Sự khởi đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh mới?
Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn ngày càng tồi tệ hơn trong dịch Covid-19 là khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, cựu cố vấn thương mại Nhà Trắng Clete Willems nhận định ngày 5/5.
"Thực tế là căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang đáng kể trong thời điểm hiện tại. Tôi biết mọi người không thoải mái với thuật ngữ này nhưng tôi cho rằng chúng ta phải thành thật và gọi điều này là sự khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, và nếu chúng ta không cẩn thận, mọi thứ có thể tồi tệ hơn rất nhiều", chuyên gia Willems phân tích.
Washington chỉ trích Bắc Kinh không thông tin kịp thời và đầy đủ về đại dịch Covid-19. Tổng thống Trump cho rằng "sai lầm" của Trung Quốc chính là nguyên nhân gây nên đại dịch toàn cầu trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết có một "số lượng bằng chứng đáng kể" cho thấy virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc trên. Trang Global Times của nước này cho rằng những nhận định của ông Pompeo rằng virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm là "vô căn cứ" và cáo buộc ông Pompeo đang nỗ lực "vu khống" Trung Quốc để giúp Tổng thống Trump tái đắc cử.
Chưa dừng lại ở cuộc chiến thông tin với những màn đấu khẩu lẫn nhau, căng thẳng Mỹ-Trung đang có dấu hiệu lan sang lĩnh vực thương mại khi Tổng thống Trump dọa sẽ chấm dứt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nếu Trung Quốc không tuân thủ các cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa.
"Chúng ta phải nhìn vào những điều đang xảy ra (đối với sức mua của Trung Quốc-ND). Họ đã lợi dụng đất nước chúng ta. Bây giờ họ phải mua hàng và nếu họ không mua, chúng ta sẽ chấm dứt thỏa thuận. Rất đơn giản", ông Trump khẳng định tại Đài Tưởng niệm Lincoln, Washington tối 3/5.
Trong 2 năm qua, Tổng thống Trump đã áp thuế quan lên khoảng 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc cũng đáp trả với hơn một nửa hàng xuất khẩu của Mỹ. Thỏa thuận ký kết ngày 15/1 là được xem như một thỏa thuận "đình chiến" trong cuộc chiến thương mại giữa 2 bên và được đánh giá là sẽ thúc đẩy một kỷ nguyên mới trong quan hệ đối tác thương mại. Dù vậy, sự “ấm lên” này nhanh chóng bị lu mờ khi Mỹ và Trung Quốc đổ lỗi cho nhau về cuộc khủng hoảng y tế công cộng toàn cầu Covid-19 và sự sụt giảm nghiêm trọng về kinh tế.
Ngày 4/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng cho biết ông hy vọng Trung Quốc sẽ tuân thủ thỏa thuận đã đạt được với Mỹ và cảnh báo về "những hậu quả" nếu nước này không làm như vậy.
Sức ép buộc Trump phải hành động
Sức ép chính trị phải làm điều gì đó đang gia tăng trong chính đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump. Mặc dù nhà lãnh đạo Mỹ phủ nhận các bài báo hồi tuần trước rằng chính quyền của ông đang lên kế hoạch hủy bỏ các nghĩa vụ nợ của Mỹ với Trung Quốc nhưng Tổng thống Trump nói rằng ông có nhiều biện pháp khác để trừng phạt nước này.
"Tổng thống Trump sẽ kiên quyết và hành động mạnh mẽ đối với Trung Quốc bởi ông ấy nhận ra rằng các cử tri Mỹ, đặc biệt là các cử tri của ông ấy đều muốn có một lời giải thích", Jason Miller - một cố vấn cấp cao trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của Tổng thống Trump nhận định.
2/3 người Mỹ có quan điểm tiêu cực với Trung Quốc trong một cuộc khảo sát gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi Pew bắt đầu đưa vào câu hỏi về vấn đề này vào năm 2003. 72% thành viên đảng Cộng hòa nói rằng họ không thích Trung Quốc trong khi con số này ở đảng Dân chủ là 62%.
Việc 2/3 người Mỹ nhất trí trong cùng một vấn đề chính trị là điều đáng chú ý và tỷ lệ này cho thấy đây chính là một trong những vấn đề trọng tâm mà các ứng viên sẽ chú ý tới trong các cuộc vận động tranh cử.
Rõ ràng không chỉ Tổng thống Trump mà các quan chức Mỹ khác trong Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều nói về Trung Quốc rất nhiều khi bầu không khí trước kỳ bầu cử đang dần nóng lên.
Một điều dễ nhận thấy là thông điệp của Tổng thống Trump đối với khả năng xử lý đại dịch Covid-19 của Trung Quốc tại Vũ Hán - nơi các ca mắc đầu tiên được ghi nhận, ngày càng trở nên mạnh mẽ mặc dù ông luôn thận trọng phân biệt sự không hài lòng với Trung Quốc và những bình luận với Chủ tịch Tập Cận Bình. Với việc đảng Cộng hòa đều "đồng lòng" kêu gọi Trung Quốc phải 'trả giá", Tổng thống Trump có thể sẽ đưa ra hành động nào đó với Trung Quốc trước kỳ bầu cử.
Liệu Trump có chấm dứt thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung?
Một số nhà quan sát nhận định những điều khoản trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là những cam kết mua hàng, cho thấy sự không thực tế ngay từ đầu. Dịch Covid-19 chỉ là chất xúc tác làm nổi cộm những vấn đề trong thỏa thuận này.
Trung Quốc cam kết chi 53,4 tỷ USD mua năng lượng Mỹ trong 2 năm. Tuy nhiên, Hội đồng Sản xuất và Khai thác Mỹ thông báo tháng trước rằng Trung Quốc chỉ mới mua "một lượng tối thiểu dầu thô Mỹ trong những tháng đầu tiên của năm 2020, trong khi lại tăng cường mua dầu thô từ Saudi Arabia và Nga".
Một quan chức cấp cao tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ trong một cuộc trao đổi với báo giới tuần trước thừa nhận rằng đã có những vấn đề liên quan đến việc mua hàng từ phía Trung Quốc và chính quyền Tổng thống Trump đang trao đổi với nước này để đảm bảo các cam kết tiếp tục được duy trì.
“Quay trở lại áp thuế rõ ràng sẽ khiến Trung Quốc bị tổn thất khi nền kinh tế nước này đang vật lộn trước sự lao dốc về nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu cũng như trong nước. Các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc trong mùa xuân này đã đặc biệt chú ý đến yêu cầu cần ổn định thương mại quốc tế và duy trì nguồn cung ứng hiện tại", George Magnus, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford nhận định, đồng thời đánh giá rằng, điều đó cho thấy phía Trung Quốc đã nhận thức rõ những thiệt hại về thương mại của họ trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, áp thuế Trung Quốc không có nghĩa là Mỹ sẽ không chịu ảnh hưởng gì.
"Chiến tranh thương mại bắt đầu vào thời điểm kinh tế có những chỉ số tích cực khi mà những biện pháp thuế quan bổ sung không gây chú ý đáng kể. Tái áp đặt hoặc mở rộng thuế quan vào thời điểm này, ngay giữa đại dịch Covid-19 và tỷ lệ thất nghiệp ở mức trên 20% sẽ khiến cho việc biện minh về mặt kinh tế hoặc bào chữa về mặt chính trị trở nên khó khăn hơn nhiều", Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế nhận định trên Asia Times.
Trên thực tế, làn sóng áp đặt các biện pháp thuế quan đầu tiên năm 2018 và 2019 diễn ra vào thời điểm kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ khi mà người tiêu dùng và các doanh nghiệp vẫn có thể chịu đựng được các chi phí cao hơn. Tuy nhiên, với mức GDP đã sụt giảm theo tỷ lệ chưa từng có tiền lệ và hàng chục triệu người đột nhiên mất việc làm, việc tăng chi phí với các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ chẳng khác nào tự hủy hoại mình.
Hơn nữa, những gì Trung Quốc đang trải qua khi nối lại các hoạt động kinh tế sau nhiều tháng đóng cửa là minh chứng cho thấy việc phục hồi nền kinh tế Mỹ sẽ kéo dài và trải qua những khó khăn như thế nào, thậm chí sau khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, chuyên gia Magnus cho biết
Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện bị mắc kẹt giữa các lựa chọn. Nếu phản ứng quá mạnh mẽ bằng cách trừng phạt Trung Quốc thông qua vũ khí kinh tế “yêu thích” của ông là thuế quan thì nhà lãnh đạo Mỹ có thể khiến nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp nước này bị thiệt hại đáng kể khi Mỹ đang phải đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế sâu nhất kể từ những năm 1930. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ hiểu rõ ông không thể không hành động khi cuộc bầu cử Tổng thống đã cận kề./.