Kể từ ngày mở cửa rộng rãi cho công chúng tại địa điểm mới ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng. Có những ngày Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ghi nhận tình trạng quá tải vì lượng khách quá đông. Trong đó, nhiều du khách không chấp hành nội quy khi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Mới đây, trang facebook của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đăng tải một số hình ảnh "chưa đẹp" tại bảo tàng, kèm nội dung: "Bên cạnh những niềm vui vì số lượng người dân đông đảo đến tham quan bảo tàng, vẫn còn đó nhiều hình ảnh không đẹp về một bộ phận du khách chưa có ý thức khi vô tư leo trèo, sờ nắn… làm ảnh hưởng đến các hiện vật được trưng bày. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là nơi trưng bày những hiện vật vô giá về lịch sử của dân tộc ta, bao gồm nhiều bảo vật quốc gia và khí tài quân sự có giá trị. Vì thế cho nên, ý thức của mỗi người cũng sẽ góp phần gìn giữ lịch sử cho những thế hệ tiếp nối mai sau".
Theo Trung tá, Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Tuyên truyền - Giáo dục Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, sau thời gian mở cửa đón khách, những ngày qua, bảo tàng đã họp, đánh giá cũng như lên phương án đảm bảo tốt nhất cho công tác hướng dẫn tuyên truyền, bảo quản hiện vật trong thời gian tới. "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường trong việc bố trí nhân lực ở khắp các khu vực của bảo tàng, nhằm phục vụ người dân và du khách một cách tốt nhất".
Tới đây các hiện vật trưng bày, đặc biệt là các bảo vật quốc gia sẽ được lưu trữ, bảo quản và bảo vệ một cách nghiêm ngặt hơn, tránh tính trạng không mong muốn xảy ra.
Cần thêm giải pháp bảo vệ hiện vật
Để ngăn chặn thiệt hại cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nói riêng và các bảo tàng, di tích nói chung, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng cần có biện pháp nghiêm khắc hơn trong việc điều chỉnh hành vi của khách tham quan.
"Cần nghiêm khắc với các hành vi xâm hại hiện vật, trong đó cân nhắc xử phạt tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại đến các hiện vật, bảo vật quốc gia hay tài sản khác của bảo tàng. Không chỉ ở bảo tàng mà rất nhiều di tích văn hóa - lịch sử hiện nay đều có nội quy và du khách phải tuân theo, như cấm sờ hiện vật, cấm leo trèo hay cấm các hành vi xâm hại...
Tôi quan sát thấy một điều rất lạ, du khách Việt Nam khi ra nước ngoài thường tuân thủ rất tốt nội quy các bảo tàng hay di tích; vậy tại sao những hành vi không đẹp lại xảy ra nhiều như vậy ở một bảo tàng ở trong nước? Những hiện vật, nhất là bảo vật quốc gia, cần được bảo vệ nguyên vẹn cho những thế hệ sau, điều đó cũng thể hiện sự văn minh của người Việt Nam", ông Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ với VOV.VN.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, một bộ quy tắc ứng xử khi tham quan, du lịch tại các bảo tàng và di tích cần được ban hành và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của khách tham quan. "Tại bảo tàng, người lớn cần phổ biến các quy tắc ứng xử này cho trẻ em, nhắc nhở con em mình. Không nên vì những bức ảnh chạy theo trào lưu, hay vì chiều con trẻ mà bất chấp các quy định của bảo tàng".
Trước mắt, ông Nguyễn Tiến Đạt đề xuất Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nên tăng cường quản lý, có thể chăng dây tạo khoảng cách hợp lý giữa khách tham quan và hiện vật. Cân nhắc áp dụng công nghệ, hệ thống camera giám sát để điều tiết lượng khách và sớm phát hiện các cá nhân vi phạm để kịp thời chấn chỉnh.
"Bảo tàng nên thống kê xem lượng khách tăng cao trong khung giờ nào, ngày nào trong tuần, từ đó đặt ra giới hạn về lượng khách trong lúc cao điểm đó. Cần khuyến cáo về các khung giờ cao điểm để khách tham quan chủ động lên kế hoạch đến thăm bảo tàng. Dùng công nghệ để thống kê và điều tiết khách là phương pháp phổ biến mà nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng. Thậm chí các biện pháp mang tính răn đe hơn cũng được các bảo tàng ở nước ngoài thực thi, có thể phạt tiền rất nặng hoặc truy tố, tùy theo mức độ thiệt hại gây ra. Khi biện pháp đủ mạnh, tất cả du khách đều phải tuân thủ, vì vậy ở nhiều nơi trên thế giới, những di tích, hiện vật được bảo tồn rất tốt sau hàng trăm năm", ông Nguyễn Tiến Đạt nói.
Nội quy khi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam:
1. Tuyệt đối chấp hành mọi hướng dẫn của nhân viên Bảo tàng.
2. Trang phục lịch sự, không nói tục chửi bậy, không hút thuốc.
3. Mua vé đầy đủ.
4. Gửi hành lý, túi xách đúng nơi quy định.
5. Không mang vũ khí, vật liệu nổ, chất dễ cháy... vào Bảo tàng.
6. Không ăn, uống trong khu vực trưng bày.
7. Không tì tay lên kính, không chạm tay hay trèo lên hiện vật.
8. Có ý thức gìn giữ vệ sinh chung, bảo vệ hiện vật và các công trình công cộng.
9. Khách tham quan phải chịu trách nhiệm nếu gây ra bất cứ tổn thất nào cho Bảo tàng.
10. Khách quay phim, chụp ảnh phải hỏi ý kiến nhân viên Bảo tàng để biết được phạm vi cho phép. Không dùng đèn flash chụp ảnh hiện vật Bảo tàng.
11. Các cơ quan, đơn vị, trường học... đến tham quan theo đoàn vui lòng liên hệ đăng ký trước.