Căng thẳng Mỹ-Trung nóng lên sau cáo buộc Trung Quốc “phá giá tiền tệ”

Phương Anh |

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc tiếp tục bị đẩy lên cao khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ cáo buộc Trung Quốc đang phá giá tiền tệ.

Bên cạnh đó, giới chức Mỹ còn tiếp tục đưa thêm doanh nghiệp viễn thông của Trung Quốc vào diện cấm xuất khẩu, càng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát một cuộc chiến thương mại thực sự giữa hai bên, bất chấp việc mới đây cả Mỹ và Trung Quốc đều tỏ rõ thiện chí giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại.

Chia sẻ trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, Trung Quốc cùng với Nga đang “chơi trò” phá giá tiền tệ trong bối cảnh Mỹ tiếp tục nâng lãi suất và điều này là không thể chấp nhận được.

Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng hoàn toàn mâu thuẫn với báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra tuần trước với nhận định không có đối tác thương mại lớn nào, kể cả Trung Quốc, có động thái thao túng giá trị tiền tệ trong giai đoạn hiện tại.

Bởi vậy, theo giới quan sát, nhận định mới nhất về Trung Quốc của người đứng đầu nước Mỹ chắc chắn tiếp tục làm nóng lại căng thẳng thương mại gần đây giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vốn mới chỉ phần nào dịu bớt sau tuyên bố tích cực gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Châu Á Bác Ngao.

Dư luận càng có cơ sở lo ngại gia tăng căng thẳng mới sẽ tác động tiêu cực tới quan hệ thương mại Mỹ- Trung khi Bộ Thương mại Mỹ ngày 16/4 ra lệnh cấm các công ty trong nước xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cho ZTE- công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc sau khi phát hiện công ty này vi phạm các điều khoản thi hành án phạt từ một tòa án Mỹ đối với hành vi bán hàng cho Iran và Triều Tiên bất chấp các lệnh trừng phạt.

Lệnh cấm mới đồng nghĩa với việc ZTE sẽ không thể tiếp tục nhập các linh kiện từ Mỹ cho các sản phẩm của mình. Quyết định này đã ngay lập tức có hiệu ứng, khiến giá cổ phiếu của ZTE tại Thẩm Quyến và đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), sụt giảm một nửa.

Giới chuyên gia kinh tế đã phải lên tiếng cảnh báo về tác động tiêu cực từ lệnh cấm mới của Mỹ. Ông Dan Ikenson, Giám đốc Viện CATO tại Mỹ cho biết: “Tôi nghĩ rằng, nó sẽ để lại hậu quả rất tai hại không chỉ đối với ZTE, mà còn với mối quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc nói chung. Chúng ta vẫn còn đang ở giai đoạn bắt đầu của một cuộc chiến bùng nổ, cuộc chiến về công nghệ.

Chính phủ Mỹ dường như có ý định trừng phạt các công ty Trung Quốc mà có thể được hưởng lợi từ các chính sách công nghiệp, được hưởng lợi từ Chiến lược Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025".

Phản ứng trước quyết định mới của Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc đã hối thúc Mỹ tạo lập một môi trường chính sách và pháp lý ổn định, công bằng cho các doanh nghiệp nước này.

Trung Quốc hy vọng Mỹ có thể giải quyết vấn đề trên một cách hợp lý, phù hợp với các nguyên tắc và luật pháp. Đáng nói hơn, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ vụ việc và nhất là sẵn sàng có các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.

Hiện những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc được giới chuyên gia đánh giá là chưa gây ra nhiều tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu nói chung. Tuy nhiên, nếu hai bên tiếp tục leo thang những căng thẳng mới, dẫn tới bùng nổ một cuộc chiến tranh thương mại thực sự, thì hậu quả lúc đó sẽ rất khó lường.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định, tăng trưởng của các quốc gia châu Á đang phát triển, có thể bị tác động nặng nề trong năm nay nếu bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Roberto Azevedo mới đây cũng cảnh báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có nguy cơ sẽ bị giảm xuống “rất nhanh chóng” và rằng các cuộc đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc là những khoảnh khắc khó khăn nhất mà Tổ chức Thương mại Thế giới phải đối mặt trong lịch sử 23 năm của mình./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại