.

Tham khảo Gizmodo

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại