Bão Mặt Trời là vụ nổ năng lượng từ tính trong bầu khí quyển của Mặt Trời, giải phóng năng lượng cực lớn, các tia X và tia UV (cực tím) có thể được phát ra theo mọi hướng.
Từ đầu tháng 7 này, một cơn bão Mặt Trời rất mạnh đã ào qua hành tinh của chúng ta, theo trang Space Weather. Cơn bão này được cho là không gây ra những tác động có thể nhìn thấy hay cảm nhận rõ ràng, nhưng sau đó nó "đẩy" gió Mặt Trời đậm đặc về phía chúng ta.
Các chuyên gia giải thích rằng cơn bão này là đủ để "châm ngòi cho một cơn bão địa từ cấp G-1".
Trái Đất đang chịu ảnh hưởng của bão Mặt Trời. Ảnh: Getty/ iStock.
Theo Trung tâm Dự báo Thời tiết Vũ trụ của Mỹ thì bão địa từ cấp G-1 là cấp thấp nên sẽ không gây hại gì cho sức khỏe của con người, nhưng nó có thể gây ra "sự gián đoạn ngắn" đối với các lưới điện trên Trái Đất và việc hoạt động của các vệ tinh, trong khoảng thời gian vài ngày, cao điểm là vào ngày 6/7, khi một luồng gió Mặt Trời mạnh được cho là sẽ "va" vào từ trường của Trái Đất.
Bão địa từ là kết quả của việc bão Mặt Trời va chạm với hoặc đến gần Trái Đất, ảnh hưởng đến từ trường của Trái Đất.
Bão địa từ cấp G-1 tạo ra hiện tượng cực quang tại một số bang miền Bắc nước Mỹ. Ảnh: Rocky Raybell/ SpaceWeather. |
Trong trường hợp bão địa từ mạnh hơn xảy ra (cấp G-5 là mạnh nhất), thì nó sẽ gây nhiều xáo trộn trong cuộc sống hằng ngày của con người. Theo Cơ quan Quản lý Khí tượng và Đại dương của Mỹ thì bão địa từ cấp G-5 sẽ gây "nhiều vấn đề về điện áp trên diện rộng và các vấn đề về hệ thống bảo vệ", một số lưới điện sẽ "sập hoàn toàn, ngừng hoạt động", "nhiều thiết bị sẽ bị hỏng". Tuy nhiên, hiện tại chúng ta có thể yên tâm rằng bão địa từ cấp G-5 rất hiếm khi xảy ra, và chưa thấy có nguy cơ nào là cơn bão địa từ hiện tại sẽ mạnh lên.
Vậy không biết vấn đề về điện xảy ra ở nhiều nơi tại Hà Nội vào chiều 4/7 có liên quan gì đến bão địa từ hay không?