Căng thẳng ở PIF: Nauru gay gắt lớn giọng với Trung Quốc vì đã nhận tiền của Đài Loan?

Hồng Anh |

Mối quan hệ đồng minh của Đài Loan và Nauru từng bị gián đoạn từ năm 2002-2005, khi Trung Quốc lôi kéo thành công quốc đảo nhỏ này về phe mình với khoản tiền 137 triệu USD.

Vì sao Nauru bất ngờ đấu khẩu với Trung Quốc?

Với diện tích vỏn vẹn 21 km² và dân số 11.000 người, Nauru vừa qua đã gây sốc khi liên tục gây khó dễ và đấu khẩu với đại biểu Trung Quốc tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF).

Cụ thể, trước thềm hội nghị, Nauru đã từ chối cấp thị thực cho hộ chiếu ngoại giao của đoàn đại biểu Trung Quốc và buộc họ phải dùng hộ chiếu thường.

Sau đó, trong một phiên họp mở đầu diễn đàn, Tổng thống Nauru Baron Waqa đã ngắt lời trưởng phái đoàn Trung Quốc Đỗ Khởi Văn, đồng thời chỉ trích ông Đỗ vì có thái độ "xấc xược" và "bắt nạt nước bé", khi ông này đòi được phát biểu trước Thủ tướng Tuvalu.

Tiếp đến, trong cuộc họp báo ngày 5/9 vừa qua, ông Waqa tiếp tục nói rằng đại biểu Trung Quốc "chẳng là ai cả", và yêu cầu phía Bắc Kinh đưa ra lời xin lỗi chính thức, thậm chí còn đe dọa sẽ khiếu nại về vụ việc này tại Liên Hợp Quốc.

Loạt động thái trên đã khiến Trung Quốc mất mặt, đặc biệt là khi PIF không chỉ có sự tham gia của các nước trong khu vực mà còn có cả đại diện của Mỹ, Australia và đảo Đài Loan. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích sự cố trên là "trò hề vụng về" do chính phủ Nauru đạo diễn.

Bàn về những hành động của Nauru, báo Guancha (Trung Quốc) đã cáo buộc rằng thực chất Tổng thống Waqa có "dũng khí" lớn tiếng với đại biểu nước này là do được Mỹ hậu thuẫn.

Theo Quartz, lí do Tổng thống Nauru đứng ra "đòi quyền lợi" cho Tuvalu và lớn giọng với Trung Quốc là bởi hai nước này cùng là đồng minh của Đài Bắc và không có mối quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh.

Đoàn đại biểu chính quyền Đài Loan cũng tham dự hội nghị PIF năm nay với vai trò khách mời, giống như đoàn Trung Quốc Đại lục. 

Nhằm củng cố quan hệ với các đồng minh ít ỏi của mình, Đài Loan đã tiếp tục sử dụng chiêu ngoại giao đồng đô-la thông qua khoản quỹ 2 triệu USD cho lĩnh vực y tế dành cho tất cả thành viên của PIF. Kế hoạch này vừa được đoàn Đài Loan công bố trong khuôn khổ hội nghị vừa qua.

Căng thẳng ở PIF: Nauru gay gắt lớn giọng với Trung Quốc vì đã nhận tiền của Đài Loan? - Ảnh 2.

Tổng thống Nauru Baron Waqa (phải). Ảnh: PIFS/Facebook.

Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Thái Bình Dương

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường rót vốn đầu tư tại khu vực Thái Bình Dương, và ra sức cạnh tranh ảnh hưởng không chỉ với Đài Loan, mà còn cả với cường quốc trong khu vực này là Australia. 

Thực tế là Trung Quốc hiện nay chỉ đứng thứ 2 sau Australia nếu xét về số tiền viện trợ cho khu vực, theo số liệu của Viện nghiên cứu Lowy.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi Nauru tuân thủ chính sách Một Trung Quốc, đồng thời "cần nắm bắt xu hướng hiện nay, sửa chữa sai lầm, và ngừng chống lại xu hướng chung của thời đại". Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không tách rời của Trung Quốc và sẽ được thống nhất trong tương lai, không loại trừ bằng giải pháp vũ lực.

Kể từ khi bà Thái Anh Văn bắt đầu nhiệm kỳ lãnh đạo hồi năm ngoái, đã có 5 quốc gia 'dứt tình' với đảo này để thiết lập quan hệ với Bắc Kinh.

Trang Quartz nhận định, nếu Bắc Kinh có thể khiến Nauru 'quay đầu' thành công, thì đây sẽ không phải là lần đầu tiên quốc đảo nhỏ này đổi phe. 

Năm 2002, dưới thời cựu Tổng thống Rene Harris, Nauru từng tuyên bố cắt đứt quan hệ với Đài Loan để đến với Trung Quốc - bất chấp sự phản đối của đa số thành viên nội các chính phủ nước này.

Theo Radio New Zealand, khi ấy Đài Bắc đã cáo buộc Đại lục dùng khoản tiền lên tới 137 triệu USD để "mua" quan hệ với Nauru, sau khi Đài Loan buộc phải từ chối những yêu cầu viện trợ của Nauru do khoản tiền đó lớn hơn nhiều so với khả năng viện trợ của họ.

Đến năm 2005, khi Nauru đổi lãnh đạo, thì chính quyền mới của nước này đã nối lại quan hệ với Đài Loan và duy trì mối quan hệ ấy cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, lí do khiến Nauru từ bỏ Đài Loan năm 2002 khá giống với lí do khiến El Salvador vừa quyết định 'dứt tình' với đảo này hồi tháng 8 vừa qua. Theo ông Joseph Wu, lãnh đạo cơ quan ngoại giao Đài Loan, lí do khiến El Salvador 'chia tay' là bởi Đài Bắc đã từ chối hỗ trợ một khoản tiền lớn cho họ.

Như vậy, Đài Loan vẫn có nguy cơ bị Trung Quốc Đại lục 'cướp' mất đồng minh nếu như không thể đưa ra những chính sách đối ngoại phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nhằm 'giữ chân' các đồng minh quý giá còn sót lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại