Theo tin từ báo giới trong nước, tại cuộc họp sáng 14/8 giữa tỉnh Tiền Giang và Tổng cục Đường bộ Việt Nam xung quanh các vấn đề về trạm thu phí Cai Lậy, ông Trần Văn Bon (Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang) đã kiến nghị xem xét giảm giá tại trạm này.
Ngoài ra, ông Bon còn kiến nghị miễn giá sử dụng với chủ phương tiện thường trú trên địa bàn 4 xã Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú, Phú An (thuộc huyện Cai Lậy) và các phương tiện không kinh doanh vận tải.
Còn ông Huỳnh Văn Nguyện (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Tiền Giang) thì cho rằng, các tài xế có ít thông tin về trạm thu phí Cai Lậy, cùng với đó thời điểm thông báo thu phí chỉ 1 ngày là quá gấp. Đó là những nguyên do khiến cánh tài xế thấy sự khác biệt giữa trạm này và các dự án thu phí khác.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT) khẳng định ghi nhận các ý kiến và trình Bộ GTVT xem xét.
Hai thứ trưởng của Bộ GTVT là ông Nguyễn Ngọc Đông và Nguyễn Nhật cũng đã thông tin với báo giới về một số khía cạnh được dư luận quan tâm.
Trên báo Tiền phong, ông Nguyễn Ngọc Đông (Thứ trưởng Bộ GTVT) cho hay, Bộ sẽ "xem xét hai khía cạnh, đó là giảm giá cho người dân xung quanh trạm và giảm chung cho toàn bộ các phương tiện". Theo ông Đông, việc giảm giá cho các hộ dân xung quanh trạm thu phí là chủ trương chung của Bộ.
Về thời gian thu phí hơn 6 năm như trạm Cai Lậy, ông Đông bày tỏ "đúng là ngắn hơn các dự án khác" và cho rằng việc này phải đàm phán với phía ngân hàng cho vay vốn thực hiện dự án.
Tài xế trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí Cai Lậy. Ảnh: Người đưa tin
Còn Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định trên báo Zing.vn, Bộ GTVT sẽ xem xét trên tình hình thực tế, chứ "không vì phản đối của người dân mà phá luật, giảm phí, di dời trạm BOT". Bộ này đang chờ báo cáo từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam gửi lên sau khi làm việc với tỉnh Tiền Giang rồi mới quyết định.
Cũng chia sẻ với Zing.vn, tiến sĩ Phạm Sanh (chuyên gia giao thông) cho rằng, việc nhà đầu tư duy tu sửa chữa trên 1 số đoạn của tuyến Quốc lộ 1 bằng vốn BOT, rồi đặt trạm thu phí cả tuyến là "sai về nguyên tắc". Bởi theo ông, việc duy tu hay sửa chữa Quốc lộ 1 phải dùng quỹ bảo trì đường bộ.
Phản hồi thông tin trên, Thứ trưởng Nhật cho hay, toàn quốc có 24.000km đường Quốc lộ nhưng kinh phí bảo trì đường bộ hiện nay chỉ đáp ứng được 50%.
Về điều này, ông Nguyễn Mạnh Thắng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam) trong buổi họp với tỉnh Tiền Giang cũng thông tin, 26,5km Quốc lộ qua tỉnh này cần kinh phí hơn 300 tỷ đồng và không nguồn quỹ bảo trì nào có thể đáp ứng được.
Trạm Cai Lậy tiếp tục xả chiều 14/8 vì ùn ứ
Tin từ báo VnExpress cho hay, chiều 14/8, nhiều tài xế tiếp tục dùng tiền lẻ qua trạm khiến phương tiện ùn ứ 30 phút.
Trạm Cai Lậy đã phải mở 3 làn đường hướng từ TP. HCM về Vĩnh Long. Nhiều tài xế gay gắt chất vấn nhân viên trạm tại sao không xả hết các làn đường khiến nhân viên trạm phải "cố thủ" trong cabin. Đến 17h, trạm thu phí Cai Lậy phải xả hết các làn.
Ghi nhận của báo điện tử Trí Thức trẻ từ hiện trường cho thấy, trước tình hình căng thẳng ở trạm khi tài xế phản ứng, các nữ nhân viên đã được nam nhân viên "hộ tống" rời trạm.
Nữ nhân viên rời trạm. Ảnh: Viết Dũng
(Tổng hợp)